Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới: Giải pháp nào?

Hoàng Châu

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tiễn hỗ trợ DN phát triển thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Điều này đặt ra yêu cầu cần tiếp tục thay đổi tư duy quản trị, phương thức vận hành và cách thức quản lý, hỗ trợ DN phát triển trong bối cảnh mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP

Ngày 16/5/2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ DN đến năm 2020. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh.

Khu vực tư nhân đóng góp khoảng 48-49% GDP và khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30-35%, năng suất lao động tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm có khoảng 30-35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo.

Từ đó đến nay, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP, vấn đề hỗ trợ DN phát triển đạt nhiều kết quả quan trọng như: Đã tạo thuận lợi hơn cho DN; năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã tăng 10 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, đứng thứ 3 trong ASEAN, đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng ký thành lập theo Luật DN; nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích tạo đột phá hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, phát triển công nghệ; thúc đẩy các DNNVV sáng tạo tham gia liên kết chuỗi giá trị…

Các chính sách thuế, phí, vốn, tiếp cận tín dụng, lãi suất, đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin đã được ban hành, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho DN, cụ thể như: Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt nam đã tăng 7 bậc từ thứ 32 năm 2019 lên 25/190 nước, vùng lãnh thổ năm 2020; tín dụng phục vụ lĩnh vực đầu tư sản xuất, lĩnh vực ưu tiên tăng liên tục trong thời gian qua.

Khung khổ pháp lý, các luật liên quan đến sở hữu tài sản, quyền sở hữu tài sản; đảm bảo quyền tự do hợp đồng và thực thi hiệu lực hợp đồng; cạnh tranh công bằng, bình đẳng, kiểm soát độc quyền, kiểm soát độc quyền kinh doanh cũng được sửa đổi, bổ sung phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, Luật DN sửa đổi năm 2020 đã có nhiều điểm mới, tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh; khung khổ pháp lý quản trị DN đã tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; đã cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN; các quy định liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế…

Mặc dù vậy, thực tiễn quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Một số kiến nghị, phản ánh về thủ tục, quy định pháp lý, hỗ trợ DN, điều kiện kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung, cắt giảm nhưng chưa thực chất, chung chung; công tác thanh, kiểm tra vẫn còn chồng chéo. Công tác giải quyết khiếu nại, kiến nghị của DN còn chậm, vướng nhiều thủ tục, chưa hỗ trợ kịp thời các khó khăn vướng mắc của DN trong các hoạt động sản xuất kinh doanh…

Giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới?

Thực tiễn trên đặt ra yêu cầu cần tiếp tục thay đổi tư duy quản trị, phương thức vận hành và cách thức quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh mới, cụ thể:

- Trong xây dựng, ban hành chính sách cần đảm bảo sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo.

Trong quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, cần đảm bảo ổn định, cải cách môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn, thân thiện, đảm bảo quyền bình đẳng cho tất các các thành phần kinh tế trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên, môi trường kinh doanh.

- Cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ DN sau đại dịch COVID-19 theo hướng nghiên cứu, hỗ trợ DN phát triển các loại hình dịch vụ trực tuyến; hỗ trợ phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới mô hình kinh doanh sản phẩm phù hợp với tình hình mới.

- Có chính sách đột phá để khuyến khích DN áp dụng mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, phát triển các giải pháp công nghệ số, khai thác cơ hội kinh doanh thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử…

- Cần có cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích DN khu vực tư nhân đầu tư các cụm, khu công nghiệp hệ thống kho bãi hiện đại; tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng hàng không, đường bộ, giao thông nội địa thủy, để tạo điều kiện tiền đề hỗ trợ vận tải logictis, góp phần giảm chi phí lưu thông hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong thời gian tới…

- Tăng cường liên kết DN tham gia chuỗi giá trị. Hỗ trợ ổn định các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất các ngành hàng có lợi thế như: Cao su, xơ, sợi; các loại vật liệu cơ bản như thép cán nóng, thép chế tạo, vải, các loại vật liệu mới.

- Tiếp tục phát triển các vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế chủ động nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước, hạn chế xuất khẩu những mặt hàng nguyên liệu trong nước có nhu cầu cao để tạo điều kiện cho DN trong nước có đủ nguồn cung nguyên liệu phát triển sản xuất.

- Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các “điểm nghẽn”, bất cập, khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ DN phát triển.

- Có chính sách hỗ trợ về thuế, phí để DN phục hồi, phát triển trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19…

Luật DN sửa đổi năm 2020 đã có nhiều điểm mới, tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường kinh doanh; khung khổ pháp lý quản trị DN đã tiếp cận với chuẩn mực quốc tế; đã cải thiện chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng, giải quyết phá sản DN; các quy định liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các hiệp định thương mại, cam kết quốc tế…