Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ bị xử lý hình sự

Hữu Thông

Tính đến hết tháng 10/2017, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện 28.942 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền 60.506 triệu đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Finance Plus
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Finance Plus

Theo báo cáo tại hội nghị trực tuyến BHXH, Bảo hiểm Y tế (BHYT), tính đến ngày 31/10/2017, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là gần 80 triệu người, trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là hơn 13,2 triệu người, BHTN là 11,4 triệu người, BHXH tự nguyện là hơn 220.000 người, BHYT là gần 80 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT hơn 85% dân số.

Lũy kế đến hết tháng 10/2017, tổng thu ước đạt 227.119 tỷ đồng (BHXH bắt buộc là 155.435 tỷ đồng, BHTN là 10.695 tỷ đồng, BHXH tự nguyện là 981 tỷ đồng, BHYT là 59.501 tỷ đồng), đạt 80,2% so với kế hoạch cả năm, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại hội nghị, BHXH Việt Nam cho biết, tình trạng trốn đóng BHXH tại các doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp. Tính đến hết tháng 10/2017, BHXH Việt Nam đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.804 đơn vị sử dụng lao động. Qua đó, đã phát hiện 28.942 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền 60.506 triệu đồng; đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với 356 đơn vị sử dụng lao động với số tiền xử phạt là 4.862 triệu đồng (đã thu 843 triệu đồng).

Liên quan việc nhiều doanh nghiệp vi phạm Luật BHXH, nợ tiền BHXH hoặc trốn đóng bảo hiểm cho người lao động, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, theo quy định mới của Bộ luật Hình sự, hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ năm 2018, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực thì đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ phải chuyển hồ sơ cho cơ quan công an và tòa án để xử lý.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ra nhiều vần đề nóng đang tồn tại hiện nay đó là để lách luật không phải đóng BHXH, BHYT đã xuất hiện tình trạng các hãng taxi khoán xe cho tài xế và không có hợp đồng lao động.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho biết, để lách luật không phải đóng BHXH cho người lao động, một số doanh nghiệp chuyển hình thức từ hợp đồng lao động sang hình thức hợp đồng kinh tế, thuê khoán. Rõ nhất là các doanh nghiệp taxi. Như vậy, doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm cho người lao động mà vẫn thu được lợi nhuận cao.

“BHXH Việt Nam hy vọng, với quy định mới của Bộ luật Hình sự thì hành vi trốn đóng BHXH sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, khi đó, hành vi trốn đóng, nợ đọng BHXH sẽ giảm đi,” Ông Cường chia sẻ.

Về vấn đề khám chữa bệnh BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đề cập, tính đến ngày 27/11/2017 đã có  149.757.094 lượt người đi khám chữa bệnh BHYT, đã có 77.547 tỷ đồng được đề nghị quỹ BHYT chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, có đến hơn 41.000 người bệnh được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh từ 100 triệu đến 4,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong số này có 27 người bệnh được quỹ BHYT thanh toán với mức từ 1 tỷ đồng đến 4,5 tỷ đồng chi phí khám chữa bệnh...