Trung Quốc bắt đầu đáp trả thương mại Mỹ
Trung Quốc vừa áp đặt mức thuế mới lên đến 25% cho 128 sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa việc Tổng thống Donald Trump tăng mức thuế thép và nhôm nhập khẩu đối với nước này hồi đầu tháng 3.
Cú phản đòn 3 tỷ USD
Trong một tuyên bố, Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết rằng hàng rào thuế quan mới bắt đầu được áp dụng từ ngày 2/4. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là mặt hàng nhôm phế liệu và thịt heo đông lạnh từ Mỹ, bị đánh thuế 25%. Nhiều loại thực phẩm khác như các loại hạt, trái cây tươi và khô, nhân sâm và rượu bị đánh thuế thêm 15%.
Mức thuế mới được cho là sẽ ảnh hưởng đến số hàng nhập khẩu có giá trị khoảng 3 tỷ USD. Bộ Tài chính Trung Quốc nêu rõ, động thái này được dùng để “bảo đảm lợi ích của Trung Quốc và đền bù thiệt hại từ những tổn thất do mức thuế mới của Mỹ gây ra”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi các quan chức Trung Quốc tung ra một loạt cảnh báo từ vài tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Trước đó, nước này khẳng định không muốn châm ngòi một cuộc chiến thương mại nhưng cũng sẽ không ngồi yên nếu nền kinh tế bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ông Trump tuyên bố “các cuộc chiến thương mại rất tốt” và Mỹ có thể dễ dàng chiến thắng.
Trước đó, hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh áp đặt thuế nhập khẩu 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiếp sau đó là một bản ghi nhớ áp đặt các khoản thuế bổ sung trị giá 60 tỷ USD đối với Trung Quốc để trừng phạt nước này vì những hành vi thương mại mà chính quyền Donald Trump cho là liên quan tới ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ.
Giọt nước giữa đại dương
Bất chấp những tác động khó tránh từ hàng rào thuế quan mới của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, quyết định áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 3 tỷ USD dù có tác động, nhưng chỉ được xem là “một giọt nước trong đại dương” khi xét tới quy mô thương mại song phương. Dựa trên số liệu thống kê chính thức, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc của Mỹ lên tới 115.6 tỷ USD trong năm 2016.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC hôm 2.4, Steve Brice, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư tại Standard Chartered Private Bank, cho hay: “Động thái đáp trả của Trung Quốc chỉ là một tuyên bố về ý định trước đó… nhưng không phải là sự gia tăng căng thẳng thương mại theo quan điểm của chúng tôi”.
Trong khi đó, báo cáo của công ty Natixis nhận định: Nếu Trung Quốc có thể hứng chịu một cú sốc lớn về giá từ tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, hoặc nếu thị trường Trung Quốc có thể đóng vai trò là một tấm đệm làm giảm tác động ở một mức độ nào đó, thì nước này có thể nới rộng các biện pháp áp thuế tới nhiều lĩnh vực hơn, như các sản phẩm phụ trong ngành giấy, phim ảnh và ngũ cốc.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm có liên quan về phương diện hàng hóa xuất khẩu Mỹ có thể khó mà được thêm vào danh sách trừng phạt nếu Trung Quốc muốn đạt mục tiêu Sản xuất 2025 (Manufacturing 2025), báo cáo trên cho biết. Manufacturing 2025 là kế hoạch 30 năm để thúc đẩy cơ sở công nghiệp của Trung Quốc.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia lo sợ rằng căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu.
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế từng đoạt giải Nobel Robert Shiller, sau lời đe dọa đầu tiên về việc áp đặt thuế lên 128 sản phẩm của Trung Quốc, thì tình trạng khó lường về các biện pháp trả đũa thương mại có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế.
“Đây chỉ là sự hỗn loạn: Nó sẽ khiến quá trình phát triển chậm lại trong tương lai nếu mọi người nghĩ rằng có khả năng xảy ra những thứ ở trên”, ông Shiller cho biết.