Dấu hiệu mùa hè 2007?

Theo daibieunhandan.vn

Các thị trường đang sụt giảm và các ngân hàng lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Đặc biệt, các ngân hàng trung ương tỏ ra hụt hơi trong nỗ lực trấn an thị trường. Những ngày đầu năm 2016 đã diễn ra trong hơi hướng của mùa Hè năm 2007 hoặc tháng 1.2008 trên thị trường chứng khoán thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nguy cơ hiện hữu

Năm 2016 được bắt đầu bởi các cơn nhiễu loạn trên thị trường tài chính toàn cầu. Những đợt “rung lắc” mạnh mẽ này có thể gây nguy hiểm cho sự phục hồi chậm chạp của nền kinh tế thế giới. Tình hình lạm phát thấp, triển vọng xấu của nền kinh tế Trung Quốc, giá dầu quá thấp và mối đe dọa của “chiến tranh tiền tệ” là những mối lo ngại đối với tương lai. Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn là một mắt xích yếu trong tiến trình hồi phục của thế giới dù được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ra sức hỗ trợ thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ.

Trước đó đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng lo ngại, trong đó có sự suy giảm của thương mại toàn cầu. Trung Quốc tiếp tục buộc phải phá giá đồng NDT. Thế giới không còn nghi ngờ về những khó khăn của Trung Quốc và điều lo ngại là hậu quả của sự hạ cánh (có thể là hạ cánh cứng) của nước này.

Đầu tàu kinh tế Eurozone là Đức cũng cho thấy những dấu hiệu đuối sức. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tiến trình tăng lãi suất khiến đồng USD tăng giá và bị “hút” về Mỹ càng làm trầm trọng thêm tình hình tại các nước mới nổi khi đồng tiền của các nước này mất giá trầm trọng. Nếu không tìm được động cơ phát triển, nền kinh tế thế giới có thể phải hứng chịu suy giảm tăng trưởng và lạm phát thấp. Tình hình trở nên xấu hơn khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 28.1 quyết định áp dụng lãi suất âm lần đầu tiên trong lịch sử.

Lãi suất âm và cuộc chiến tiền tệ

Mục đích của BoJ khi áp dụng lãi suất âm là để ngăn chặn sự tăng giá của đồng yen so với đồng NDT nói riêng và so với các ngoại tệ mạnh khác nói chung. Quyết định này của BoJ được xem như là một cuộc tấn công mới trong “cuộc chiến tiền tệ” theo “bản sao” của Trung Quốc, Eurozone và một số quốc gia khác. Tình hình thế giới có thể dẫn đến sự gia tăng trong cạnh tranh toàn cầu cho mục tiêu tăng trưởng. Cuộc chiến giữa các đồng tiền mạnh phần lớn là để chuyển hóa tác động của lạm phát thấp sang các đối thủ cạnh tranh chứ không phải để trấn an các nhà đầu tư.

Hơn nữa, nhiều năm sau cuộc khủng hoảng toàn cầu, các công cụ để thực hiện cuộc chiến tiền tệ hiện nay khá hạn chế: Không còn nhiều dư địa để tăng cường nới lỏng định lượng (QE) thông qua việc mua trái phiếu của các chính phủ; có nhiều khó khăn để các ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất xuống dưới “0” sâu hơn bởi nhiều nước đã áp dụng lãi suất âm (Thụy Sĩ, Thụy Điển, ECB, Nhật Bản…).

Dư luận cũng đặt câu hỏi về các biện pháp nới lỏng định lượng hay lãi suất âm của các ngân hàng trung ương bởi áp dụng mạnh mẽ các gói QE sẽ thúc đẩy hơn nữa bong bóng tài sản hơn là nền kinh tế thực, đặc biệt là ở khu vực châu Âu, trong khi QE cũng không chắc chắn bảo đảm cho triển vọng tăng trưởng. Thanh khoản dồi dào tạo bởi các ngân hàng trung ương đã đem đến những kỳ vọng thái quá về nền kinh tế, là lực đẩy nhân tạo hỗ trợ các thị trường (không phải quy luật thị trường) khiến thị trường phụ thuộc quá nhiều vào các gói QE. Các nhà đầu tư đang bắt đầu cảm thấy bất an và lo lắng. Thống đốc ECB Mario Draghi cho biết ECB sẵn sàng tăng cường hơn nữa các biện pháp trong cuộc họp các thống đốc ngày 10.3 tới. Nhưng dường như mọi người đã cảm thấy “sự giả tạo” của các mức giá hiện tại và các mối nguy hiểm hiện nay trên thị trường.

Xu hướng áp dụng lãi suất âm cũng khiến giới chuyên gia lo lắng. Quyết định vừa qua của BoJ có thể thúc đẩy các nước lún sâu vào môi trường lãi suất âm; và trong tương lai sẽ áp dụng không chỉ đối với lãi suất huy động của các ngân hàng trung ương, mà còn cho trái phiếu của các chính phủ hoặc trái phiếu của các tập đoàn lớn.

Cuộc chiến tiền tệ, nhất là khi lãi suất âm được áp dụng phổ biến, sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới và lĩnh vực tài chính sẽ chịu áp lực rất lớn. Không loại trừ việc các ngân hàng thương mại sau đó tăng lãi suất của các khoản vay hoặc nâng điều kiện cho vay để bù đắp cho các khoản lỗ do lãi suất âm đối với các khoản tiền gửi tại các ngân hàng trung ương. Nó có thể tạo ra xu hướng thắt chặt tín dụng, từ đó làm hại tăng trưởng, thậm chí có thể thúc đẩy nguy cơ giảm phát và lúc này thế giới không có cách nào thực sự hiệu quả để chống lại.

Nguy cơ phá sản và mắt xích yếu

Giả thiết về sự sụp đổ của các ngân hàng đã được đặt ra. Bởi ngoài những tác động kinh tế vĩ mô, lãi suất âm có thể tác động trực tiếp và gián tiếp đối với “sức khỏe” của các ngân hàng. Ở châu Âu, lĩnh vực ngân hàng vẫn còn là một mối quan tâm (đầu năm 2016, ngân hàng Deutsche Bank của Đức đang chịu sức ép của các khoản đầu tư mạo hiểm và tiền phạt khổng lồ) và gián tiếp làm sụt giảm niềm tin của nhà đầu tư. Và vấn đề là ngân hàng Deutsche Bank lại quá lớn để có thể sụp đổ, với bảng cân đối tài chính lên tới 1.700 tỷ euro.

Trong khi đó, Eurozone vẫn là một liên kết yếu. Khu vực này vẫn cho thấy những hình ảnh mờ nhạt và chủ yếu dựa trên chi tiêu hộ gia đình. Trong quý IV.2015, tăng trưởng tại Eurozone đã giảm từ 0,4% xuống còn 0,3%. Trong giai đoạn 2011-2013, tăng trưởng chung hàng quý tại 17 quốc gia khu vực Eurozone đã không lớn hơn 0,4%.

Tăng trưởng yếu khiến Eurozone không có động lực để giải quyết vấn đề cơ cấu của khu vực như thiếu đầu tư, dân số già, tỷ lệ thất nghiệp lớn. Nó cũng không cho phép Eurozone đóng một vai trò hàng đầu trong nền kinh tế toàn cầu. ECB đang phải vật lộn một mình để khắc phục tình trạng tăng trưởng và lạm phát thấp. Nhưng vấn đề là các biện pháp của ECB hiện nay chưa chắc đem lại hiệu quả và không loại trừ còn có thể đem lại các tác dụng ngược.

Tất cả các mối nguy cơ dường như đang kết hợp lại khiến năm 2016 như một năm đầy thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Tín hiệu xấu nhiều hơn là tích cực khiến người ta liên tưởng tới mùa Hè năm 2007 với sự bùng nổ của bong bóng nợ dưới chuẩn.