Trình Quốc hội quyết định chưa thực hiện cải cách tiền lương

Việt Hoàng

Ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2023-2025; đồng thời nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành ngày 21/5/2018.

Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương sẽ trình Quốc hội quyết định thực hiện tăng lương cơ sở.
Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương sẽ trình Quốc hội quyết định thực hiện tăng lương cơ sở.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với phương án xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm 2023-2025. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần bám sát để đảm bảo tính thực tế, khả thi và điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ Chương trình phục hồi.

Phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực; tăng tỷ lệ thu nội địa để đạt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, nguyên nhân và trách nhiệm trong việc thực hiện dự toán thu từ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước… Thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong báo cáo về dự toán, lưu ý ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và một số nội dung khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khoá để hỗ trợ Chương trình phục hồi, cần lưu ý phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...

Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm chất lượng, tiến độ các dự án…. Chính phủ khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phân bổ vốn chương trình phục hồi, vốn đầu tư công trung hạn, kiên quyết thu hồi kế hoạch vốn dự án chậm triển khai, điều chuyển cho dự án có khả năng giải ngân...

Bên cạnh đó, tiếp tục phân bổ vốn Chương trình phục hồi, vốn đầu tư công trung hạn, kiên quyết thu hồi kế hoạch vốn dự án chậm triển khai, điều chuyển cho dự án có khả năng giải ngân, củng cố vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia. Hoàn thiện cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã được ban hành ngày 21/5/2018. Trong khi chưa thực hiện cải cách tiền lương trình Quốc hội quyết định thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công...

Phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự hỗ trợ, hợp tác và đặc biệt là sự phối hợp rất tốt với Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề chung, trong đó có các vấn đề về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước. Phó Thủ tướng khẳng định, các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội lần này có chất lượng tốt hơn; nội dung rõ hơn; những khuyết điểm, tồn tại, hạn chế trong điều hành thực hiện kinh tế xã hội thẳng thắn hơn. Tuy nhiên, tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ và phân tích sâu hơn, đặc biệt là trong việc chỉ đạo điều hành thời gian tới việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp.