TS. Võ Trí Thành: "Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt về kinh tế với Việt Nam"
(Tài chính) Trong thế giới hội nhập, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là đôi bên cùng có lợi, đồng thời mối quan hệ này còn liên quan đến nhiều nước khác trong chuỗi giá trị, các cam kết quốc tế không dễ phá bỏ.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do VCCI tổ chức sáng ngày 3/7. Các chuyên gia, đại diện hiệp hội DN đã cùng trao đổi để làm rõ bức tranh kinh tế Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh tình hình trên biển Đông đang và sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hoạt động kinh tế.
Quan hệ kinh tế không chỉ phụ thuộc hai nước
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh càng hội nhập sâu, chúng ta càng trở thành thành phần không thể tách rời với nền kinh tế toàn cầu. Việt Nam đang là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc. Còn Trung Quốc là nhà xưởng lớn, thị trường lớn của thế giới. Đây là mối quan hệ hai bên cùng có lợi, gần Trung Quốc cũng là lợi thế để chúng ta bứt phá, vươn lên.
Phân tích về những rủi ro của nền kinh tế, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương chỉ ra rằng luôn có những rủi ro trên con đường phát triển, hội nhập. Đơn cử như những rủi ro chúng ta gặp phải khi gia nhập WTO với các vụ kiện bán phá giá, hay chịu ảnh hưởng nhanh chóng của khủng hoảng tài chính thế giới. Tuy nhiên, có rủi ro lớn hơn còn ít được nghiên cứu là rủi ro địa chính trị.
Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Đây không chỉ là “cuộc chơi” của 2 quốc gia mà là của rất nhiều bên cùng tham gia vào, chia sẻ lợi ích. Khi một mắt xích trục trặc thì cả chuỗi ảnh hưởng, khó nói ai ảnh hưởng nhiều hơn.
Đối với Trung Quốc, đây là một nền kinh tế lớn mà cả Việt Nam và các nước đều không thể không hợp tác. Tại thời điểm hiện tại, quan hệ của Việt Nam và Trung Quốc là khá sâu. Trung Quốc có quan hệ thương mại lớn, có nhiều dự án khá nhạy cảm, quan trọng với Việt Nam. Mặc dù vẫn đề phòng phương án xấu nhất, nhưng ông Võ Trí Thành nhận định, Trung Quốc không dễ gây hấn ồ ạt về kinh tế với Việt Nam.
Lý do là quan hệ kinh tế của 2 nước còn gắn với nhiều nước khác trên thế giới. 60% nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam liên quan đến hoạt động của các tập đoàn lớn đang đầu tư tại Việt Nam như Samsung, Canon.
Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc dựa trên nhiều cam kết song phương, đa phương như WTO, ASEAN+… mà Trung Quốc không dễ dàng phá bỏ.
Lý do thứ 3 được nêu ra là nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam thì hình ảnh của Trung Quốc với thế giới sẽ càng xấu, sự lo ngại của các nước với Trung Quốc tăng lên, ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của Trung Quốc trong các mối quan hệ trên thế giới.
"Không nên than phiền vì ở cạnh Trung Quốc"
Cùng quan điểm này, chuyên gia cao cấp Lê Đăng Doanh cho rằng không nên than phiền rằng Việt Nam ở cạnh Trung Quốc. Thế giới quan tâm rất nhiều đến Việt Nam bởi chúng ta ở phía Nam Trung Quốc, có vị thế độc lập và tự chủ với Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta phải tận dụng vị thế này để phát huy.
“Trung Quốc đang nhập khẩu 45% gạo của Việt Nam, có nghĩa là 3 tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây đang ăn gạo của Việt Nam. Mặc dù, họ có thể gây sức ép về giá vì họ là nhà nhập khẩu lớn, nhưng họ cũng không thể không ăn gạo Việt Nam. Năm ngoái, riêng Việt Nam nhập khẩu 21,6 tỷ USD linh kiện từ Trung Quốc, nếu Trung Quốc dừng việc xuất khẩu linh kiện cho Việt Nam, thì sẽ là đối tác không tin cậy trong mắt các nhà đầu tư, các đối tác lớn. Vì vậy, Trung Quốc cũng khó dừng xuất khẩu sang Việt Nam. Làm láng giềng với nước lớn, chúng ta phải tận dụng lợi thế vị trí địa lý của mình”, ông Lê Đăng Doanh nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tình rằng, muốn tự chủ về kinh tế, trước hết, chúng ta phải thay đổi chính mình. Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định, mặc dù xuất khẩu số lượng hàng hóa lớn nhất nhì thị trường nhưng chúng ta vẫn không quyết định được giá. Chúng ta lệ thuộc vào thị trường truyền thống, dễ dãi nhưng không ổn định, không vươn đến những thị trường có tiêu chuẩn cao hơn nhưng lại giá trị cao hơn.
Chuyên Lê Đăng Doanh đặt câu hỏi, vì sao quá nhiều dự án của chúng ta giao cho Trung Quốc, kể cả các dự án lớn, nhạy cảm. Các DN Trung Quốc là “bậc thầy” của hối lộ, lại quả và đã tác động xấu đến chính DN chúng ta. Để tự chủ, phải xem “chúng ta có thể chế mạnh, thể chế trung thành với đất nước không, có khả năng để phân biệt các giá trị khoa học công nghệ không, có đủ các rào cản kỹ thuật, luật pháp, chính sách để tự chủ hay không ?”.
Đại diện các hiệp hội cũng cho rằng, tự chủ kinh tế đã được bàn đến nhiều, nhưng rõ ràng chúng ta chưa biết phát huy nội lực của mình. Nhiều ý kiến đóng góp nhưng chưa được chú ý đúng mức.
Chốt lại vấn đề, các chuyên gia cho rằng dù sao đây cũng là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh những cải cách đã được đề ra. Để tự chủ, ứng phó với tình huống xấu, ông Võ Trí Thành đưa ra một loạt giải pháp như: Đối phó pháp lý, linh hoạt thị trường, đẩy nhanh ký kết các hiệp định FTA, đặc biệt là TPP, FTA Việt Nam – EU. Đồng thời, giám sát chặt tình hình để có phản ứng nhanh nhất trong các tình huống đột biến, ví dụ như sự việc tại Bình Dương, Hà Tĩnh vừa qua./.