Trung Quốc phá giá đồng CNY: Chẳng khác nào nước đổ lá môn?

Theo Khả Hân/doanhnhansaigon.vn

Đồng nhân dân tệ (CNY) đã mất giá khá mạnh sau khi Mỹ tăng mức thuế từ 10% lên 25% áp trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phá giá CNY chỉ mang lại chút lợi ích trước mắt mà khó có thể là giải pháp lâu dài giúp Trung Quốc giảm thiệt hại trước hàng rào thuế quan.

 Đồng nhân dân tệ (CNY) đã mất giá khá mạnh sau khi Mỹ tăng mức thuế từ 10% lên 25%.
Đồng nhân dân tệ (CNY) đã mất giá khá mạnh sau khi Mỹ tăng mức thuế từ 10% lên 25%.

Nhân dân tệ bị phá giá mạnh

Chỉ trong hai tuần gần đây, CNY giao dịch ở hải ngoại đã mất giá đến 3,2% so với USD, rớt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng rưỡi qua tại 1 USD ăn 6,9483 CNY, trong bối cảnh bị các nhà đầu tư bán mạnh do lo ngại rủi ro.

Việc CNY đối mặt với nguy cơ giảm giá trở lại cũng là dễ hiểu. Thứ nhất, với hàng rào thuế quan gia tăng, giới đầu tư có cơ sở lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ thêm khó khăn và có nguy cơ rơi vào khủng hoảng, thúc đẩy dòng vốn nước ngoài tháo chạy khỏi Đại lục.

Thực tế, nhiều tập đoàn lớn từ Á, Âu đến Mỹ đang dần dịch chuyển nhà máy tại Trung Quốc ra các quốc gia lân cận, như Ấn Độ hay Việt Nam. Trong một tweet ngày 13/5, Tổng thống Trump chia sẻ rằng “Nhiều công ty bị áp thuế sẽ rời Trung Quốc sang Việt Nam và các quốc gia khác tương tự ở châu Á”.

Thứ hai, nhà đầu tư lo ngại rằng, để đối phó với đợt tăng thuế mới, Chính phủ Trung Quốc có thể lựa chọn phá giá đồng nội tệ để giảm thiệt hại - điều đã từng được thực hiện vào tháng 7 năm ngoái. Cụ thể, sau khi Mỹ áp thuế đợt đầu tiên vào ngày 6/7/2018 lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng CNY giảm giá mạnh trong hai tuần sau đó, đánh dấu đợt suy giảm mạnh nhất kể từ lần phá giá gần 3% vào tháng 8/2015.

Thực tế dường như đang diễn ra đúng như vậy. Trong khi CNY trên thị trường quốc tế bị bán mạnh, thì tỷ giá chính thức trong nước do Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBOC) niêm yết được điều chỉnh tăng. Cụ thể chỉ riêng trong ngày 14/5 vừa qua, PBOC đã phá giá tỷ giá CNY đối với USD ở mức 0,6%. 

Nếu thống kê trong hai tuần qua thì CNY đã mất giá đến 2,7% so với USD, hiện nằm ở mức 6,9187 CNY/USD vào cuối tuần qua, chỉ thấp hơn 0,4% so với đồng USD giao dịch trên thị trường quốc tế.

Kể từ khi xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới nổ ra, CNY đã mất giá hơn 10% so với USD, trở thành một trong những đồng tiền giảm giá mạnh nhất. Điều này cho thấy giới đầu tư các nước dường như đã dự báo chính xác xu hướng mất giá của CNY khi Bắc Kinh bị lôi vào cuộc thương chiến không hề mong muốn với Mỹ.

Liệu có hạn chế thiệt hại trước hàng rào thuế quan?

Phá giá tiền tệ được nhiều chuyên gia kinh tế xem là công cụ để kích thích xuất khẩu. Những báo cáo gần đây cho thấy đồng tệ không chỉ mất giá mạnh so với USD, mà còn so với hầu hết các đồng tiền khác. Đơn cử như so với EURO, CNY đã rơi xuống mất thấp nhất.

Hệ quả là các công ty xuất khẩu của châu Âu đã bị tác động ngay lập tức, dù khu vực đồng tiền chung châu Âu không hề nằm ở tâm điểm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Theo các chuyên gia phân tích, nếu CNY tiếp tục giảm giá sâu sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền thông qua tỷ giá, thông qua xuất khẩu ra toàn cầu. 

Tuy nhiên, mọi thứ lại không hề đơn giản như vậy. Với thuế suất tăng thêm 15% của Mỹ, nếu Trung Quốc muốn hóa giải hoàn toàn “bức màn sắt” này thì buộc phải phá giá CNY tương ứng 15% so với USD. Điều này dường như bất khả thi. 

Thứ nhất, nếu Trung Quốc phá giá CNY quá mạnh, không chỉ dòng vốn đầu tư nước ngoài tháo chạy mà các doanh nghiệp nội địa có thể gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng trước rủi ro tỷ giá, nền kinh tế có thể sớm đối mặt với tình trạng hạ cánh cứng, khi niềm tin vào chính sách tiền tệ và tỷ giá bị xói mòn, càng làm gia tăng thêm tình trạng bất ổn xã hội.

Theo giới phân tích, nếu CNY vượt qua mốc 7,0% so với USD, mức kháng cự tâm lý đã tồn tại suốt hàng chục năm qua, Mỹ có thể cáo buộc Chính phủ Trung Quốc thao túng tiền tệ và áp đặt thêm những biện pháp trừng phạt thích đáng. Với mức phá giá trong những ngày qua, chỉ cần Trung Quốc phá giá thêm 1% nữa là đã chạm mốc 7%.

Thứ hai, nếu các quốc gia khác nhận thấy hàng xuất khẩu bị thiệt hại trước hàng xuất khẩu của Trung Quốc, chính phủ các nước này có thể phá giá đồng nội tệ theo tỷ lệ tương ứng và châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Hoặc chí ít cũng sẽ dựng lên các hàng rào thuế nhập khẩu như cách mà Mỹ đang làm để bảo vệ doanh nghiệp.

Thứ ba, trong các cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh, Washington đã nhiều lần nói rằng họ sẽ áp thuế mới trong trường hợp đồng tệ mất giá hơn nữa. Điều này hàm ý nếu Trung Quốc tìm cách phá giá tiền tệ thì Mỹ sẽ lại gia tăng thuế tương ứng, do đó tác động giảm thiểu thiệt hại thuế quan bằng cách phá giá CNY chẳng khác nào “nước đổ lá môn”.