Trung Quốc gặp "vận xấu" khi đàm phán thương mại với Mỹ

Theo Thái Bảo/doanhnhansaigon.vn

Nợ xấu, kinh tế giảm tốc đều đổ thêm áp lực, khiến nước Trung Quốc có phần dưới cơ trong đàm phán thương mại với Mỹ.

 Trung Quốc có phần dưới cơ trong đàm phán thương mại với Mỹ. Nguồn: internet
Trung Quốc có phần dưới cơ trong đàm phán thương mại với Mỹ. Nguồn: internet

Chắc chắn Trung Quốc đã “chọn” sai thời điểm để gánh khối nợ khổng lồ trên vai.

Theo Bloomberg, 2 con nợ lớn của Trung Quốc đã trễ hạn thanh toán trong tháng này, làm tăng thêm rủi ro vốn đã đầy tràn trên thị trường tín dụng, khi thị trường này đang chứng kiến số công ty vỡ nợ lớn nhất từng được ghi nhận.

2 doanh nghiệp trên là China Minsheng Investment Group và Wintime Energy.

Trong đó, tập đoàn đầu tư China Minsheng vẫn chưa trả tiền cho trái chủ, dù đã quá thời hạn ngày 1/2. Wintime Energy, tuyên bố vỡ nợ vào năm ngoái, không tuân thủ kế hoạch tái cấu trúc thanh toán nợ vào tuần trước.

Các diễn biến này đặc biệt quan trọng vì cả hai công ty trên đều là những con nợ lớn. Việc tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính khó khăn của họ cho thấy không phải tất cả doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ nỗ lực giải quyết khủng hoảng của chính quyền Bắc Kinh.

Chính phủ Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực giải quyết khối nợ doanh nghiệp quá lớn tại thị trường trái phiếu trị giá 11 ngàn tỷ USD này.

Nếu tuyên bố vợ nợ, China Minsheng sẽ gia nhập cùng Wintime Energy, trở thành một trong những thất bại lớn nhất của Trung Quốc.

Trong một báo cáo mới đây, doanh nghiệp trên có tổng số nợ lên tới 34,3 tỷ USD cho đến ngày 30/6.

Khủng hoảng thanh khoản đã đưa tổng giá trị vỡ nợ nội địa của Trung Quốc lên đến 119,6 tỷ CNY (17,63 tỷ USD).

Dù con số này là khá nhỏ so với toàn nền kinh tế và tổng nợ của quốc gia trên, nó vẫn tạo ra một cú sốc lớn đối với thị trường.

Sai thời điểm

Sự thiếu nhất quán của chính phủ trong việc sử dụng gói cứu trợ, cùng sự tràn lan của các hoạt động tài chính mờ ám, khiến cho việc xác định những doanh nghiệp nào đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ càng khó hơn, theo Bloomberg.

Nhiều nhà phân tích dự đoán xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục trong năm nay.

Quan trọng hơn là, tất cả đều xảy ra ngay trong quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các đại diện từ Trung Quốc đang cố gắng đạt được một thỏa thuận để ngăn mức thuế quan khổng lồ mà Mỹ đe dọa sẽ áp lên hàng hóa Trung Quốc vào tháng tới.

2 chuyên gia J. Kyle Bass và Daniel Babich đến từ Hayman Capital Management cho rằng đây là cơ hội ngàn vàng đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, để khiến Bắc Kinh khuất phục.

Vấn đề nằm ở chỗ, ông Trump phải biết chọn đúng những điểm Trung Quốc phải nhượng bộ.

Nếu nước này chỉ đồng ý mua thêm sản phẩm từ Mỹ, ông Trump có thể chỉ “thắng” trong ngắn hạn và dỗ dành được thị trường chứng khoán, nhưng không thể tạo ra khác biệt lâu dài.

Theo Bass và Babich, điều cần phải làm là ép Trung Quốc thay đổi cách làm ăn, cụ thể là cách quốc gia này ưu tiên các doanh nghiệp trong nước và làm khó các doanh nghiệp ngoại.

Nhà đầu tư thờ ơ

Trong một nỗ lực củng cố nền kinh tế, Bắc Kinh đã mở cửa hơn đối với đầu tư nước ngoài.

Chính quyền Tập đang đưa ra các mức giới hạn dễ chịu đối với đầu tư nước ngoài vào thị trường nội địa, nhằm mở của thị trường tài chính.

Thực tế là Trung Quốc cần vốn để duy trì nền kinh tế hoạt động, nhưng dường như các nhà đầu tư không mấy hứng thú với cơ hội này.

Chính quyền tại đây đã tăng gấp đôi hạn mức đối với cổ phiếu, trái phiếu và nhiều sản phẩm tài chính khác, theo chương trình Nhà đầu tư nước ngoài đạt chuẩn (QFII) của do Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) triển khai. Hạn mức này đã tăng từ 150 tỷ USD (2017) lên tới 300 tỷ USD.

Cường quốc châu Á này trước đây kháng cự lại việc mở cửa thị trường tài chính. Vì thế, sự thay đổi trên cho thấy một chuyển biến lớn.

Thế nhưng, theo GS. Christopher Balding của Trường Kinh doanh HSBC, đây lại là dấu hiệu của sự tuyệt vọng và hoàn toàn vô ích.

Dòng vốn đang rời khỏi Trung Quốc vì đây là một nơi quá may rủi để đầu tư, do cách quản lý dòng vốn thiếu hiệu quả của chính quyền, theo ông Balding.

“Đối xử với các nhà đầu tư quốc tế như ống heo sẽ không còn tác dụng nữa”, ông viết.