Trung Quốc: Khó khăn bủa vây các doanh nghiệp tư nhân
Thách thức đối với khối tư nhân không phải là làm sao để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước mà là làm sao để cùng chung sống với họ.
Những ngày trong tuần, đám đông bắt đầu xuất hiện tại tổ hợp New Century Global Centre từ trước 9h sáng, khi các cửa hiệu vẫn chưa mở cửa. Họ gồm khoảng 30.000 người làm việc trên các văn phòng ở tầng trên. Có tổng cộng khoảng 1.800 công ty, bao phủ gần như toàn bộ các ngành nghề.
Trung Quốc chắc chắn chưa phải là 1 thị trường tự do nhưng nó đã thay đổi rất nhiều kể từ khi mở cửa. Khu vực kinh tế tư nhân giờ đã lớn mạnh và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự thành công của nền kinh tế. Giới chức nước này thích sử dụng công thức "56789" để miêu tả tầm quan trọng của các doanh nghiệp tư nhân: họ đóng góp 50% nguồn thu thuế, 60% GDP, 70% sự sáng tạo, 80% việc làm và 90% số lượng công ty.
Ở nhiều ngành, các doanh nhân Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn nhiều so với phương Tây. Ví dụ như trong ngành bất động sản, ở Mỹ 10 công ty lớn nhất chiếm 30% doanh thu nhưng con số ở Trung Quốc chỉ là 15%. Các công ty lao vào những ngành mới một cách điên cuồng. Hiện ở Trung Quốc đã có tới hơn 1.000 công ty hoạt động trong lĩnh vực robot.
Nhưng bên cạnh đó Chính phủ Trung Quốc hiện diện ở khắp mọi nơi. Nước này vẫn còn 150.000 doanh nghiệp nhà nước. Với những ưu đãi về vốn, họ chiếm 70% lượng nợ doanh nghiệp. Và trong nhiều ngành, từ tài chính đến đóng tàu, Chính phủ vẫn hạn chế cạnh tranh và dựng lên nhiều rào cản khiến các công ty tư nhân khó lòng thâm nhập.
Thế giới kinh doanh của Trung Quốc thường được miêu tả là rời rạc, với các doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé phải cạnh tranh với những người khổng lồ vụng về là các doanh nghiệp nhà nước. Nhưng thực ra thì hai nhóm này gắn bó chặt chẽ với nhau. Thách thức đối với khối tư nhân không phải là làm sao để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước mà là làm sao để cùng chung sống với họ. Công ty xử lý nước Wanjiang Gangli là 1 ví dụ. Công việc kinh doanh trở nên phát đạt kể từ khi Chính phủ Trung Quốc nỗ lực giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, nhưng để kiếm được hợp đồng Wanjiang Gangli phải hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước vốn cũ kỹ lạc hậu nhưng lại có lợi thế chính trị rất lớn.
Tuy nhiên điều nguy hiểm là mối quan hệ hợp tác này ngày càng trở nên lỏng lẻo, thậm chí đã xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp tư nhân nản chí thoái lui. Trong 3 năm trước khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, gần một nửa tín dụng mới chảy vào khối tư nhân trong khi doanh nghiệp nhà nước chỉ nhận 1/3. 3 năm sau đó, hơn 70% đã được đổ vào các doanh nghiệp nhà nước.
Một số nhà quan sát lo ngại ông Tập sẽ dẫn dắt Trung Quốc đi ngược lại quá trình tự do hóa nền kinh tế. Ông vẫn cam kết các lực đẩy của thị trường sẽ "đóng vai trò quyết định" trong nền kinh tế, nhưng ông cũng có xu hướng củng cố sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước. 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã được hợp nhất với hi vọng chúng sẽ mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó Chính phủ cũng thôi thúc các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước. Công ty viễn thông quốc doanh China Unicom hiện có Alibaba, Baidu và Tencent là cổ đông.
Khi không thể tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp tư nhân phải tìm đến hệ thống ngân hàng trong bóng tối, điển hình là các nền tảng cho vay ngang hàng. Tuy nhiên với mức lợi suất cao chót vót (có thể lên đến 14%) mà các công ty này đem đến cho người gửi tiền, chúng khó có thể tồn tại lâu dài. Trong số 4.000 công ty đã có tới 2/3 bị phá sản hoặc bị phát hiện lừa đảo. NHTW Trung Quốc quyết tâm dọn sạch hệ thống ngân hàng trong bóng tối để tránh rủi ro toàn bộ hệ thống tài chính sụp đổ. Nhưng chiến dịch này cũng khiến các doanh nghiệp tư nhân lao đao.