Trung Quốc: Cuộc tuần hành của những “xác sống”
Ngành công nghiệp Trung Quốc đang ở trong tình trạng dư thừa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và các đối tác. Đâu là giải pháp cho vấn đề gây đau đầu này?
Chuyện của riêng Trung Quốc
"Dư cung là một vấn đề toàn cầu và để giải quyết một vấn đề toàn cầu thì cần đến sự nỗ lực hợp tác của tất cả các nước". Đây là những lập luận được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Gao Hucheng đưa ra tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Bắc Kinh hôm 23/2, khi ông bị đại diện của nhiều nước chỉ trích trước cảnh hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc tràn ngập các thị trường.
Đúng là dư cung là một vấn đề toàn cầu, nhưng không phải theo cách mà ông Gao đã nói. Hàng hóa công nghiệp của Trung Quốc đang góp phần tạo nên áp lực giảm phát và đe dọa các nhà sản xuất trên toàn cầu. Nếu đợt dư cung này là kết quả của tình trạng dư thừa công suất ở nhiều nước thì ông Gao đã đúng. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy. Đây là chuyện của riêng Trung Quốc.
Chỉ xét trong ngành thép, khả năng cung ứng của Trung Quốc còn lớn hơn ngành thép của Nhật Bản, Mỹ và Đức gộp lại. Theo công ty tư vấn Rhodium Group, trong vòng 10 năm từ năm 2004 đến năm 2014, sản lượng thép toàn cầu tăng 57%, riêng sản lượng của Trung Quốc tăng đến 91%. Không chỉ thép, mà các ngành khác, từ sản xuất giấy cho đến đóng tàu, Trung Quốc đều đang dư cung.
Tuy vậy, ngành luyện thép của Trung Quốc vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay. Theo hãng xếp hạng tín dụng Fitch, trong 2 năm tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng sản lượng than đá khai thác thêm 2 tỷ tấn.
Theo báo cáo của Phòng thương mại EU tại Trung Quốc, nước này dư cung từ trước, nhưng từ 2008, vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Theo khảo sát của Ngân hàng trung ương Trung Quốc trên 696 công ty thuộc ngành công nghiệp tại tỉnh Giang Tô, công suất sử dụng nhà máy giảm mạnh. Ông Louis Kuijs, công ty nghiên cứu Oxford Economics, nếu như năm 2007, Trung Quốc chưa dư cung thì đến năm 2015, dư cung đã là 13,1%. Đối với công nghiệp nặng, dư cung còn cao hơn nữa.
Ám ảnh hơn những bóng ma
Người ta nhắc nhiều đến bong bóng bất động sản của Trung Quốc, những “thành phố ma” đã xây xong rồi mà không có nổi một bóng người. Nhưng vấn đề đầu tư quá mức của Trung Quốc còn nghiêm trọng hơn. Vì đầu tư quá nhiều máy móc trang thiết bị từ năm 2000 đến năm 2014 nên nhiều công ty nhà nước phải giảm tốc và rồi trở thành những công ty “xác sống”, vật vờ vì không có lãi.
Kể từ năm 2000, năm ngoái là lần đầu tiên các công ty công nghiệp của Trung Quốc báo lỗ. Theo ước tính của Deutsche Bank, khoảng 1/3 các công ty phải vay nợ để trả những khoản nợ trước đó đều là các công ty trót đầu tư quá mức. Lợi nhuận trên tài sản của các công ty nhà nước, nhất là các công ty công nghiệp nặng chỉ bằng 1/3 các công ty tư nhân và bằng ½ các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc.
Đây thực chất là kết quả của khủng hoảng kinh tế thế giời năm 2008. Tại thời điểm đó, các quan chức giấu tiền trong các gói đầu tư vào các công ty công nghiệp. Giờ đây, khi các công ty “phình to” quá mức, nó cũng gây nhiều thiệt hại hơn. Giá bán các mặt hàng giảm, doanh thu giảm, càng làm tăng áp lực lên nợ.
Trung Quốc phải làm gì?
Ít nhất là nước này đã nhận diện và ưu tiên giải quyết vấn đề này. Ngày 25/2, Ủy ban Quản lý và giám sát tài sản nhà nước của nước này cho biết, sẽ sớm thử nghiệm tăng cường thử nghiệm tái cấu trúc các công ty nhà nước. Tuy nhiên, cả ba chính sách đưa ra đều khó tạo nên hiệu quả.
Phương pháp đầu tiên là để các công ty tự bán “phần thừa”. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc giữ lời hứa là không giảm đồng nhân dân tệ nữa thì việc hàng giá rẻ của Trung Quốc ngập các thị trường đã trở nên trầm trọng. Chính phủ Mỹ áp đặt thuế đối kháng đối với nhiều loại hàng nhập khẩu Trung Quốc. Ấn Độ đang lo lắng trước việc nhập siêu với Trung Quốc. Ở Bỉ, người ta còn biểu tình chống nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên hết, EU chưa công nhận Trung Quốc là "nền kinh tế thị trường", do đó, việc kiện Trung Quốc bán phá giá cũng không quá khó khăn. Vì vậy, không phải ai cũng dám mua “phần thừa” của Trung Quốc.
Một cách khác là kích cầu trong nước bằng tín dụng. Tháng 1 vừa qua, biện pháp nới rộng tín dụng làm tín dụng tăng với mức cao nhất trong vòng gần 1 năm. Các ngân hàng có thêm các khoản vay mới, với giá trị đạt kỷ lục, 385 tỷ USD. Tuy nhiên, vay nhiều mà lợi nhuận công ty lại giảm thì suy cho cùng, đâu vẫn hoàn đó.
Chính sách thứ ba là khuyến khích hợp nhất giữa các công ty nhà nước. Dù một số công ty ngành đóng tàu và đường sắt đã hợp nhất nhưng có kết quả hay không thì lại là chuyện khác. Trong khi đó, giải pháp thực tiễn hơn là ngừng cho các công ty có tín nhiệm thấp, bắt các công ty phải trả cổ tức thay vì cứ mở rộng mãi, và, trên hết là phải đóng cửa các công ty không thực sự làm việc.
Tương lai nào cho ngành công nghiệp Trung Quốc?
Đương nhiên, nếu đóng cửa nhà máy thì các cơ quan cấp tỉnh chẳng vui vẻ gì. Dù sao thì tiền thuế của doanh nhiệp để “nuôi” bộ máy cấp tỉnh, và nếu doanh nghiệp bị đóng cửa cũng sẽ có hàng nghìn, tạo ra nhiều vấn đề xã hội tại địa phương.
Ông Jörg Wuttke, người đứng đầu của Phòng Thương mại và công nghiệp EU tại Trung Quốc đùa rằng, lãnh đạo cấp tỉnh cũng rất khó để thay đổi quyết định, hệt như 28 quốc gia thành viên của EU vậy. Nếu như trong những năm 1990, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thẳng tay cho các công ty phá sản và cắt giảm công suất, thì nay, chính quyền địa phương lại “nuông chiều” doanh nghiệp.
Ông Stephen Shih từ công ty tư vấn Bain cho rằng, chính việc “hiện đại hóa” làm dư cung, bởi họ có thể làm giá rẻ đến 40%. Một số công ty đã bắt đầu triển khai các dự án xanh, thân thiện với môi trường và hiện đại hơn. Khi nào ngành công nghiệp cũ bị xóa bỏ, những ngành công nghiệp mới hiện đại hơn, xanh hơn sẽ phát triển. Câu hỏi là: bao giờ cho đến ngày ấy?