Trung Quốc: Những vấn đề trong nước đáng quan ngại hơn chiến tranh thương mại

Theo Ngọc Trâm/nhadautu.vn

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể là tâm điểm của công luận trong những tháng gần đây. Tuy nhiên, những vấn đề trong nước mới là ưu tiên quan tâm hàng đầu của giới lãnh đạo Bắc Kinh lúc này.

 Bảo vệ quốc gia là ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình. Nguồn: internet
Bảo vệ quốc gia là ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình. Nguồn: internet

“Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, ổn định kinh tế trong nước, theo đuổi chương trình hiện đại hóa ‘Made in China 2025’, bảo vệ cơ cấu quyền lực do ông Đặng Tiểu Bình dày công xây dựng và theo đuổi những tham vọng mang tính toàn cầu hiện được coi là mối quan tâm lớn hơn là cuộc chiến thương mại với Mỹ”, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại hãng tư vấn TS Lambard (Anh) Jonathan Fenby cho biết trong một báo cáo mà hãng này đưa ra hồi tuần trước.    

Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh rằng, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã làm cho tình hình thị trường toàn cầu xấu đi, gây tâm lý bất ổn trong giới kinh doanh trong những tháng gần đây. Ông Fenby cho rằng những tin tức bất lợi liên tục phát ra từ Nhà Trắng đã làm gián đoạn kế hoạch của Bắc Kinh và làm cho quốc gia này ngập ngừng trong việc nối lại đàm phán thương mại với Mỹ.  

Quan hệ Mỹ-Trung đã trở nên căng thẳng hơn kể từ khi đàm phán thương mại giữa hai nước thất bại, mặc dù ít nhất là đã có một nỗ lực được đưa nhằm tái kích hoạt các cuộc đàm phán này.

Hồi đầu tháng này ông Trump đã yêu cầu các quan chức thương mại cân nhắc việc áp thuế suất tới 25% thay vì mức 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Yêu cầu này được đưa ra trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ (CNY) đã giảm tới 6,5% so với đồng đô la Mỹ kể từ hồi tháng 6.  

Đáp trả lại ông Trump, hôm thứ Sáu tuần trước Trung Quốc tuyên bố sẽ đánh thuế lên 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ với mức thuế suất từ 5-25% nếu phía Mỹ tiến hành đánh thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang, nhiều nhà phân tích cho rằng các nhà lãnh đạo Bắc Kinh chịu ít sức ép chính trị trong nước hơn chính quyền của ông Trump.

Theo ông Fenby, một trong những lý do là sự khác nhau về cơ chế lãnh đạo đất nước. Ở Trung Quốc, vận mệnh quốc gia phụ thuộc vào sức mạnh của cơ chế một đảng cầm quyền. Vì vậy, sẽ càng có ý nghĩa hơn nếu tránh được những việc làm yếu đi cơ chế lãnh đạo này.   

“Bảo vệ quốc gia là ưu tiên hàng đầu của ông Tập Cận Bình. Hành động cứng rắn của ông Tập đối với phía Mỹ sẽ giúp củng cố cơ cấu quyền lực tại Trung Quốc hiện nay”, ông Fenby bình luận.

Tuy vậy, TS Lombard lại khá lạc quan về tác động của chiến tranh thương mại lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

“Tác động của chiến tranh thương mại lên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ được kiểm soát. Trước đó kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại, tuy nhiên những chính sách tiền tệ và tài chính chủ động và linh hoạt sẽ giúp hỗ trợ tốt cho tổng cầu”, TS Lombard nhận định. “Tuy nhiên, với viễn cảnh căng thẳng thương mại sẽ kéo sang năm sau do mức thuế mới được công bố và hành động trả đũa, chính sách của Trung Quốc vẫn rất linh hoạt”.   

Hãng tư vấn chiến lược đầu tư này dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại ở mức 6,3% trong nửa cuối năm nay và cả năm 2018 sẽ đạt mức 6,5%. Tháng trước Trung Quốc công bố tăng trưởng GDP của nước này đạt 6,7% trong quý 2.

Thị trường cổ phiếu của nước này hiện vẫn đang chịu sức ép giảm giá do căng thẳng thương mại leo thang. Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite hôm thứ Sáu tuần trước đã giảm 17% so với hồi đầu năm.