Những tác động “nghịch"

Bất ổn chính trị tại Syria và Trung Đông tiếp tục gia tăng trong thời gian vừa qua đã khiến giá dầu gia tăng trở lại. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ ít nhiều tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư quốc tế trong đó có Việt Nam. Xu hướng rút vốn xảy ra tại nhiều TTCK châu Á đã gây sức ép lên các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) khiến hoạt động tái cơ cấu danh mục trên sàn diễn ra khá mạnh mẽ…

Chỉ tính riêng trong tháng 8/2013, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 884 tỷ đồng, gồm 789 tỷ đồng trên HoSE và 95 tỷ đồng trên HNX. Làn sóng bán mạnh nhằm tái cơ cấu danh mục diễn ra tại khá nhiều mã bluechip như VIC, VCB, CTG, DPR, PPC, STB, VIC, VNM…

Cán cân vĩ mô ổn định, lạm phát trong mức cho phép; Tốc độ xử lý nợ xấu của khối ngân hàng thương mại và lãi suất thấp được duy trì sẽ là các “biến số” tạo điểm tựa cho TTCK Việt Nam những tháng cuối năm 2013.

Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước lại chưa xuất hiện các tin tốt mới, đủ sức giúp thị trường hoá giải những âu lo. “Khoảng trống” thông tin tích cực xuất hiện và chi phối các giao dịch kể từ giữa tháng 8/2013.

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 và tháng 9/2013 đã tăng tốc trở lại so với những tháng trước đó ít nhiều gây e ngại về những ám ảnh của lạm phát. Điều này có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại và khiến triển vọng kinh tế vĩ mô thêm phức tạp.

Bởi vậy, việc TTCK Việt Nam không thể “đứng vững” ở mốc trên 500 điểm như một điều hiển nhiên. Thậm chí, mốc cản kỹ thuật 480 điểm cũng dễ dàng bị phá vỡ khi có những phiên thị trường tưởng như đã “thủng” mốc 470 điểm. Tâm lý “tạm đứng ngoài cuộc” khiến thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh. Nhìn chung, giới đầu tư vẫn còn rất thận trọng với xu hướng và đang hạn chế giao dịch khiến khối lượng khớp lệnh tiếp tục duy trì dưới mức trên dưới 40 triệu đơn vị/phiên.

“Trụ đỡ” dòng tiền nội

Theo Phòng Nghiên cứu Vietstock, hiện tại, xu hướng rút vốn của khối ngoại đang là yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Xu hướng này bắt nguồn từ những bất ổn tại Trung Đông có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc rút vốn của các quỹ khỏi các quốc gia đang phát triển. Bên cạnh đó, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3 sẽ khiến dòng tiền rẻ trên các thị trường lớn bị thu hẹp về quy mô là khá hiện hữu…

Tại thời điểm này, kỳ vọng của thị trường đang dồn vào dòng tiền của nhà đầu tư trong nước và thực tế thị trường đã minh chứng niềm tin trên là có cơ sở. Cứ mỗi khi thị trường giảm mạnh là lực cầu bắt đáy lại gia tăng. Mới đây, khi thị trường về đến mốc 470 điểm, tại nhiều mã blue - chips luôn xuất hiện lượng cầu đặt mua giá thấp, bất chấp có phiên nước khối ngoại đẩy mạnh xả hàng. Một số chuyên gia nhận định, dòng tiền nội dường như đang đóng vai trò “neo giữ”, không để thị trường giảm sâu.

Tuy nhiên, dòng vốn nội chỉ đang đóng vai trò “trụ đỡ” ngắn hạn chứ chưa đủ sức định hướng. Minh chứng là dù thị trường vẫn có những phiên tăng điểm nhưng đà tăng không duy trì được lâu khi áp lực chốt lời nhanh chóng trở lại chỉ sau một hai phiên. Điều này xuất phát từ thực tế thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh để duy trì sự hưng phấn, và một mức sinh lời dù nhỏ cũng đủ kích thích giới đầu tư bán ra.

Chờ qua “áp thấp”

Theo các tổ chức đầu tư, hoạt động tái cơ cấu danh mục đầu tư của các quỹ ETF sẽ tiếp tục kéo dài trong cả tháng 9/2013. Điều ít quan ngại đó là giới đầu tư trong nước đã quen dần với hoạt động nói trên vào thời điểm này của năm. Hoạt động đầu cơ sẽ tiếp tục diễn ra nhưng trong ngắn hạn hơn và ít tác động mạnh lên thị trường.

Với diễn biến nền kinh tế trong thời gian qua không có nhiều khởi sắc thì nhiều khả năng kết quả kinh doanh quý III/2013 của khối doanh nghiệp niêm yết nhìn chung sẽ không có nhiều đột biến. Có chăng là việc chi phí lãi vay giảm bớt nhờ đợt hạ lãi suất trong thời gian qua sẽ làm dịu tác động tiêu cực lên kết quả hoạt động của doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, đây vẫn là thời gian “ưa thích” để dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường và đón đầu cơ hội đầu tư ở các cổ phiếu blue-chip. Có thể khẳng định, đây vẫn là những cổ phiếu được kỳ vọng duy trì một kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh hiện tại. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu mùa vụ như sách giáo khoa, thiết bị giáo dục; bánh kẹo mùa Trung thu; Cổ phiếu khai khoáng tình hình kinh doanh thường khả quan hơn trong những quý cuối năm, dự báo cũng sẽ ít nhiều tạo khởi sắc.

Các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản và xây dựng nhìn chung vẫn sẽ đối diện với những khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp nào có các dự án nhà ở xã hội được vay vốn từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho thị trường bất động sản có thể sẽ tạo đột biến về doanh thu, lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu ngành Dầu khí cũng được dự báo khả quan khi nhiều khả năng trong quý III/2013. Doanh nghiệp Ngành này sẽ có kết quả kinh doanh ấn tượng, khi nhu cầu sử dụng và giá vẫn đang tăng ổn định...

"Trụ đỡ" nội lực

ĐỨC TRUNG

(Tài chính) Những căng thẳng từ tình hình chính trị Trung Đông và “khoảng trống” thông tin tích cực đã tác động đến thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán nhiều hơn mua thì dòng tiền từ khối nhà đầu tư trong nước lại đang trở thành “trụ đỡ”.

Xem thêm

Video nổi bật