Trung Quốc thâm nhập thị trường EU từ Đông Âu

Theo TTXVN

Hãng tin RIA Novosti vừa nhận định Tổng thống Mỹ đề xuất Liên minh châu Âu (EU) bãi bỏ hoàn toàn các loại thuế, trợ giá và rào cản thương mại bởi Trung Quốc đang quyết thâm nhập thị trường châu Âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một trong những kết quả chính của Hội nghị thượng đỉnh tại Sofia (Bulgaria) giữa Trung Quốc với 16 quốc gia Trung Âu và Đông Âu (CEEC), hay còn gọi là Hợp tác 16+1, là thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt dài 350 km từ Serbia đến biên giới Hungary. 

Tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Belgrade đến Budapest xuống còn 2 giờ. Dự án dự trù đầu tư 3,8 tỷ USD. Tuy nhiên đây lại là một cung đường của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, điều này khiến EU lo ngại và chưa phê chuẩn dự án.

Aleksander Rar, Giám đốc khoa học Diễn đàn Đức - Nga, cho biết giới chính trị Đức và các nước Tây Âu khác lo ngại thực trạng Trung Quốc đang mua ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng chiến lược.

Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành chủ sở hữu hoặc đồng chủ sở hữu hàng loạt cảng biển tại Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bỉ, Hà Lan, Đức, cũng như các sân bay, hệ thống năng lượng, các nhà máy công nghiệp và công-nông nghiệp lớn.

Ví dụ, năm ngoái ChemChina của Trung Quốc đã mua tập đoàn nông nghiệp Syngenta của Thụy Sỹ với giá 43 tỷ euro. Berlin nhận thức rõ rằng bằng cách thâu tóm như vậy Trung Quốc đang mở ra cho họ con đường đến với các công nghệ tiên tiến của phương Tây.

Chỉ trong 6 năm qua, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào kinh tế châu Âu đã tăng gần 22 lần, từ 1,6 tỷ euro lên 35 tỷ euro. Năm ngoái, Brussels đã siết chặt yêu cầu đối với đầu tư từ Trung Quốc, nhờ đó chỉ số này giảm được 12%. Song kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu vẫn tăng lên so với cùng thời gian trước đó.

Các nước châu Âu đều lo ngại trước bước tiến vũ bão của “con rồng Trung Quốc”, tuy nhiên nhiều chiến dịch truyền thông công kích đầu tư Trung Quốc thực chất lại là hệ quả của cuộc đấu đá nội chính trị. 

Trong một phát biểu, cựu Thủ tướng Slovakia Ján Čarnogurský nhận định cuộc tấn công mạnh mẽ mà truyền thông CH Czech thực hiện nhằm vào quan hệ Trung - Czech thực chất chính là để chống lại Tổng thống Czech Miloš Zeman. 

Gần đây Czech và Trung Quốc đang xích lại gần nhau một cách rõ rệt.Trên đường phố Czech có thể bắt gặp những băng-rôn quảng cáo không chỉ cho hàng hóa Trung Quốc, mà cho cả đồng NDT.

 Giáo sư khoa Kinh tế và chính sách thế giới thuộc Trường Kinh tế cao cấp Nga Aleksey Maslov cho biết tại châu Âu, Trung Quốc không chỉ mở các doanh nghiệp mới mà còn thâu tóm các doanh nghiệp địa phương. Đông Âu hấp dẫn đối với Trung Quốc ở lực lượng sản xuất có trình độ, trong khi mức lương lao động lại khá thấp.

Bên cạnh đó, Trung Quốc tích cực đầu tư vào Đông Âu vì được ưa chuộng ở đó. Còn Tây Âu lại không hề muốn tăng đầu tư vào “những người hàng xóm nghèo”. Hơn thế nữa, luôn tồn tại quan điểm “châu Âu hai tốc độ”, phân biệt nước giàu với nước kém giàu hơn.

Ngoài ra, giáo sư A. Maslov cho rằng một lý do để đồng vốn Trung Quốc tập trung vào Đông Âu vì đây là khu vực có tỷ lệ kiểm tra nguồn gốc đồng tiền rất thấp. Song đáng chú ý là nguyên tắc kinh doanh mà Bắc Kinh đem vào châu Âu hoàn toàn khác với những nguyên tắc thông thường tại EU.

Thái độ coi nhẹ quyền sở hữu trí tuệ, cho phép copy bất kỳ hình mẫu công nghiệp nào…, chỉ là một vài ví dụ.Đức là quốc gia bảo vệ nhiệt thành nhất các giá trị kinh doanh châu Âu hiện nay.

Hồi đầu tháng Sáu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gay gắt chỉ trích “luật rừng” trong quan hệ kinh tế quốc tế, ám chỉ chủ yếu đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu. Ông Macron đề xuất siết chặt kiểm soát các khoản đầu tư khổng lồ ở các nước EU, đề xuất này được Đức ủng hộ.

Tuy nhiên, nửa năm trước, chính ông Macron đã ký với Bắc Kinh hàng loạt thỏa thuận thương mại lớn.Ví dụ như cung ứng cho Trung Quốc 184 máy bay Airbus A320 trị giá 18 tỷ euro. Trên đất Trung Quốc, ông Macron kêu gọi nước này và EU từ bỏ chính sách bảo hộ và mở rộng cửa hơn cho trao đổi kinh tế song phương.

Nhìn chung, Trung Quốc đang thực hiện ý đồ của họ và kiên quyết khai phá thị trường châu Âu. Nhiều hoàn cảnh thuận lợi cho Bắc Kinh, trong đó có cuộc chiến thương mại mà Mỹ tiến hành cả với Trung Quốc và cả với EU. Trung Quốc còn hưởng lợi từ thực trạng hiện nay khi sự thống nhất của châu Âu đang yếu đi do vấn đề nhập cư, cũng như những bất đồng khác ở "lục địa Già".