TS. Cấn Văn Lực: "Doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R để phục hồi"
Ông Cấn Văn Lực cho rằng để phục hồi nhanh sau đại dịch, doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R (Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience) gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng.
Chia sẻ tại hội thảo “Những thay đổi của thế giới: Cơ hội, thách thức và giải pháp thích ứng đối với doanh nghiệp Việt Nam”, do tạp chí Nhà Đầu tư/nhadautu.vn tổ chức sáng 18/11, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV cho biết có 8 xu hướng thay đổi kinh tế quốc tế trong và sau đại dịch gồm: Toàn cầu hóa, liên kết kinh tế thay đổi; Phục hồi phát triển kinh tế xanh; Tốc độ phục hồi không đồng đều, biến đổi khí hậu nhanh hơn, được quan tâm hơn; Cạnh tranh chiến lược, vai trò của Chính phủ gia tăng qua các gói hỗ trợ, định hướng, hợp tác quốc tế; Xúc tác chuyển đổi số; Thay đổi chính sách tài khóa và tiền tệ.
"Dịch COVID-19 đã khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc và thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, những doanh nghiệp nào nắm bắt, chủ động trong xu thế này sẽ có nhiều lợi thế", TS. Cấn Văn Lực nói.
Cụ thể, theo ông Lực chuyển đổi số sẽ làm tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, tăng tính bình đẳng, tăng tính phức tạp về vấn đề thuế, về quản lý giám sát. Bên cạnh đó, dịch COVID cũng khiến các tổ chức, doanh nghiệp nhìn nhận lại về cách thức làm việc (họp trực tuyến, làm việc tại nhà, đào tạo trực tuyến,…).
Phân tích kỹ về câu chuyện này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong đại dịch có ngành làm ăn rất tốt như kinh doanh trực tuyến, y tế, bất động sản khu công nghiệp hay chứng khoán nhưng cũng có ngành khó khăn như du lịch, bán lẻ, dệt may. Bên cạnh đó, công nghiệp, xây dựng, sản xuất phục hồi nhanh hơn lĩnh vực dịch vụ.
Dịch bệnh cũng làm xuất hiện các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm – dịch vụ mới trên nền tảng số xuất hiện nhiều hơn; Gia tăng đầu tư cho các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh đầu tư công là cơ hội cho các ngành xây dựng, bất động sản…
Theo TS. Cấn Văn Lực, dịch bệnh cũng gây ra nhiều rủi ro, thách thức như: Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, liên kết chính trị thay đổi; Rủi ro an ninh mạng; thiếu hụt lao động ngắn hạn,…
Về phần mình, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong dòng tiền, chi phí tăng trong khi giá đầu ra khó tăng; mất đơn hàng,…
"Để phục hồi nhanh sau đại dịch, bên cạnh việc tận dụng tối đa nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động và tăng năng suất thì doanh nghiệp cần áp dụng mô hình 5R (Respond-Recover-Restructure-Reinvent-Resilience) gồm: Thích ứng linh hoạt, phục hồi càng nhanh càng tốt, tái cấu trúc, đổi mới sáng tạo và tăng sức đề kháng bao gồm quản trị rủi ro", ông Lực nói.