Trong ngắn hạn, giảm thuế với xăng dầu không ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường
Theo Bộ Tài chính, trong ngắn hạn, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách. Đề xuất này cũng không vi phạm các cam kết quốc tế về môi trường cũng như tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” của Việt Nam.
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện và trình Chính phủ dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề xuất Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Về tác động đến môi trường và các cam kết quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Nhà nước và Chính phủ đã quyết định chuyển hoạt động của nền kinh tế - xã hội sang trạng thái bình thường mới. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân cũng đang dần dần chuyển về trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch.
Theo đó, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn trong nước nhiều khả năng sẽ tăng hơn so với thời điểm xảy ra dịch (năm 2020, năm 2021) và có thể gia tăng tương đương như thời điểm trước khi xảy ra dịch (năm 2019). Nguyên nhân chính của việc gia tăng sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn là do nhu cầu của nền kinh tế khi chuyển sang trạng thái bình thường mới hậu dịch COVID-19.
Theo Bộ Tài chính, trong ngắn hạn, mức gia tăng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu khó có khả năng tăng cao hơn so với thời điểm trước dịch vì nền kinh tế - xã hội vẫn còn đối mặt nhiều nguy cơ tiềm ẩn do tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, về cơ bản, việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong năm 2022 sẽ không làm ảnh hưởng đến mục tiêu bảo vệ môi trường của chính sách thuế bảo vệ môi trường do mức gia tăng tiêu thụ xăng dầu sẽ không quá lớn.
Đồng thời, trong các khuôn khổ FTA và các diễn đàn đa phương có sự tham gia của Việt Nam hiện không có các cam kết bắt buộc liên quan đến việc kiểm soát tiêu thụ xăng dầu. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn không vi phạm cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam là thành viên, trong đó có Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.
Việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có thời hạn đến hết ngày 31/12/2022. Do đó, đề xuất này cũng không làm tăng phát thải khí nhà kính và không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Trên thực tế, tại các quốc gia trên thế giới, trước diễn biến giá dầu thô liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, một số quốc gia đã triển khai thực hiện giải pháp giảm thuế đối với xăng dầu nhằm giảm bớt tác động xấu do giá dầu tăng cao đối với lạm phát, tiêu dùng và đời sống người dân.
Tại Hàn Quốc, ngày 12/11/2021, nước này đã tạm thời giảm 20% thuế nhiên liệu đối với xăng, dầu diesel và khí hóa lỏng (LPG) trong vòng 6 tháng đến hết tháng 4/2022. Tại Thái Lan, nước này đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel từ mức 5,99 Bạt/lít xuống mức 3 Bạt/lít trong thời hạn 03 tháng đến hết ngày 20/5/2022...
Đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn là chính sách kịp thời, cấp thiết nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước vẫn còn diễn biến phức tạp.