Trung Quốc: Tăng trưởng thấp song không “hạ cánh cứng”

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Bất chấp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giới chức Trung Quốc cho rằng quốc gia này sẽ theo đuổi đường lối cải cách kinh tế với động lực tăng trưởng là chi tiêu tiêu dùng trong nước và nhấn mạnh về chất lượng hơn là quy mô tăng trưởng.

Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm dần nhờ kết quả của đầu tư. Nguồn: internet
Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm dần nhờ kết quả của đầu tư. Nguồn: internet

Giảm tốc để điều chỉnh cơ cấu

Kinh tế Trung Quốc năm 2014 đạt mức tăng trưởng yếu nhất trong 24 năm qua. Tuy nhiên, đó không hẳn là một tín hiệu bi quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trên thực tế, dù không đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, các nhà chức trách Trung Quốc vẫn cảm thấy hài lòng khi đang theo đuổi kế hoạch xây dựng tăng trưởng tập trung vào chất lượng, chứ không phải là quy mô.

Theo số liệu chính thức do Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 20/1, kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 7,4% trong năm 2014, ghi dấu mức tăng thấp nhất trong vòng 24 năm qua. Đây là mức tăng trưởng tệ nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn mục tiêu tăng trưởng 7,5% của Chính phủ. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế Trung Quốc chịu tác động từ sự sa sút trong hoạt động chế tạo và thương mại, cũng như giá bất động sản sụt giảm, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang trải qua giai đoạn chuyển đổi theo lộ trình hướng đến sự tăng trưởng bền vững hơn.

Bất chấp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, giới chức Trung Quốc cho rằng quốc gia này sẽ theo đuổi đường lối cải cách kinh tế với động lực tăng trưởng là chi tiêu tiêu dùng trong nước và nhấn mạnh về chất lượng hơn là quy mô tăng trưởng.

Người đứng đầu NBS, Ma Jiantang nói: “Kinh tế Trung Quốc đã tiến tới giai đoạn tăng trưởng bền vững với chất lượng được cải thiện. Tuy nhiên, tình cảnh trong nước và quốc tế vẫn phức tạp và sự phát triển kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức”.

Tín dụng chú trọng cho sản xuất

Trong khi đó, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Á tại ING Groep NV  (có trụ sở tại Singapore), Tim Condon nhận định: “Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc năm 2014 đã vượt qua nỗi lo hạ cánh cứng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã có thể duy trì mức tăng trưởng tiệm cận với mục tiêu và tiếp tục theo đuổi các cải cách kinh tế bền vững hơn”.

Về phần mình, nhà phân tích Dariusz Kowalczyk tại Credit Agricole CIB tại Hong Kong cho rằng, các thị trường có thể đặt niềm tin khi kinh tế Trung Quốc bước vào năm 2015 với diện mạo tốt hơn. Số liệu tăng trưởng như vậy giúp xoa dịu sự cần thiết phải kích thích kinh tế lớn hơn, song vẫn duy trì dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ.

Tính riêng trong quý IV/2014, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với dự báo 7,2% đưa ra trước đó. Ngoài ra, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 7,9% trong tháng 12/2014 so với cùng kỳ năm trước; doanh số bán lẻ tăng tương ứng 11,9%; đầu tư tài sản cố định tăng 15,7% trong cả năm 2014.

Trước khi thông báo về dữ liệu tăng trưởng, Trung Quốc đã triển khai biện pháp mới nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang giảm tốc sau khi tín dụng NH sụt giảm, còn đầu tư nước ngoài chỉ tăng ở mức thấp nhất trong hai năm qua. NH Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho hay sẽ cấp khoản tín dụng 50 tỷ Nhân dân tệ (NDT) - tương đương 8,1 tỷ USD cho các NH trong nước với mức lãi suất thấp để tăng nguồn tín dụng dành cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ - thường rơi vào tình trạng thiếu vốn.

PBoC cũng thông báo, các NH trong nước đã cho vay tới 9.780 tỷ NDT (1.600 tỷ USD) năm 2014, trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc tìm cách nới lỏng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Con số này tăng 10% so với mức tương ứng 8.890 tỷ NDT của năm 2013, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu 10.000 tỷ NDT.

Trong hai tháng cuối năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích các NH cho vay nhiều hơn nhằm tiếp cận mục tiêu nói trên. Tuy nhiên, các NH chỉ cho vay mới thêm 697,3 tỷ NDT trong tháng 12/2014, giảm so với mức 852,7 tỷ NDT của tháng 11. NH ANZ nhận định "các khoản vay mới sụt giảm trong tháng 12 cho thấy, các NHTM Trung Quốc vẫn lo ngại về các rủi ro tín dụng". 

ANZ dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay, bao gồm việc cắt giảm dự trữ bắt buộc, để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại và rủi ro giảm phát.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Trung Quốc năm 2015, dòng vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc là một thước đo quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế thế giới và là dấu hiệu tốt của những khu vực ở Trung Quốc tiếp nhận vốn đầu tư. Theo ông Zhu Zhixin, Phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), những ưu tiên trong chính sách vĩ mô của Trung Quốc trong năm 2015 là để nền kinh tế nước này từng bước chuyển đổi cơ cấu mà vẫn duy trì được đà tăng trưởng.

Trong một diễn biến liên quan, Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ mức ước tăng 7,1% xuống 6,8% trong năm nay. IMF dự báo sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến các chính sách ứng phó bị hạn chế hơn khi các nhà lãnh đạo nước này lo ngại về các rủi ro như tăng trưởng tín dụng và đầu tư cao. Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng 6,3% trong năm tới. Tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn và sự sa sút của thị trường bất động sản sẽ kéo tăng trưởng của nước này xuống mức thấp nhất trong một phần tư thế kỷ.

Tác động của việc kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại, theo IMF, sẽ ảnh hưởng đến các nước châu Á khác và có thể làm tụt triển vọng tăng trưởng của các nước đó. IMF dự đoán Bắc Kinh sẽ hạn chế chính sách kích thích kinh tế để kìm hãm các rủi ro tín dụng và đầu tư. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bắc Kinh sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng vào khoảng 7% năm 2015. Lộ trình tăng trưởng của nước này vẫn là quản lý tài khóa chặt chẽ, khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp và duy trì mục tiêu tăng trưởng ổn định.