Trung Đông-châu Phi: Thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt

Theo Hằng Trần (TTXVN/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi có những bước phát triển đáng ghi nhận và là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Trung Đông-châu Phi, thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Trung Đông-châu Phi, thị trường tiềm năng cho doanh nghiệp Việt (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Nhân Hội nghị “Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông-châu Phi năm 2019” dự kiện tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9-10/9, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải xung quanh việc hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi trong thời gian gần đây, đặc biệt trong những tháng đầu năm 2019?

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việt Nam hiện là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của các quốc gia Trung Đông-châu Phi và luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với các nước thuộc khu vực.

Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi có những bước phát triển đáng ghi nhận và là điểm sáng trong quan hệ song phương.

Cụ thể, tổng kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 đạt 20,5 tỷ USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 11,7 tỷ USD (xuất khẩu sang Trung Đông đạt 8,8 tỷ USD và sang châu Phi đạt 2,9 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 8,8 tỷ USD (nhập khẩu từ Trung Đông đạt 5,1 tỷ USD và từ châu Phi đạt 3,7 tỷ USD).

Riêng 7 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường chính tại khu vực Trung Đông-châu Phi đạt 6,4 tỷ USD và nhập khẩu từ các thị trường này đạt 4,5 tỷ USD.

Bên cạnh trao đổi thương mại, trong thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng cũng đã có một số bước phát triển tích cực.

Về đầu tư, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2018, đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Phi và Trung Đông đầu tư vào Việt Nam với tổng số 447 dự án, giá trị trên 2,87 tỷ USD.

Riêng 7 tháng năm 2019, đã có 25 quốc gia thuộc khu vực này đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký hơn 206,8 triệu USD.

Tiềm năng mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Trung Đông-châu Phi là gì, thưa Thứ trưởng?

Thời gian vừa qua, việc phát triển thị trường của Việt Nam sang các nước khu vực Trung Đông-châu Phi đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chịu sự cạnh tranh gay gắt của các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc...

Tuy nhiên, triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Trung Đông-châu Phi trong thời gian tới dự báo rất khả quan. Bởi quy mô dân số khu vực Trung Đông-châu Phi ngày càng tăng, làm gia tăng đáng kể nhu cầu nhập khẩu hàng hóa để phục vụ tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và máy móc thiết bị.

Đặc biệt, ngày 21/3/2018, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) diễn ra ở Kigali, Rwanda, 44 quốc gia châu Phi đã chính thức ký thỏa thuận thương mại tự do châu Phi (AfCFTA).

Ngày 30/5/2019 vừa qua, Hiệp định này bắt đầu đi vào hiệu lực, đưa châu Phi sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất về số nước tham gia kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới được thành lập. Vì vậy, việc đầu tư vào khu vực này sẽ là cơ hội để cung cấp hàng hóa cho thị trường rộng lớn với dân số trên 1,2 tỷ người.

Hơn nữa, các mặt hàng xuất của Việt Nam như gạo, càphê, hạt tiêu, cơm dừa, thủy sản, điện thoại di động, hàng điện tử, sản phẩm dệt may, giày dép các loại… đã thâm nhập và có chỗ đứng tại thị trường Trung Đông-châu Phi, được người dân sở tại ưa chuộng và đánh giá cao về giá cả, mẫu mã, chất lượng.

Điều đó cho thấy năng lực cạnh tranh, vị thế đang ngày càng tăng và thị trường các nước còn nhiều dư địa cho của hàng xuất khẩu Việt Nam.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết trong lĩnh vực công nghiệp như thăm dò và khai thác dầu khí; khai thác và chế biến khoáng sản; sản xuất hóa chất và phân bón; sản xuất dệt may, da giày...

Cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tập trung đàm phán, tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và một số thị trường Trung Đông-châu Phi; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sang khu vực.

Ngược lại, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu từ khu vực Trung Đông-châu Phi các mặt hàng như dầu thô, dầu diesel, khí đốt hóa lỏng, chất dẻo nguyên liệu, kim loại thường, phân bón, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt may da giày; hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc... phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.

Xin Thứ trưởng cho biết để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các nước Trung Đông-châu Phi, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì?

Khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Phi chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu châu Phi thường đề nghị mua hàng trả chậm, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở Thư tín dụng L/C (do chi phí cao).

Việc thanh toán còn được thực hiện bằng TTR, đặt cọc 10%, số còn lại trả nốt khi có chứng từ. Đây là phương thức thanh toán không an toàn nên hầu hết không được các doanh nghiệp xuất khẩu của ta chấp thuận. Doanh nghiệp hai bên thường thiếu thông tin về thị trường, đối tác của nhau.

Hiện nay, Việt Nam chỉ có 8 Đại sứ quán và 5 Thương vụ tại châu Phi nên khả năng giới thiệu, thẩm tra đối tác, hỗ trợ thủ tục visa… gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam thường xuất khẩu qua các công ty trung gian quốc tế.

Điều này làm cho giá nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đội lên, làm giảm tính cạnh tranh và đôi khi thương hiệu Việt Nam không được người tiêu dùng địa phương biết đến...

Trên cơ sở đó, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khu vực Trung Đông-châu Phi, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Việt Nam và các nước, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin, nghiên cứu kỹ về thị trường, từ đó xây dựng chiến lược sản xuất và xuất khẩu phù hợp; tăng cường gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các đối tác thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến, các hội chợ, triển lãm tổ chức tại các nước trong khu vực; đồng thời đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và ngoại ngữ.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với các nước Trung Đông-châu Phi trong thời gian tới?

Để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hợp tác kinh tế, năng lượng và thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi trong thời gian tới, thì Việt Nam và các quốc gia Trung Đông- châu Phi cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư của các doanh nghiệp.

Đồng thời, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành chức năng, các phòng thương mại và công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp giữa các bên; tăng cường trao đổi các đoàn cấp bộ, ngành cũng như các đoàn doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hiểu biết và hợp tác lẫn nhau theo các lĩnh vực chuyên ngành trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Bên cạnh đó, tích cực thúc đẩy hợp tác song phương thông qua kênh Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Trung Đông-châu Phi. Đây là một kênh hợp tác có hiệu quả, thông qua đó các bên rà soát tình hình hợp tác và cùng bàn bạc, đề ra những giải pháp cụ thể cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác.

Do vậy, Việt Nam và các nước Trung Đông-châu Phi cần tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu dầu thô, khí hóa lỏng và các sản phẩm hóa dầu khác, nguyên liệu thô… từ khu vực Trung Đông-hâu Phi và sẵn sàng cung cấp các sản phẩm lương thực, thực phẩm chế biến, rau quả, thủy sản.

Hơn nữa, Việt Nam mong muốn và luôn hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Đông-châu Phi đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thực hiện các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp tham dự hội chợ, triển lãm, khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác.

Đặc biệt, các bên cần quan tâm phát triển công tác thông tin tuyên truyền nhằm tạo ra nguồn thông tin phong phú, đáng tin cậy về thị trường, từ đó nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về tiềm năng và cơ hội kinh doanh tại mỗi nước.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!