Trốn đóng bảo hiểm xã hội: Gian nan hình sự hóa
Hàng trăm doanh nghiệp (DN) đang nợ đọng các loại bảo hiểm bắt buộc với số tiền từ 1 tỷ đến 50 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2018, theo những quy định mới tại Điều 216 - Bộ luật Hình sự (sửa đổi 2017) thì các DN vi phạm về nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội có thể sẽ bị xử lý hình sự bị phạt tù từ 2-7 năm và phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Các hành vi phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỷ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…
Hàng nghìn tỷ không dễ thu
Theo thống kê của Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2017, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các DN trên cả nước ước khoảng hơn 16.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 6,3% so với tổng kế hoạch thu năm 2017 của ngành bảo hiểm xã hội. Trong số trên có khoảng hơn 2.000 tỷ đồng là nợ đọng các loại bảo hiểm của những DN đã ngừng hoạt động, hoặc đã tuyên bố giải thể, phá sản và được xếp vào dạng khó thu hồi.
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. HCM cho biết, trong tháng 12/2017 một số DN lớn trên địa bàn đã tích cực truy đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Ví như, Tập đoàn Mai Linh đã đóng hết số nợ 45 tỷ đồng; CTCP Tài Nguyên Tri thức - Trường Quốc tế Mỹ truy đóng 5,9 tỷ đồng… Tuy nhiên, con số nợ đọng các loại bảo hiểm bắt buộc ở TP.HCM vẫn đạt khoảng 1.900 tỷ đồng.
Ngoài các DN đã ngừng hoạt động, nhiều DN dù có khả năng tài chính vẫn không chịu đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, trong năm 2017, mặc dù đã tích cực thanh tra và đề nghị truy thu, nhưng cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố cũng chỉ thu được thêm khoảng 185 tỷ đồng. Hiện vẫn còn khoảng gần 800 DN nợ bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên. Trong đó, đa số các khoản nợ đạt mức 3-10 tỷ đồng, thậm chí có DN số nợ lên tới 57 tỷ đồng. Cơ quan bảo hiểm xã hội thành phố đã khởi kiện một số DN (theo Bộ luật Hình sự chưa sửa đổi - PV), Tòa án TP.HCM cũng đã ra các bản án, nhưng các DN vẫn chưa chịu khắc phục.
Trong khi đó, tại Hà Nội, thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố cho thấy, đến cuối 2017, có khoảng 40.000 DN nợ đọng các loại bảo hiểm bắt buộc với tổng số tiền nợ gần 3.400 tỷ đồng. Việc này làm ảnh hưởng đến đời sống, chế độ chính sách của hơn 334.600 người lao động. Do vậy, ngay trong các tuần đầu của năm 2018 vừa qua Cơ quan Thanh tra Hà Nội đã gửi văn bản thanh tra nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến gần 300 DN. Đây là những DN có thời gian nợ từ 7-35 tháng.
Tổng số nợ của các DN ước khoảng trên 100 tỷ đồng, trong đó nhiều đơn vị có số nợ lớn, từ 1 - 10 tỷ đồng. Chẳng hạn Xí nghiệp Cầu 18 - Cienco1 nợ trên 10 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Xây dựng Quang Trung nợ trên 1,9 tỷ đồng; Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long nợ gần 1,5 tỷ đồng; CTCP Đầu tư xây dựng hạ tầng INCICO nợ trên 1,4 tỷ đồng…
Khả thi nhưng khó kiện
Thực tế, trước thực trạng trốn đóng hoặc trục lợi từ bảo hiểm xã hội của DN, Chính phủ đã xác định có thể hình sự hóa một số vụ việc, bởi đây có thể xem là hành vi tham nhũng ngân sách. Ngay trong buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, nguyên nhân là do việc trục lợi, gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được xử phạt nghiêm minh, chưa công khai. Chính phủ đã đề nghị Kiểm toán Nhà nước đưa nội dung quản lý thu chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào chương trình kiểm toán thường xuyên từ năm 2018 để giám sát.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng, việc hình sự hóa đối với một số DN trốn đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội theo Điều 216 Bộ luật Hình sự sửa đổi có thể thực hiện. Bởi khi DN muốn sản xuất, kinh doanh luôn phải có sổ sách, giấy tờ, hợp đồng rõ ràng. Trên cơ sở những chi phí hợp pháp, hợp lệ của DN, hoàn toàn có thể tính toán ra số tiền bảo hiểm cần phải đóng. Nếu DN chậm đóng bảo hiểm trước 1/7/2016 xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013, còn các khoản nợ bảo hiểm phát sinh sau đó xử lý theo quy định mới của Bộ luật Hình sự sửa đổi.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc xử lý bằng cách khởi kiện ra tòa án đối với các DN nợ đọng bảo hiểm xã hội là không mấy khả quan. Các báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, từ 2015 đến nay các cấp công đoàn đã tiếp nhận trên 2.700 hồ sơ do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển sang. Trong số này có gần 200 vụ cơ quan bảo hiểm xã hội đề nghị khởi kiện, nhưng tòa án chỉ thụ lý khoảng 30 vụ. Các trường hợp khác tòa đều trả lại hồ sơ do không có giấy ủy quyền khởi kiện của người lao động.
Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM (Hepza), cũng cho rằng việc khởi kiện đối với các DN nợ đọng bảo hiểm xã hội hết sức phức tạp và mất thời gian. Trong vòng 2 năm qua, mặc dù quyền khởi kiện được chuyển sang cho tổ chức công đoàn của DN theo Luật Bảo hiểm xã hội mới và Hepza đã trực tiếp gửi hồ sơ khởi kiện gần 50 vụ nợ đọng bảo hiểm xã hội, nhưng đều bị trả hồ sơ do gặp trở ngại về thủ tục.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nay bảo hiểm xã hội TP. HCM đã chuẩn bị danh sách các DN nợ bảo hiểm xã hội kéo dài, đã bị xử phạt hành chính, nếu tái phạm sẽ chuyển sang đề nghị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng quy định phải có ủy quyền bằng văn bản của từng người lao động thì việc truy thu bảo hiểm xã hội sẽ không mang lại nhiều hiệu quả. Chưa kể chủ trương chung của ngành bảo hiểm xã hội là “cực chẳng đã” mới hình sự hóa hành vi trốn đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, việc phân biệt trường hợp nào chậm đóng, hay cố tình trốn đóng cũng rất khó khăn.