Từ 2015, cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu
(Tài chính) Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có yêu cầu các cơ quan thực hiện nghiêm túc cam kết về thuế nhập khẩu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) của Việt Nam giai đoạn 2015-2018. Trước đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ, nêu quá trình thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia các khu vực mậu dịch tự do. Từ 2015-2018 sẽ bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu.
Tính đến năm 2014, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế đã cắt giảm xuống mức thuế suất 0%. Các FTA khác mà Việt Nam tham gia đạt tỉ lệ tự do hóa thấp hơn so với ASEAN, trung bình khoảng 30-40% số dòng thuế. Trong khi đó, mức độ tự do hóa của biểu thuế ưu đãi chung theo cam kết WTO (MFN) ở mức 32%.
Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế trong hầu hết các Hiệp định FTA chiếm khoảng từ 5-7% số dòng thuế, tập trung vào các nhóm hàng nhạy cảm, gồm: Thuốc lá, rượu, bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mạt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan (đường, trứng, lá thuốc lá) và các mặt hàng an ninh quốc phòng…
Riêng trong ASEAN, do mức độ cam kết cao, chỉ có hai nhóm hàng được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan gồm: Các mặt hàng công nghiệp nhạy cảm như gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường là được duy trì thuế suất 5%; các mặc hàng an ninh quốc phòng (vũ khí, đạn dược) hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe (cần sa, thuốc phiện)…
Theo cam kết, Việt Nam phải tiếp tục công bố lộ trình cắt giảm thuế quan của các FTA cho giai đoạn này và ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện ưu đãi thuế quan đặc biệt trong các FTA.
Để chuẩn bị công bố lộ trình, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều hình thức tham vấn rộng rãi dành cho các đối tượng là Bộ, ngành, hiệp hội, các tổng công ty và doanh nghiệp về hoàn thiện lộ trình cắt giảm thuế quan. Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện đợt tham vấn trong tháng 8/2014 đối với các ngành hàng nhạy cảm và thảo luận về các giải pháp chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trước tác động của hội nhập và tự do hóa thuế quan.
Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp chính sách chung và chính sách ngành. Về phía các cơ quan chức năng, cần tăng cường tuyên truyền cho DN về các cam kết của ta cũng như của các đối tác trong các FTA để DN tận dụng được cơ hội và chuẩn bị đối phó với thách thức đem lại. Các cơ quan chuyên ngành cần đánh giá, phân loại các nhóm ngành hàng, lĩnh vực bị ảnh hưởng hoặc có lợi thế để có các chính sách phát triển ngành phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc quy hoạch phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ cũng nên tiến hành đồng bộ trên cơ sở tham vấn DN để đưa ra chính sách phù hợp, nhất quán và minh bạch. Các điều kiện nội tại của nền kinh tế như cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và cơ chế chính sách… cũng cần được nâng cấp để thu hút đầu tư và hỗ trợ DN.
Trong quá trình thực hiện cam kết sẽ có những thay đổi về chính sách pháp luật, trong đó liên quan đến nhiều cơ quan, ban ngành, do vậy cần có sự phối hợp đồng bộ trong thực hiện và quản lý.
Các cơ quan chức năng khi thực hiện cam kết, nếu có vướng mắc từ phía DN có thể áp dụng các biện pháp tự vệ trong khuôn khổ quy định tại các Hiệp định FTA tương ứng.
Bộ Tài chính khuyến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về hội nhập cho DN và người tiêu dùng để có khả năng đối phó với tác động và tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại.
Chính sách ngành cần hỗ trợ DN mở rộng hợp tác, đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia và các ngành sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, chính sách phát triển gắn kết mạng sản xuất với chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng quốc tế.
Quảng bá, giới thiệu để DN trong nước liên kết với các công ty xuyên quốc gia, đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các hiệp hội ngành hàng và DN cần chủ động tích cực tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, góp ý trực tiếp và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để hoạch định chính sách.
Các Hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia đều dựa trên cơ sở lựa chọn đối tác phù hợp với chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Ngoài việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tham gia các khu vực mậu dịch tự do gồm: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA), ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), ASEAN – Úc – New Zealand (AANZFTA), ASEAN - Ấn Độ (AIFTA) và Việt Nam – Chile (VCFTA).