Malaysia sẽ đảo ngược CPTPP?
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho biết sẽ đề nghị các thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) xem xét lại hiệp định này.
Theo ông Mahathir Mohamad, sở dĩ ông muốn đề nghị xem xét lại CPTPP là do một số điều khoản của hiệp định này sẽ khiến những nền kinh tế yếu hơn, như Malaysia, gặp bất lợi.
Toan tính của Malaysia
Malaysia đã ký kết hiệp định này ở thời người tiền nhiệm của ông Mahathir là Thủ tướng Razak Najib. CPTPP không có sự tham gia của cả Mỹ lẫn Trung Quốc nhưng có sự tham gia cả hai nền kinh tế lớn trên thế giới là Nhật Bản và Canada.
Ông Mahathir lập luận rằng Malaysia là nền kinh tế nhỏ nên sẽ bị thua thiệt nhiều với nội dung hiện tại của CPTPP, mặc dù ông cho rằng CPTPP rất quan trọng đối với Malaysia và không hàm ý nước này đang xem xét rút khỏi CPTPP.
Ý tưởng nói trên của ông Mahathir chắc chắn sẽ không được 10 thành viên còn lại của CPTPP chấp nhận. Trên thực tế, Malaysia đối với CPTPP không ở tầm cỡ như Mỹ đối với TPP.
Vì thế, nếu thực sự có ý định theo đuổi chủ trương này thì ông Mahathir chỉ có thể dùng cách trì hoãn việc phê chuẩn CPTPP để ngăn thoả thuận này có hiệu lực chính thức, buộc 10 thành viên kia phải nhượng bộ. Nếu không, Malaysia chỉ có hai sự lựa chọn là tiếp tục tham gia hay rút khỏi CPTPP.
Malaysia thực sự không có đủ khả năng để làm CPTPP tan vỡ như Mỹ đã làm với TPP. Ông Mahathir đã tuyên bố chỉ cầm quyền tối đa 2 năm để rồi sau đó trao lại quyền cho ông Anwar Ibrahim.
Sau khi lên cầm quyền ở Malaysia, ông Anwar Ibrahim có thể sẽ đồng tình với chủ ý nói trên của ông Mahathir hoặc sẽ có quyết sách khác. Malaysia có thể tự quyết chuyện rút khỏi CPTPP, nhưng việc quay trở lại hiệp định này có thể sẽ gặp trở ngại.
Bởi vậy, nhiều khả năng phát biểu nói trên của ông Mahathir chỉ là một cú đòn gió chính trị cả về đối nội lẫn đối ngoại.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Một trong những cam kết vận động tranh cử Quốc hội giúp ông Mahathir đánh bại ông Razak Najib, tạo nên cơn địa chấn chính trị có một không hai trong lịch sử của Malaysia là xem xét lại những thoả thuận quốc tế mà chính quyền tiền nhiệm đã ký kết với các đối tác bên ngoài.
Xem xét lại kết quả cầm quyền của chính quyền tiền nhiệm không có nghĩa là huỷ hoại ngay tất cả những kết quả ấy và cử tri rất hài lòng với cách tiếp cận đầy trách nhiệm đó.
Kết quả cuối cùng của việc xem xét các thỏa thuận quốc tế là chuyện khác trong khi tác động đối nội hiện tại của ý định xem xét mới đáng kể. Ông Mahathir chơi cú đòn gió này để thể hiện sự khác biệt cơ bản với chính quyền tiền nhiệm ở Malaysia.
Nhưng ông Mahathir cũng đồng thời nhằm hai mục tiêu đối ngoại nữa là tăng vị thế của Malaysia trong CPTPP và phát đi thông điệp tranh thủ cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Phía Mỹ sẽ thích thú khi thấy Malaysia có chủ ý giống như mình, trong khi Trung Quốc sẽ hài lòng khi Malaysia ở ngoài CPTPP như Trung Quốc. Trước mắt, ông Mahathir chơi cú đòn gió này và rồi đây có thể dừng lại ở đó hoặc có thể tiến tới chơi cú đòn thật.
Nhưng có điều chắc chắn là chừng nào chưa có được cái gì khác có thể thay thế hay bù đắp được cho CPTPP thì chừng đó ông Mahathir sẽ chỉ “làm mình làm mẩy”, chứ không quyết định rút nước này ra khỏi CPTPP. Điều nữa cũng có thể chắc được là Malaysia có thể cùng quyết định nhưng không thể một mình quyết định số phận và tương lai của CPTPP. Malaysia có thể đứng ngoài nhưng không thể ngăn cản được CPTPP.
Dù vậy, việc ông Mahathir tuyên bố ý định xem xét lại CPTPP cũng dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh các thành viên CPTPP. Chấp nhận ý muốn của ông Mahathir sẽ tạo tiền lệ nguy hại đối với tương lai của CPTPP.
Bởi vậy, các thành viên CPTPP phải kiên định thực hiện thành công tiến trình CPTPP, khẩn trương đưa thoả thuận này sớm có hiệu lực, không để chủ ý nhất thời của thành viên nào gây cản trở hoặc huỷ hoại cả tiến trình, ràng buộc lợi ích giữa các thành viên và để ngỏ cửa sẵn sàng tiếp nhận thành viên mới.