Trung Quốc vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

Theo InfoTV

Sau ba thập kỷ tăng trưởng ấn tượng, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trong quý II năm nay để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, theo số liệu chính thức của chính phủ được công bố

Sự khẳng định này được đưa ra vào đầu tuần này, khi chính phủ Nhật Bản chi biết nền kinh tế này đạt giá trị là khoảng 1,28 nghìn tỷ đôla trong quý hai năm nay, ít hơn so với con số 1,33 nghìn tỷ đôla của Trung Quốc, mặc dù giá trị GDP của cả sáu tháng đầu năm của Nhật vẫn cao hơn Trung Quốc. Kinh tế Nhật chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý, ít hơn rất nhiều so với dự đoán của giới phân tích. Mức độ tăng trưởng yếu này cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc vượt Nhật Bản cho cả năm.

Giới phân tích cho rằng việc chiếm vị trí thứ hai của Nhật Bản, sau khi đã vượt qua Đức, Pháp và Anh trong những năm gần đây, cho thấy tiềm lực ngày một lớn mạnh của Trung Quốc và càng tăng khả năng nước này sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030. GDP của Mỹ trong năm 2009 là tương đương 14 nghìn tỷ đôla.

Nicholas R. Lardy, chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét: "Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định lại những gì đã diễn ra trong thập kỷ qua là Trung Quốc đang dần lấn áp Nhật Bản về mặt kinh tế. Trong khu vực, hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất chứ không phải Mỹ hay Nhật".

Nhật Bản, với nền kinh tế đình trệ trong hơn một thập kỷ qua, số liệu này phản ánh sự suy giảm quyền lực kinh tế và chính trị. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Nhật Bản đã giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong gần bốn thập kỷ qua. Và trong khoảng thời gian những năm 80, thậm chí còn có ý kiến cho rằng kinh tế Nhật có thể vượt qua được Mỹ.

Nhưng khi mà kinh tế Nhật đã phát triển hết mức và dân số đang già đi nhanh chóng, Trung Quốc hiện vẫn đang trong quá trình đô thị hoá và còn xa mới phát triển hoàn toàn. Điều này có nghĩa là mức sống của người dân tại Trung Quốc còn rất thấp, và cũng có nghĩa là Trung Quốc còn có khả năng tăng trưởng lâu dài. Chỉ năm năm trước, GDP của Trung Quốc mới vào khoảng 2,3 nghìn tỷ đôla, bằng một nửa của Nhật Bản.

Trung Quốc có diện tích lớn tương đương với Mỹ, tuy nhiên lại đang quá tải với dân số chiếm một phần năm dân số thế giới trong khi nguồn nguyên liệu lại không đủ.

Thu nhập bình quân tính theo đầu người của Trung Quốc hiện chỉ tương đương với những nước nghèo như Algeri, El Salvador hay Albani, là khoảng 3.600 đôla trong khi Mỹ là vào khoảng 46.000 đôla.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi hoạt động kinh tế toàn cầu với ảnh hưởng thương mại ngày càng lớn, dự trữ ngoại tệ khổng lồ cũng như lượng nắm giữ trái phiếu nợ Mỹ, cùng với nhu cầu không giới hạn đối với dầu, than, quặng sắt và các nguồn nguyên liệu khá.

Trung Quốc thực sự đang là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. Nhu cầu nguyên liệu của nước này là động lực phát triển cho nhiều nước tại châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin. 

Tuy nền kinh tế chỉ vào khoảng một phần ba Mỹ, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường ô tô chở người lớn nhất thế giới vào năm ngoái. Nước này cũng qua mặt Đức thành nước xuất khẩu lớn nhất thế giới trong năm vừa qua.

Nhật Bản cũng đã chuẩn bị tinh thần cho việc chuyển giao vị trí này. Nước này cũng đã được hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, bắt đầu là việc các doanh nghiệp đưa các nhà máy sản xuất tới Trung Quốc để tận dụng lợi thế giá cả thấp, và khi thu nhập người dân bắt đầu tăng lên, Trung Quốc lại trở thành một thị trường rộng lớn và hấp dẫn cho hàng hoá Nhật Bản.

Trong khi Mỹ và châu Âu vẫn đang phải vận lộn để có được tăng trưởng kinh tế sau đợt khủng hoảng tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn đang trên đà phát triển mạnh. Mặc dù tăng trưởng bắt đầu chậm lại chút ít, kinh tế Trung Quốc vẫn được dự đoán sẽ tăng thêm 10% giá trị trong năm nay, tiếp tục kéo dài ba thập kỷ liên tiếp tăng trưởng với hai chữ số.

Đương nhiên là vẫn còn tồn tại nhiều thách thức lớn trước mắt. Các nhà kinh tế học cho rằng Trung Quốc hiện phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đầu tư và cần phải thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng nội địa. Cho tới lúc này, đây vẫn là bài toán khó đối với Trung Quốc.

Các ngân hàng Trung Quốc, phần lớn là ngân hàng nhà nước, bị chỉ trích là đã đẩy mạnh cho vay quá ồ ạt trong năm ngoái trong khi chất lượng tín dụng là không đảm bảo, khiến bùng phát nạn đầu cơ đẩy giá cả lên tại một số thị trường.

Trung Quốc cũng phải đối mặt với tranh cãi thương mại gay gắt về vấn đề đồng tiền nhân dân tệ của nước này. Mỹ, châu Âu và một số nước khác cáo buộc chính phủ Trung Quốc giữ giá đồng nhân dân tệ quá thấp để có được lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu, khiến nước này có thặng dư thương mại khổng lồ trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu lại có thâm hụt thương mại hai chiều lớn. Trung Quốc tuyên bố đồng nhân dân tệ không bị định giá qua thấp và đang tiến hành cải tổ tiền tệ.

Mặc dù vậy, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc cho thấy nước này sẽ cạnh tranh với Mỹ và châu Âu trong việc giành các nguồn nguyên liệu, đồng thời cũng là cơ hội lớn cho các công ty nhắm vào thị trường rộng lớn tại đây.