Từ chuyện VAMC không “ngồi chơi xơi nước”
(Tài chính) Cuối cùng thì những món nợ xấu đầu tiên cũng đã được bán cho Công ty Quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và hơn thế, theo thông tin từ chính báo chí, các ngân hàng đang xếp hàng để được VAMC mua nợ.
Trên nhiều tờ báo đã xuất hiện liên tục những thông điệp rằng VAMC sẽ không mua được nợ, hoặc mua được nợ rồi không biết bán cho ai, VAMC sẽ thất nghiệp, “ngồi chơi xơi nước”.
Có rất nhiều lý do được các chuyên gia đưa ra làm căn cứ cho những dự báo ấy, từ kinh nghiệm, nguồn nhân lực của VAMC cho đến niềm tin của các ngân hàng vào VAMC, đặc biệt là câu chuyện vốn điều lệ. Lập luận chung là với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, VAMC sẽ khó giải quyết được triệt để "cục máu đông" nợ xấu đã lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Thực tế thì, sau khi mua khoản nợ xấu đầu tiên từ Agribank, như lãnh đạo của VAMC cho hay, do có quá nhiều hồ sơ đăng ký gửi về, “cán bộ nhân viên VAMC phải làm việc thêm ngoài giờ và cả ngày nghỉ và hiện vẫn chưa phân loại được hết các khoản nợ để quyết định mua hay không”. Không chỉ ngân hàng trong nước xếp hàng bán nợ, theo thông tin của TS. Lê Xuân Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài cũng “xếp hàng” chờ để mua nợ xấu, trong số đó, có những nhà đầu tư “cá mập” của thế giới.
Rõ ràng những dự báo về việc các ngân hàng sẽ thờ ơ với VAMC đã không trở thành hiện thực. Nên nhìn và hiểu thế nào trước những dự báo và và thực tế trái ngược này?
Không thể yêu cầu các chuyên gia có ý kiến giống nhau trước một vấn đề kinh tế. Việc họ đưa ra những quan điểm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau và trái với quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, cũng là điều dễ hiểu. Vì thế, dù đã có những ý kiến từ chính các chuyên gia cho rằng giới chuyên gia nhiều khi cũng nói theo cảm tính trong khi “tất cả mọi phân tích về chính sách phải chuẩn mực chứ không thể chỉ nói theo ý của mình”, chuyên gia phải có trách nhiệm với phát ngôn của mình, thì cơ quan quản lý cũng không thể - và không nên - đưa ra yêu cầu như vậy với các chuyên gia.
Sau những đề nghị về trách nhiệm chuyên gia nói trên, một nhà kinh tế đã viết: Sẽ luôn có những ý kiến phản biện, thậm chí gay gắt, với lập trường và chính sách của Nhà nước. Càng có nhiều luồng ý kiến khác nhau thì những người ra quyết định càng có thông tin và lựa chọn khi ra quyết định. Trách nhiệm cuối cùng thuộc về các nhà chính trị và bộ máy mà các nhà chính trị này tuyển chọn. Đối với người phản biện, vấn đề sẽ thuộc về uy tín cá nhân của họ, nó có thể mang lại danh tiếng hoặc tai tiếng.
Phải nói rằng nhận định trên đây là hoàn toàn chính xác, nhưng chỉ đáng tiếc rằng trong thực tế, bên cạnh phần lớn những ý kiến thực sự sòng phẳng, tôn trọng người nghe dù có khác biệt, thậm chí trái ngược với quan điểm của người nghe, thì đâu đó vẫn có những góc nhìn không được như vậy.
Đã đành uy tín cá nhân là vấn đề lớn với các chuyên gia, nhưng với các nhà hoạch định chính sách, bên cạnh vấn đề uy tín cũng lớn không kém, còn có chuyện trách nhiệm. Các chuyên gia có quyền đưa các ý kiến, nhưng nhà hoạch định cũng có quyền lắng nghe hoặc không. Nếu nhà quản lý không thể yêu cầu các chuyên gia phải luôn nói đúng, chuẩn mực, luôn nói có bằng chứng rõ ràng, thì ngược lại, có lẽ các chuyên gia cũng không nên đòi hỏi rằng nhà quản lý phải nhất nhất làm theo ý kiến của mình, rằng không làm theo nghĩa là thiếu cầu thị. Nói cách khác, nếu nhà hoạch định chính sách hết sức tôn trọng quyền đưa ra ý kiến của chuyên gia, thì các chuyên gia cũng nên tôn trọng quyền lựa chọn chính sách của nhà hoạch định chính sách.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng, bản chất của kinh tế học là sự đa dạng, nghĩa là với một vấn đề cụ thể, không có một đáp số duy nhất đúng. Và không chỉ có vậy. Trong bài phát biểu hồi tháng 6 vừa qua trước các tân cử nhân đại học Princeton, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke đã nói rằng kinh tế học là một lĩnh vực tư duy rất phức tạp, và rất hiệu quả trong việc giải thích cho những người làm chính sách biết tại sao các quyết định của họ trong quá khứ lại sai lầm, nhưng về tương lai thì không giúp ích nhiều như vậy. Phát biểu này ít nhiều mang tính hài hước, nhưng cũng chứa đựng ít nhất một phần sự thật. Mà thực tế cuộc sống thì lại luôn đòi hỏi các chính sách mới và không dung thứ cho sự chậm trễ.
Đã có nhiều ý kiến nói rằng thời điểm hiện nay, cần phải có những con người dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp “nước sôi lửa bỏng”, sức ép từ dư luận với những phản biện trái chiều là cực lớn và do đó, việc đưa ra quyết sách đòi hỏi phải hết sức dũng cảm, mà VAMC là một ví dụ.
Dĩ nhiên, sẽ còn rất nhiều việc phải làm để xử lý những khoản nợ xấu đang làm nghẽn nền kinh tế. Cũng không thể khẳng định, mọi chính sách đã và sẽ đưa ra đều hoàn hảo và sẽ không có những sai lầm. Nhưng, như văn hào Lỗ Tấn từng viết, “trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, sẽ không thể xử lý nợ xấu và những vấn đề khác của nền kinh tế, nếu không quyết đoán bước những bước đầu tiên.