Trung Quốc phục hồi trên giấy

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Các hộ gia đình Trung Quốc có thực lực tài chính để đẩy mạnh chi tiêu thay cho cách tiết kiệm tiền từ thu nhập. Nhưng đối với doanh thu, chính phủ Trung Quốc dựa chủ yếu vào thuế giá trị gia tăng đánh vào người tiêu dùng, trong khi thị trường nhà đất chững lại đang làm tổn hại niềm tin.

Hiện có rất nhiều thương hiệu lớn của thế giới đã có mặt tại Bắc Kinh. Nguồn: internet
Hiện có rất nhiều thương hiệu lớn của thế giới đã có mặt tại Bắc Kinh. Nguồn: internet

Ou Chengbi là người bán thịt tại một chợ trời trong bầu không khí ngột ngạt ở ngoại ô Quảng Châu, miền Đông Nam Trung Quốc. Mồ hôi rót xuống phản thịt, cô miêu tả lần cuối cùng cô bán cả một con bò trong một ngày vào mùa đông năm ngoái. "Bây giờ tôi chỉ có thể bán một nửa con bò mỗi ngày", cô nói.

Hàng triệu tiểu thương Trung Quốc như Ou dường như gặp khó khăn, bất chấp dữ liệu cho thấy sự tăng trưởng ổn định.

Văn phòng Thống kê Quốc gia ở Bắc Kinh công bố hôm 16/7 rằng, tăng trưởng kinh tế tăng 7,5%  trong quý II so với năm trước, cao hơn mức dự báo tăng 7,4% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Kết quả này có được sau khi Bắc Kinh đẩy mạnh đầu tư công và cho phép các ngân hàng cho vay nhiều để cứu thị trường bất động sản.

Các chuyên gia nghi ngại

Nhưng các cuộc điều tra độc lập đối với các doanh nghiệp trên toàn Trung Quốc cho thấy, niềm tin kinh doanh ngày càng xấu đi.

“Tất cả đều chỉ theo hướng ngược lại so với số liệu GDP của các nhà chức trách” - Leland Miller, Chủ tịch Beige Book International - một công ty dịch vụ dữ liệu có trụ sở ở New York đã khảo sát 2.200 doanh nghiệp tư nhân trên toàn Trung Quốc trong từng quý để đánh giá hoạt động kinh tế nói.

3 trong 4 đầu kéo kinh tế Trung Quốc (gồm xuất khẩu, xây dựng khu vực tư nhân và bán lẻ) vẫn đang chạy yếu ớt. Nhưng đầu kéo thứ tư là đầu tư công và chi tiêu chính phủ đang chạy mạnh mẽ, nhờ hoạt động cho vay tăng gấp đôi trong những tháng đầu năm qua của hệ thống ngân hàng nhà nước đối với ngành đường sắt, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước.

Kết quả là sự chi tiêu điên cuồng để xây dựng đường sắt mới (tăng 32,1% trong tháng 6) và nhà ở có trợ cấp. Điều này kéo theo sản lượng ngành thép thiết lập kỷ lục mới tính theo khối lượng, ngay cả khi số lượng nhà xây trong khu vực tư nhân giảm dần. Theo dữ liệu công bố hôm 15/7 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC), tổng cho vay còn tăng nhanh hơn GDP, ngay cả trước khi điều chỉnh theo lạm phát.

Nhưng khảo sát của Miller và các công ty khác cho thấy doanh nghiệp khu vực tư ngày càng ít quan tâm đến việc vay vốn, vì không tìm thấy cơ hội đầu tư sinh lời. “Nhìn chung, so với cùng kỳ năm ngoái, những tháng gần đây hoạt động kinh doanh rất chậm và trầm lắng” - theo Kay Lam, Giám đốc UB Office Systems, một cửa hàng nội thất ở Quảng Châu.

Nguồn vốn tín dụng rộng mở hơn có thể sẽ hỗ trợ cho các chính quyền địa phương Trung Quốc trong các kế hoạch kích thích kinh tế riêng. Tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư 1,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào nhiều lĩnh vực gồm đường sắt, năng lượng và nhà ở. Tỉnh Hắc Long Giang cũng dự kiến sẽ đầu tư hơn 300 tỷ Nhân dân tệ trong vòng 2 năm vào một số ngành gồm cơ sở hạ tầng và khai mỏ.

Ngoài việc nới lỏng hạn chế cho thị trường bất động sản và tăng cường cho vay, chính phủ Trung Quốc còn giảm giá đồng Nhân dân tệ so với USD nhằm hỗ trợ lĩnh vực xuất nhập khẩu. Từ đầu năm đến nay, đồng USD đã giảm giá 2,5% so với USD, trở thành đồng tiền giảm giá mạnh nhất trong số 14 đồng tiền ở khu vực châu Á.

Mở tín dụng để thúc đẩy kinh tế

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi tái cân bằng nền kinh tế, khuyến khích hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn, vốn một nửa thu nhập giành cho tiết kiệm và ít phụ thuộc vào các khoản vay nợ. Nhưng mỗi lần tăng trưởng bắt đầu giảm xuống dưới mục tiêu là 7,5% như quý đầu tiên của năm nay khi chỉ tăng trưởng GDP chỉ đạt 7,4% - chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng mở tín dụng.

Một số nhà kinh tế trong và ngoài nước cho rằng, Trung Quốc có một sự lựa chọn: Siết chặt cho vay và chấp nhận kinh tế giảm tốc ổn định mỗi năm hoặc tiếp tục mở rộng cho vay  và có nguy cơ nền kinh tế rơi tự do khi hệ thống tài chính bắt đầu không ổn định.

"Mặc dù không có cách nào để dự đoán chính xác và chắc chắn thời điểm mà Trung Quốc sẽ đạt đến giới hạn mức cho vay, tôi tin rằng với tốc độ hiện tại thì Trung Quốc còn mở rộng cho vay tín dụng thêm  3-4 năm nữa", Michael Pettis, giáo sư tài chính tại khoa Quản trị thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết sau khi Trung Quốc công bố dữ liệu kinh tế.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc vẫn giữ được sức mạnh lâu dài. Một trong số đó là hàng chục triệu công nhân Trung Quốc có thêm tiền để chi tiêu mỗi năm. Các dữ liệu hôm 16/7 cho thấy mức lương trung bình cho lao động nhập cư đã tăng 10,6% trong mùa hè này so với một năm trước đây, cao gấp 5 lần so với mức tăng giá tiêu dùng trong năm qua là 2,3%.

Mặc dù những lao động ngoại tỉnh phần nhiều còn chưa tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng họ lại chiếm ưu thế trên thị trường việc làm so với những người tốt nghiệp đại học trong những năm gần đây khi nhất là trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất vốn dựa nhiều vào sức lao động. Điều này tạo áp lực lớn đối với lượng sinh viên ra trường tăng gấp 5 lần thời gian qua.

Cơ hội nào cho những người lao động phổ thông?

Xu Hua, một người đàn ông tóc hoa râm, không cạo râu, mặc quần lửng cởi trần đang gắng sức vác những bao gạo từ trên xe tải vào một nhà hàng Quảng Châu. Tuy nhiên, anh nói rằng, công việc được trả cao hơn so với một năm trước đây.

Anh và một anh bạn đồng hương từng kiếm được 50 nhân dân tệ tương đương 8,1 USD trong vòng hai giờ bốc hàng. Năm ngoái, mức tiền nhận được cho công việc tương tự chỉ là 40 nhân dân tệ. “Có ai muốn làm công việc này đâu cơ chứ”, Xu Hua cho biết.

Doanh số bán lẻ của người tiêu dùng cũng đang tăng mạnh, tăng 12,4% trong tháng Sáu so với một năm trước đó, theo số liệu của chính phủ công bố hôm thứ 16/7, gần tương đương với tốc độ 12,5% trong tháng Năm.

Nhưng điều đó không đủ nhanh để bù đắp những tác động đến sự suy giảm giảm tốc độ khu vực đầu tư tư nhân, trong đó lĩnh vực bất động sản giảm 14% trong tháng Sáu so với một năm trước đó. Giá các căn hộ mới đã giảm tại một số thành phố và số lượng giao dịch giảm mạnh.

Hầu hết các nhà kinh tế nói rằng các hộ gia đình Trung Quốc có thực lực tài chính để đẩy mạnh chi tiêu thay cho cách tiết kiệm tiền từ thu nhập. Nhưng đối với doanh thu, chính phủ Trung Quốc dựa chủ yếu vào thuế giá trị gia tăng đánh vào người tiêu dùng, trong khi thị trường nhà đất chững lại đang làm tổn hại niềm tin.

“Có rất ít người đến đây”, Deng Weiping một người bán buôn ở chợ vải tại Quảng Châu cho biết, "Và những người đến đây để mua hàng còn ít hơn”.