Trong khi VAFI đề xuất 0%, lãi suất lại vừa tăng trên các thị trường

Theo Trần Thúy/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng trong khi đầu vào của các ngân hàng chậm hơn đã khiến lãi suất rục rịch tăng; lãi suất liên ngân hàng cũng vừa bật lại.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đề xuất đưa lãi suất huy động về 0%/năm...

Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có đề xuất gửi Chính phủ về việc dần đưa lãi suất tiền gửi VND về mức 0%. 

Giải thích về kiến nghị này, VAFI cho rằng, hiện nay các nước Âu – Mỹ, các nước Đông Âu chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các nền kinh tế phát triển đều có mức lãi suất tiền gửi nội tệ, ngoại tệ 0%/năm, thậm chí một số nước còn duy trì lãi suất âm (thu phí tiền gửi) nhằm bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2%- 5% tùy thuộc đối tượng vay và thời hạn vay) nhằm kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, đảm bảo an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở và chi tiêu tiêu dùng có lãi suất tín dụng cực thấp.

Các nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2%-0,7%/năm.

Còn với nước ta, tiền gửi VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức từ 3,5%  - 6,2%/năm, được VAFI đánh giá là ở mức rất cao so với các nước nói trên và dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.

Ý kiến của VAFI đưa ra thu hút sự chú ý khá lớn và cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn các ý kiến phản biện đều đánh giá là không thực tế, bất khả thi và đi ngược thị trường.

Tăng trưởng huy động không bắt kịp tín dụng, lãi suất tiền gửi đi lên

Số liệu mới công bố của Tổng Cục thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 21/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới chỉ tăng 3,13% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,35%) trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế cao hơn khá nhiều, đạt 5,47% (cùng thời điểm năm 2020 tăng 2,45%).

Như trên, trái ngược với đề xuất của VAFI, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế từng bước được phục hồi, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp và người dân có xu hướng tăng trong khi các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn VND đã khiến lãi suất huy động rục rịch tăng trong thời gian gần đây.

Mới đây nhất, "ông lớn" Vietcombank đã điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lên mức tương đương 3 ngân hàng thương mại Nhà nước còn lại (VietinBank, BIDV, Agribank), sau khi duy trì mặt bằng thấp hơn suốt từ đầu năm đến đầu tuần trước.

Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng tại "Big 4" đều là 3,1%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,4%/năm; 6 tháng là 4%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, VietinBank, Agribank, BIDV đều niêm yết 5,6%/năm, trong khi Vietcombank thấp hơn một chút ở mức 5,5%/năm. 

Với kỳ hạn 24 tháng, Vietcombank niêm yết mức 5,3%/năm trong khi 3 ngân hàng còn lại đều ở mức 5,6%/năm. 

Trước đó, trong biểu lãi suất huy động mới nhất áp dụng từ ngày 27/5, ngân hàng SHB cũng đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,3 điểm % so với trước đó. Ngân hàng chủ yếu điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài như 12 tháng từ 5,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng lên 6,55%/năm; kỳ hạn 6 tháng lên cao nhất 5,75%/năm; ở kỳ hạn 36 tháng lãi suất 6,4%/năm.

Từ đầu giữa tháng 5, Sacombank cũng áp dụng biểu lãi suất mới, tăng 0,1 - 0,2 điểm %/năm đối với nhiều kỳ hạn. 

Cụ thể, đối với hình thức gửi tại quầy lãi suất kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2 điểm %/năm lên 3,5%/năm; kỳ hạn 3 - 5 tháng tăng 0,2 điểm %/năm lên 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng tăng 0,1 điểm % lên lần lượt 5,7%/năm; 5,7%/năm và 6,4%/năm.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, nhu cầu thanh khoản tăng cao cũng khiến lãi suất thiết lập một mặt bằng mới từ đầu tháng 5 tới nay. Hiện lãi suất VND qua đêm đang giao dịch quanh mức 1,25%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,3 – 0,4% duy trì vài tháng trước đó.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trường hợp các ngân hàng được nới room tín dụng và đẩy mạnh cho vay từ nay đến cuối năm, trong khi lãi suất huy động thấp sẽ khiến chênh lệch huy động – cho vay nới rộng. Khi đó, thanh khoản các ngân hàng có thể chưa căng thẳng ngay nhưng sẽ không còn dồi dào như trước.

Còn theo các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, môi trường lãi suất thấp như hiện tại khiến chênh lệch tiền gửi – tín dụng sẽ chịu áp lực thu hẹp và dự báo lãi suất tiền gửi có thể nhích tăng khoảng 0,5 điểm %, trong khi lãi suất cho vay vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm 2021.

Lãi suất liên ngân hàng bật trở lại

Trên thị trường liên ngân hàng, sau khi có xu hướng hạ nhiệt trung tuần tháng 6 vừa qua, lãi suất VND đã tăng trở lại những phiên gần đây.

Cập nhật đến phiên giao dịch đầu tuần này (28/6), lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng 0,05 - 0,12 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó; qua đêm 1,25%, 1 tuần 1,43%, 2 tuần 1,53% và 1 tháng 1,60%/năm.

Như vậy, lãi suất qua đêm (kỳ hạn chiếm doanh số chủ yếu) đã tăng khá mạnh so với quanh 0,95% trung tuần tháng 6 vừa qua.