Trung Quốc quyết "vượt mặt" Mỹ trong cuộc đua công nghệ với kế hoạch 1,4 nghìn tỷ USD

Theo Thanh Thắng/nhadautu.vn

Bắc Kinh đang tăng tốc để dẫn đầu cuộc đua công nghệ toàn cầu với kế hoạch 'bơm' hơn 1 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thông qua việc tung ra mọi thứ từ mạng không dây thế hệ mới đến trí tuệ nhân tạo.

 Trung Quốc đang muốn thúc đẩy các hoạt đồng đầu tư phát triển công nghệ nhằm vượt mặt Mỹ.   Ảnh: CNN
Trung Quốc đang muốn thúc đẩy các hoạt đồng đầu tư phát triển công nghệ nhằm vượt mặt Mỹ. Ảnh: CNN

Trong kế hoạch tổng thể do chính Chủ tịch Tập Cận Bình hậu thuẫn, Trung Quốc sẽ đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD) trong vòng 6 năm đến 2025. Theo đó, chính quyền nước này và các "gã khổng lồ" tư nhân về công nghệ như Huawei Technologies sẽ hợp tác để lắp đặt mạng không dây 5G, cài đặt camera và cảm biến, đồng thời phát triển phần mềm AI nhằm hoàn thiện hệ thống giám sát.

Sáng kiến về phát triển ​​cơ sở hạ tầng mới, dự kiến ​​sẽ được thực hiện chủ yếu bởi các đại gia trong nước như tập đoàn Alibaba, Huawei Technologies và SenseTime.

Khi chủ nghĩa dân tộc và công nghệ được gắn kết, động lực đầu tư sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài, tương tự như các mục tiêu đã đề ra trước đây trong chương trình "Made in China 2025". Những sáng kiến như vậy vốn đã thu hút sự chỉ trích dữ dội từ chính quyền ông Trump, dẫn đến những động thái ngăn chặn sự trỗi dậy của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei.

Giám đốc điều hành của Digital China Holdings Maria Kwok cho biết: "Đây được coi là một động thái quan trọng để giành chiến thắng trong cuộc đua công nghệ toàn cầu. Bắt đầu từ năm nay, chúng ta sẽ thực sự nhận thấy các dòng tiền chảy qua".

Sự thúc đẩy đầu tư công nghệ là một phần của gói tài chính đang chờ được ký kết bởi Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc trong tuần này. Chính phủ Trung Quốc dự kiến ​​sẽ công bố gói tài trợ cho cơ sở hạ tầng lên tới 563 tỷ USD trong năm nay, trong bối cảnh đất nước có mức tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời ông Mao Trạch Đông.

Các nhà cung cấp lớn nhất của Trung Quốc về điện toán đám mây và phân tích dữ liệu bao gồm Alibaba và Tencent Holdings sẽ là những thành viên chủ chốt cho kế hoạch sắp tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã ủy thác cho Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, trong việc phát triển mạng 5G.

Thật không có gì lạ khi các kế hoạch "nghìn tỷ USD" của Trung Quốc đạt được rất ít kết quả. Và tất nhiên, không có gì đảm bảo chương trình này sẽ mang lại sự trẻ hóa kinh tế cho những bên tham gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mới này sẽ giúp các tập đoàn quốc gia đi xa hơn nữa trong việc phát triển các công nghệ tiên tiến.

Ông Nannan Kou, người đứng đầu nghiên cứu tại BloombergNEF cho biết: "Kế hoạch kích thích mới của Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến việc hợp nhất các nhà cung cấp internet công nghiệp. Ngoài ra, nó có thể dẫn đến sự xuất hiện của một số công ty lớn hơn và sẽ cạnh tranh với các tập đoàn toàn cầu, như GE và Siemens. Hiện tại, Trung Quốc đang đặt mục tiêu có 3 công ty dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này vào năm 2025".

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất 'bơm' tiền vào đầu tư công nghệ như một cách để thoát khỏi suy thoái kinh tế sau COVID-19. Đầu tháng này, Hàn Quốc đã cho biết AI và mạng không dây sẽ là yếu tố cốt lõi để tạo ra việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khoản tiền 10 nghìn tỷ nhân dân tệ mà Trung Quốc ước tính chi từ nay đến năm 2025 sẽ được dành cho các lĩnh vực quan trọng bao gồm AI và IoT, cũng như các mặt hàng đường dây điện cao thế và đường sắt cao tốc. Trong thời gian gần đây, hơn 20 tỉnh của Trung Quốc đã công bố các dự án với tổng giá trị hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ cùng sự tham gia tích cực từ các nguồn vốn tư nhân.

Theo tính toán riêng biệt từ Morgan Stanley, các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng mới của Trung Quốc sẽ cần khoảng 180 tỷ USD mỗi năm trong 11 năm tới - tương đương 1,98 nghìn tỷ USD. Những tính toán này cũng bao gồm cả đường dây điện và đường sắt cao tốc.

Ông Tony Yu, giám đốc điều hành của nhà sản xuất máy chủ Trung Quốc H3C, nói rằng công ty của ông đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể nhu cầu về các dịch vụ trung tâm dữ liệu từ một số công ty internet hàng đầu của đất nước. Vị giám đốc điều hành của H3C cho rằng, sự tăng trưởng nhanh chóng trong các lĩnh vực sắp tới sẽ mang lại một 'làn gió' mới cho nền kinh tế Trung Quốc sau khi đại dịch qua đi.

Trong khi đó, ChinData Group ước tính rằng cứ 1 USD chi cho các trung tâm dữ liệu sẽ mang lại khoản đầu tư từ 5-10 USD vào các lĩnh vực liên quan, bao gồm cả mạng internet, lưới điện và việc sản xuất thiết bị tiên tiến. Một loạt các công ty chuỗi cung ứng sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư này.