Trung Quốc cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Theo hãng tin Pháp AFP, Trung Quốc vừa cắt giảm mục tiêu tăng trưởng năm 2016 xuống mức 6,5-7%, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang đối mặt với một loạt thách thức, từ dư thừa năng suất đến thương mại yếu kém.
Trung Quốc hiện là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu, nhưng tăng trưởng của nền kinh tế này trong năm 2015 giảm xuống còn 6,9% - mức thấp nhất trong 25 năm qua. Những lo ngại về tình trạng “sức khỏe” của kinh tế Trung Quốc đã gây “chấn động” đến các thị trường chứng khoán trên khắp thế giới.
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ tư Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội- NPC), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết mục tiêu tăng trưởng năm 2016 của Trung Quốc là 6,5-7%, đồng thời cảnh báo Trung Quốc trong năm nay sẽ đối mặt thêm thách thức ghê gớm hơn trong việc phát triển. Thủ tướng cũng cho biết Trung Quốc muốn đặt mức lạm phát tiêu dùng khoảng 3% và tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4,5%.
Theo ông Lý Khắc Cường, chính quyền sẽ phải tiến hành giảm năng suất dư thừa vốn rất cần thiết trong ngành thép, than và các ngành công nghiệp khác đang gặp khó khăn. Các doanh nghiệp nhà nước, mà nhiều trong số đó đang đứng trước tình trạng hiệu quả kém và năng suất dư thừa, sẽ buộc phải “tiến hành điều chỉnh cơ cấu” và một số doanh nghiệp sẽ phải tái cơ cấu, sáp nhập hoặc buộc phải rời khỏi thị trường. Các cam kết như vậy từng được nhiều lần đưa ra trước đây. Giáo sư kinh tế Christopher Balding của Trường Doanh nghiệp HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh nói rằng việc cắt giảm này là chưa đủ để xóa bỏ hoàn toàn năng suất mới được bổ sung. Ông cho biết họ đã bàn về rất nhiều trong số các vấn đề trên trong nhiều năm qua, song vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Trung Quốc đang mong muốn tiến hành sự chuyển đổi khó khăn từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư sang tăng trưởng định hướng tiêu dùng, được cho là chậm hơn nhưng mang tính bền vững hơn. Tuy nhiên, ông Lý Khắc Cường nói rằng năm nay, đầu tư của Chính phủ sẽ tăng lên 500 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương 77 tỷ USD, trong khi chi tiêu quốc gia vào việc xây dựng đường sắt sẽ vượt mức 800 tỷ NDT và xây dựng đường sá sẽ cao hơn con số 1,65 nghìn tỷ NDT. Để kích thích hoạt động kinh tế, chính quyền Bắc Kinh sẽ không ngần ngại tăng thâm hụt ngân sách, mà theo dự báo sẽ lên mức 3% GDP trong năm nay, so với mức 2,3% năm ngoái. Chính phủ Trung Quốc dự trù mở rộng việc miễn thuế cho các doanh nghiệp và gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng.