Tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập: Góp phần cơ cấu lại ngân sách

PV.

Đó là nhận định của ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) tại buổi họp báo chuyên đề về ''Đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và tình hình triển khai Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ" do Bộ Tài chính tổ chức chiều ngày 26/10/2016.

Ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi họp báo. Nguồn: internet
Ông Phạm Văn Trường - Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại buổi họp báo. Nguồn: internet

Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Trường cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng và trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP nhằm thúc đẩy các đơn vị sự nghiệp vươn lên, tăng cường khả năng tự chủ ở mức cao hơn, thúc đẩy khu vực sự nghiệp công phát triển nhanh, mạnh và bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội.

Triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP, Bộ Tài chính được giao xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Theo đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Nghị định 141/2016/NĐ-CP đã đưa ra các quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực như: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, lao động thương binh và xã hội, tư pháp, sự nghiệp khác.

Đánh giá về việc thực hiện các chính sách tự chủ mới đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, ông Phạm Văn Trường nhấn mạnh, đây là bước đi quan trọng góp phần thực hiện cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Phạm Văn Trường: "Khi các đơn vị tự chủ theo lộ trình, tự đảm bảo kinh phí hoạt động thì phần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị này sẽ được cơ cấu lại chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng dịch vụ sự nghiệp công như người nghèo, vùng sâu vùng xa".

"Khi các đơn vị trong lĩnh vực này thực hiện tự chủ, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực y tế sẽ chuyển sang hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm y tế.." - Ông Trường dẫn chứng trong lĩnh vực y tế. 

Điều này được nhận định sẽ tác động tích cực nhiều chiều, vừa thúc đẩy nhanh quá trình mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế vừa tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế.

Thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập còn góp phần tạo nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương, cải cách đối với các đơn vị vẫn còn được Nhà nước hỗ trợ, tăng chi cho các lĩnh vực trọng điểm, cấp bách mà Nhà nước đầu tư như: chương trình y tế dự phòng, giáo dục đào tạo...

Theo thống kê của Bộ Tài chính, việc đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu nhập bình quân của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp cũng tăng lên từ 0,5-1,5 lần so với trước đây.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Trường cũng thẳng thắn chỉ rõ, việc thực hiện Nghị định 16 vẫn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc ban hành các Nghị định chuyên ngành. Các bộ, địa phương triển khai vẫn chậm so với thời gian yêu cầu theo Quyết định số 695 của Thủ tướng Chính phủ.  

Bởi vậy, ông Trường cho rằng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành cần nhanh chóng xây dựng, ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu chí, tiêu chuẩn cho các dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý của bộ. Các địa phương khẩn trương ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập...