Trước 1/7/2024 sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống chuẩn mực về thẩm định giá
Để nâng cao chất lượng tư vấn xác định giá đất, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hệ thống về chuẩn mực thẩm định giá, dự kiến trước 1/7/2024 sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống chuẩn mực này.
Đây là thông tin được Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Phạm Văn Bình nêu ra tại hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và xác định giá đất - Những bất cập từ thực tiễn và qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” diễn ra sáng 18/10. Hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Những nút thắt và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung nêu rõ, với điều kiện là một quốc gia có diện tích đất tự nhiên trên đầu người vào loại thấp của thế giới (chỉ đạt khoảng 3.400 m2/người), thì việc quản lý và sử dụng đất đai bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, bền vững vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường ở nước ta.
Thời gian qua, việc quản lý và sử dụng đất đai đã tạo dựng được nguồn lực to lớn cho xây dựng và phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cùng với quá trình đô thị hóa, việc vốn hóa đất đai, phát triển thị trường bất động sản được thực hiện mạnh mẽ.
Từ năm 2017 - 2021, nguồn thu từ đất đai luôn đóng góp từ 12 - 14% tổng thu ngân sách nhà nước. Tại nhiều địa phương, số thu từ đất đai chiếm tới trên 30% ngân sách và là nguồn vốn chính cho đầu tư công. Đất đai cũng là điều kiện vật chất hàng đầu để thực hiện thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong phát triển công nghiệp, dịch vụ.
Trong lĩnh vực nông nghiệp - mà đất đai là tư liệu sản xuất chính, chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian dài vừa qua, và hiện nông nghiệp cũng đang là trụ cột chống đỡ chính của kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, từ kết quả kiểm toán, bà Dung cho biết, việc quản lý, sử dụng đất đai còn một số vấn đề bất cập, hạn chế, vướng mắc. Đó là chưa tạo dựng được một hành lang pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là sử dụng cho phát triển kinh tế; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính ổn định lâu dài; thu hồi đất khi chưa bảo đảm các điều kiện và trình tự, thủ tục theo quy định; giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất còn thấp, chưa sát với giá thị trường; việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong thực tiễn còn bất cập.
Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường Đào Trung Chính bổ sung, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nhà nước đối với đất đai song nguồn thu từ đất đai chưa bền vững, chưa thực sự mang tính tổng thể, dài hạn, chủ yếu là thu từ thị trường sơ cấp. Chính sách tài chính còn chưa khai thác hết tiềm năng nguồn thu từ đất, chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất đai tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Về giá đất, qua kết quả tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, ông Chính chỉ rõ, một số phương pháp xác định giá đất chưa phù hợp với điều kiện thực tế về thông tin thị trường quyền sử dụng đất, chưa phù hợp với công tác quản lý nhà nước về giá đất trong bối cảnh chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu về giá đất. Quy định về nội dung, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất có điểm chưa phù hợp, chưa cụ thể dẫn đến có trường hợp một thửa đất áp dụng các phương pháp khác nhau cho các kết quả khác nhau khiến địa phương lúng túng trong lựa chọn.
Việc phân cấp, phân quyền trong xác định giá đất chưa phù hợp, chưa đồng bộ với thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất… dẫn đến khối lượng công việc định giá đất cụ thể lớn tập trung vào các cơ quan cấp tỉnh, trong khi năng lực cơ quan định giá, Hội đồng thẩm định giá đất còn hạn chế. Bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường…
Trên thực tế, một số tồn tại đã được khắc phục ngay thông qua sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đất đai như Nghị định 10/2023/NĐ-CP và các văn bản hành chính hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những hạn chế, vướng mắc trong quản lý đất đai và xác định giá đất, các đại biểu đề xuất, trước tiên cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi). Tập trung cải cách bộ máy hành chính, đặc biệt là công tác cán bộ; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai; phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về đất đai.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác xây dựng Bảng giá đất và giá đất cụ thể bảo đảm nguyên tắc sát giá thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiến quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, vi phạm pháp luật về đất đất đai theo đúng quy định.
Ngoài ra, theo các đại biểu, cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về giá đất; tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ tư vấn xác định giá đất – yếu tố rất quan trọng để bảo đảm xác định giá đất phù hợp, sát với giá thị trường. Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Phạm Văn Bình xác nhận, để nâng cao chất lượng tư vấn xác định giá đất, Bộ Tài chính đang hoàn thiện hệ thống về chuẩn mực thẩm định giá, dự kiến trước 1/7/2024 sẽ thay đổi toàn bộ hệ thống chuẩn mực này.