Bất động sản Trung Quốc giảm nhiệt
Trong vòng nửa đầu năm nay, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt bớt lượng tín dụng giá rẻ, qua đó làm dịu đà tăng trưởng nóng trên thị trường bất động sản (BĐS). Bên cạnh đó, chính quyền nước này cũng áp dụng nhiều biện pháp mang tính chất hành chính để giảm bớt nhu cầu đầu tư trên thị trường nhà đất.
Nhiều biện pháp mạnh
Biện pháp đầu tiên đó là quy định về giới hạn mua nhà. Biện pháp này giúp ngăn chặn những người mua có ý định thao túng giá, thông qua việc đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn khi mua nhà và giảm bớt những ưu đãi về tài chính. Cụ thể, một người dân bị giới hạn số lượng nhà có thể mua và có sự khác biệt về tiêu chuẩn tùy thuộc vào người mua là người gốc địa phương hay người từ nơi khác đến.
Nguồn: Bloomberg |
Ví dụ, gần đây chính quyền thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô, đã ban hành quy định chỉ cho phép người gốc địa phương sở hữu 3 BĐS và không được mua thêm, trong khi những người dân từ nơi khác chuyển đến chỉ được sở hữu 1 BĐS trong thành phố.
Bên cạnh đó, chính phủ còn đưa ra quy định về việc người mua nhà phải đặt cọc trước bao nhiêu phần trăm giá trị căn nhà trước khi hoàn tất thanh toán. Tùy thuộc vào từng địa phương, tỷ lệ đặt cọc đối với căn nhà đầu tiên dao động từ 20 - 35% và đối với căn nhà thứ hai có thể lên tới 60 - 80%. Đối với những người mua căn nhà từ thứ ba trở lên, họ thường phải trả trước 100% giá trị căn nhà.
Thuế cũng là một trong những công cụ hữu hiệu để Bắc Kinh kiểm soát giá nhà đất. Các cơ quan chính phủ có thể tăng hoặc giảm thuế BĐS để khuyến khích hoặc ngăn cản hoạt động mua nhà. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng có thể đưa ra những sắc lệnh can thiệp vào giá nhà; thậm chí kiểm soát cả các dự án xây dựng BĐS, vốn tác động trực tiếp đến nguồn cung trên thị trường.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, giá nhà tại Trung Quốc đã có xu hướng giảm rõ rệt trong những tháng vừa qua. Theo số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc, giá nhà đang đình trệ nhất trong vòng 2 năm qua. Tại Bắc Kinh, giá nhà so với cùng kỳ đã giảm 0,1% vào tháng 7, trong khi giá nhà tại Thượng Hải giậm chân tại chỗ. Giá nhà cũng đã giảm 0,2% tại Thâm Quyến và 0,4% tại Quảng Châu.
Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg, giá nhà tại các thành phố cấp hai và cấp ba tại Trung Quốc cũng đã tăng chậm lại so với tình trạng tăng tốc phi mã của năm ngoái.
Cùng đó, doanh số bán BĐS trên toàn Trung Quốc từ tháng 1 đến hết tháng 7 tăng 14% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Trong khi đó, doanh số bán BĐS tại các khu vực đô thị của Trung Quốc đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ.
Theo Zhao Ke, chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Merchant, giá nhà đã giảm đồng đều trên toàn quốc trong suốt thời gian qua và xu hướng này có thể sẽ tiếp tục kéo dài sang quý IV của năm nay.
Những tác động đi kèm
Thị trường đã thực sự hạ nhiệt, nhưng đi cùng với nó là nhiều tác động đến nền kinh tế. Theo tính toán chính thức của chính phủ Trung Quốc, BĐS hiện đang đóng góp khoảng 6% GDP. Đó là khu vực chịu tác động trực tiếp và nặng nề nhất từ các điều chỉnh chính sách kể trên.
Tuy nhiên nếu xét đến cả những ảnh hưởng gián tiếp liên quan đến đầu tư và tiêu dùng, thay đổi trên thị trường BĐS Trung Quốc có thể tác động đến 20% tổng GDP nước này. Như vậy, sự suy giảm của giá nhà đất chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong những tháng tới.
Ngoài ra, việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế giá nhà đất cũng ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực trong ngành kinh tế. Các số liệu mới công bố cũng cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng trưởng 6,4%, thấp hơn 1,2% so với mức tăng trưởng của tháng 6. Doanh số bán hàng tiêu dùng trong tháng 7 cũng giảm 0,6% so với tháng 6, trong đó đáng chú ý là tăng trưởng doanh số bán nội thất, thiết bị gia dụng, đồ trang trí đi xuống mạnh.
Dự báo từ đây đến cuối năm 2017, việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt chính sách tiền tệ nhiều khả năng sẽ tiếp tục gây ra những tác động vượt ra ngoài thị trường BĐS. Tuy nhiên, định hướng của chính quyền nước này đó là sẽ vẫn tiếp tục với các chính sách tiền tệ thắt chặt ngay cả nếu nền kinh tế chịu tác động tiêu cực.
Theo đó, Trung Quốc sẽ không theo đuổi mục tiêu tăng trưởng quy mô nền kinh tế quá lớn, mà chú trọng đến việc xây dựng các cột trụ vững chắc cho tăng trưởng. Hầu hết các nhà phân tích đều duy trì quan điểm Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định và vẫn triển khai thắt chặt các quy định về tài chính, trong đó có thị trường BĐS trong những tháng còn lại của năm.