Từ đổi mới tư duy lý luận đến biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội ở Việt Nam

GS, TS. Lê Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(Tài chính) Quan điểm của V.I. Lê-nin về cấu trúc kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội là nền tảng cho việc nghiên cứu quá trình đổi mới tư duy lý luận về thành phần kinh tế và biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội.

Từ đổi mới tư duy lý luận đến biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội ở Việt Nam
GDP là kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn bộ lực lượng lao động xã hội. Nguồn: internet

Quan điểm của V.I. Lê-nin về cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội quá độ từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội

Ngay sau khi công bố bản báo cáo nổi tiếng của mình về “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô viết” vào cuối tháng 4-1918, V.I. Lê-nin đã phải viết và cho công bố trên báo Sự thật các số ra trong tháng 5-1918 một loạt bài phê phán “những người cộng sản cánh tả” ở chỗ họ đã không hiểu như thế nào là bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. V.I. Lê-nin chỉ ra rằng danh từ “quá độ” có nghĩa là nền kinh tế có nhiều thành phần đan xen của cả chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, cụ thể là năm thành phần kinh tế. Một loạt câu hỏi đặt ra, ví dụ, các thành phần này có cấu trúc như thế nào, quan hệ với nhau ra sao? Ai đấu tranh với ai? V.I. Lê-nin chỉ rõ: “Những người cộng sản cánh tả” ở Nga năm 1918 đã sai lầm khi cho rằng thành phần “chủ nghĩa tư bản nhà nước” đấu tranh với thành phần “chủ nghĩa xã hội”. V.I. Lê-nin chỉ ra, chủ nghĩa tư bản nhà nước không có gì đáng sợ bởi vì về mặt kinh tế thành phần này là một bước tiến to lớn đến gần chủ nghĩa xã hội hơn bất kỳ một thành phần nào khác. Về mặt chính trị, thành phần này chịu sự quản lý, kiểm soát của nhà nước do đảng cộng sản cầm quyền lãnh đạo, do vậy không phải lo sợ chệch hướng.

Trong bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội ở Nga thành phần kinh tế thứ năm (chủ nghĩa xã hội) và thành phần thứ tư (chủ nghĩa tư bản nhà nước) cùng nhau đấu tranh với tính tự phát tiểu tư sản thể hiện rất rõ ở thói đầu cơ trục lợi và sản xuất nhỏ, phân tán, manh mún của những người tư sản nhỏ, những người sản xuất hàng hóa nhỏ ở những thành phần còn lại mà đa số họ là nông dân. Về vị trí và vai trò của chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ ở Nga, V.I. Lê-nin đã phải tự trích dẫn lại quan điểm mà ông đã viết trước Cách mạng Tháng Mười năm 1917 như sau: “Chủ nghĩa tư bản độc quyền - nhà nước là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ đi vào chủ nghĩa xã hội, là nấc thang lịch sử, mà giữa nó (nấc thang đó) với nấc thang được gọi là chủ nghĩa xã hội thì không có một nấc nào ở giữa cả”(1). Như vậy, theo V.I. Lê-nin, cấu trúc nhiều thành phần kinh tế là một đặc trưng cơ bản của bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, trong đó thành phần cần phải được cải tạo xã hội chủ nghĩa mạnh nhất là thành phần tích tụ nhiều nhất tính tự phát tiểu tư sản, tệ đầu cơ của thành phần tiểu tư hữu, sản xuất hàng hóa nhỏ. Thành phần kinh tế cần được phát triển mạnh nhất là thành phần chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nhưng đó là xuất phát từ tình hình nước Nga Xô viết năm 1918 trong bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản chứ không phải từ xã hội nông nghiệp chậm phát triển lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này của V.I. Lê-nin do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng đã không được vận dụng một cách sáng tạo ở nước Nga Xô-viết những năm 1918 - 1920. Chính quyền Xô-viết đã phạm phải những sai lầm, ví dụ như đã quyết định chuyển ngay sang việc sản xuất và phân phối cộng sản chủ nghĩa, đã quá nóng vội và đi quá xa trong việc quốc hữu hóa thương nghiệp, công nghiệp, trong hợp tác hóa, tập thể hóa nông nghiệp và trong việc đình chỉ sự trao đổi, buôn bán địa phương mà không chú ý đến quan điểm rằng tất yếu phải trải qua một thời kỳ lâu dài, phức tạp của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong nhiều bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, chính sách kinh tế mới năm 1921 thực chất là sự trở lại quan điểm của V.I. Lê-nin năm 1918 về thời kỳ quá độ lâu dài, phức tạp của cấu trúc kinh tế - xã hội nhiều thành phần với các biện pháp quá độ(2).

Chính sách mới năm 1921 đòi hỏi phải thay “chế độ cộng sản thời chiến” với biện pháp trưng thu lương thực thừa bằng chế độ thu thuế lương thực đối với nông dân và trong khi chưa có một nền kinh tế công nghiệp lớn, kinh tế xã hội chủ nghĩa chưa đủ mạnh, chưa cải tạo được tính tự phát tiểu tư sản của những người sản xuất hàng hóa nhỏ nhưng chiếm đa số trong xã hội, thì nhà nước phải bảo đảm sự tự do trao đổi, tự do kinh doanh để huy động, thúc đẩy, phát triển lực lượng sản xuất. Năm 1918, V.I. Lê-nin nhấn mạnh sự cần thiết phải đấu tranh và cải tạo thành phần kinh tế tiểu nông, tiểu tư sản, tư bản tư nhân, nhưng năm 1921 xuất phát từ hoàn cảnh mới, “thời bình”, với chính sách mới V.I. Lê-nin cho rằng cần phải có những bước quá độ, biện pháp quá độ nhằm khuyến khích nền sản xuất tiểu nông, nền sản xuất hàng hóa nhỏ và giai cấp tiểu tư sản vì điều đó làm cho nền đại công nghiệp phát triển. V.I. Lê-nin chỉ ra rằng: không phải lo sợ việc giai cấp tiểu tư sản và tư bản nhỏ phát triển, cũng không phải sợ chủ nghĩa tư bản bởi vì đã có sự quản lý và kiểm soát của chính quyền nhà nước xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mà điều đáng phải lo sợ hơn lúc bấy giờ là tình trạng đói kém, thiếu thốn của công nhân, nông dân và sự chậm phát triển của các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư bản nhà nước, do vậy cần phải đấu tranh mạnh nhất với tệ quan liêu và những yếu kém trong lãnh đạo, quản lý đất nước(3). Từ đây có thể rút ra bài học là cần nhìn rõ sự thật, kịp thời nhận ra sai lầm để sửa chữa và việc đó có thể phải đòi hỏi trở lại điểm xuất phát lý luận để xem xét, đối chiếu, đánh giá tình hình mới trên cơ sở các bằng chứng khoa học nhằm đưa ra những chính sách mới, biện pháp mới nhằm định hướng, điều chỉnh sự biến đổi trong cấu trúc kinh tế - xã hội.

Vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin vào thời kỳ quá độ ở Việt Nam

Việt Nam chưa phải là nước công nghiệp mà là một nước nông nghiệp còn nghèo nàn, lạc hậu, lựa chọn con đường chưa từng có trong lịch sử nhân loại là đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa nên tất yếu gặp nhiều khó khăn, trở ngại và cả sai lầm như Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra vào năm 1986. Với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật Đảng đã xác định thời kỳ quá độ của Việt Nam là lâu dài với nhiều bước quá độ như V.I. Lê-nin đã nêu rõ từ năm 1918. Trong 6 Đại hội Đảng (từ năm 1986 đến 2011), Báo cáo chính trị tại Đại hội VI là bản báo cáo duy nhất đã trích dẫn câu viết của V.I. Lê-nin về điều này. Báo cáo này cũng ghi rõ là vận dụng quan điểm của V.I. Lê-nin coi nền kinh tế nhiều thành phần là đặc trưng của thời kỳ quá độ và xác định cấu trúc kinh tế nhiều thành phần của Việt Nam gồm: 1- thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm “khu vực quốc doanh và khu vực tập thể, cùng với bộ phận kinh tế gia đình gắn liền với thành phần đó”; 2- các thành phần kinh tế khác bao gồm “kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá (thợ thủ công, nông dân cá thể, những người buôn bán và kinh doanh dịch vụ cá thể); kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức, mà hình thức cao là công tư hợp doanh; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và các vùng núi cao khác”.

Về quan hệ giữa các thành phần của cấu trúc kinh tế - xã hội, năm 1986 Đảng đã nhận ra bài học là không thể nóng vội, làm trái quy luật trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với “các thành phần khác” như đã làm trong 10 năm trước. Chính sách này đã được sửa lại cho đúng theo nhận thức mới là: “đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, với những hình thức và bước đi thích hợp, làm cho quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, luôn luôn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất”. Tuy nhiên, trong vòng mười năm với hai kỳ đại hội tiếp theo, điều được sửa lại cho đúng này vẫn còn bị thực tiễn chứng tỏ là nóng vội và trái quy luật. Từ Đại hội VIII (năm 1996) đến nay, việc “cải tạo xã hội chủ nghĩa” đối với các thành phần kinh tế khác không còn được đặt ra nữa và thay vào đó là quan điểm coi các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, đều quan trọng, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Cũng từ năm 1996 đến nay cấu trúc hai thành phần gồm “thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa” và “thành phần khác” hoặc thành phần kinh tế “quốc doanh” và “ngoài quốc doanh” cũng không được áp dụng nữa.

Một cách tương ứng, cấu trúc hai thành phần của thị trường gồm “thương nghiệp xã hội chủ nghĩa” và “thị trường tự do”, trong đó Nhà nước vẫn tiếp tục sử dụng những biện pháp để cải tạo và xoá bỏ thương nghiệp tư bản tư nhân, đã tỏ ra không hiệu quả và gây nhiều khó khăn, trở ngại cho nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường trong suốt những năm đầu đổi mới. Cuối cùng, cấu trúc thị trường hai thành phần này cũng đã tự tiêu vong, nhường chỗ cho cấu trúc thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa từ năm 1996 đến năm 2001 và “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” từ năm 2001 đến nay. Cơ chế quản lý kinh tế cũng được đổi mới: từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa trong những năm 1986 - 1991, “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa” trong những năm 1991 - 2001, và “cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” từ năm 2001 đến nay. Như vậy, xuất phát từ quan điểm của V.I. Lê-nin về cấu trúc kinh tế - xã hội nhiều thành phần đặc trưng của thời kỳ quá độ, tư duy lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội đất nước ta đã được đổi mới theo hướng làm rõ mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những bước đi đầy khó khăn, phức tạp và phần nào thể hiện trong sự biến đổi cấu trúc tổng sản phẩm trong nước (GDP) và cấu trúc lao động xã hội.

Biến đổi cấu trúc GDP và đóng góp của các thành phần kinh tế - xã hội

Đổi mới tư duy lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội tất yếu dẫn đến những biến đổi về cấu trúc GDP phân chia theo các thành phần kinh tế ở Việt Nam trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, ở đây có thể thấy những khoảng cách nhất định giữa tư duy lý luận và cách xác định, thống kê các bằng chứng thực tế. Về các thành phần kinh tế, số liệu thống kê về GDP năm 1985 và 1991 chỉ cho biết cấu trúc gồm hai thành phần là “kinh tế quốc doanh” và “kinh tế ngoài quốc doanh”. Số liệu năm 1996 cho biết cấu trúc GDP của 6 thành phần, trong đó có cả thành phần kinh tế “hỗn hợp” mà sau này không thấy xuất hiện nữa. Số liệu thống kê năm 2000, 2005 và 2011 cung cấp thông tin thành ba nhóm: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó kinh tế ngoài nhà nước được chi tiết hóa thành kinh tế tập thể, tư nhân và cá thể. Tất cả các niên giám thống kê này đều không cung cấp thông tin về từng thành phần kinh tế, như kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế hộ gia đình, tiểu chủ, cá thể như đã được xác định rõ trong các Báo cáo chính trị của Đảng. Việc không thống kê đầy đủ, chi tiết và việc tính gộp các thành phần kinh tế phản ánh sự hẫng hụt, sự không theo kịp những đổi mới trong lý luận của công tác thống kê, do vậy cần sớm được khắc phục để giúp nhìn nhận, đánh giá đúng sự thật về vị trí, vai trò và phát hiện ra những biến đổi mới trong cấu trúc kinh tế - xã hội của kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cấu trúc tổng sản phẩm trong nước (GDP) phân theo các thành phần kinh tế, theo giá hiện hành, năm 1985 - 2011, Đơn vị tính: %

Thành phần

1985

1991

1996

2000

2005

2011

Biến đổi

Nhà nước

37

36,8

39,93

38,52

37,62

32,68

- 4,32

Ngoài nhà nước

63

63,2


48,20

47,22

49,27

- 13,73

Tập thể



10,03

8,58

6,65

5,16

- 4,87

Tư nhân



3.35

7,31

8,51

10,91

+ 7,56

Cá thể



35,25

32,31

32,06

33,20

- 2,05

Hỗn hợp



4,05





Đầu tư nước ngoài



7,39

13,28

15,16

18,05

- 10,66

Tổng cộng

100

100

100

100

100

100



Ghi chú: năm 1985, 1991 tổng sản phẩm xã hội được chia theo thành phần kinh tế quốc doanh và thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.

Nguồn: Tổng cục thống kê: Niên giám thống kê 1992, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1993, tr. 13; Niên giám thống kê 1999, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2000, tr. 23; Niên giám thống kê 2005, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2006, tr. 64; Niên giám thống kê 2012, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2013, tr. 146

Về tỷ trọng đóng góp của từng thành phần kinh tế trong GDP, bảng số liệu nêu trên cho thấy thành phần kinh tế nhà nước liên tục được khẳng định là đóng vai trò chủ đạo và về mặt kinh tế, tỷ trọng đóng góp GDP của thành phần này đã tăng và đạt gần 40% năm 1996, nhưng từ đó đến nay đã giảm và năm 2011 đạt ở mức 33%, giảm trên 4% so với năm 1985. Thành phần kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã cũng liên tục được khẳng định là một bộ phận góp phần tạo ra nền tảng của kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nhưng tỷ trọng đóng góp GDP của thành phần này đạt mức thấp nhất trong các thành phần và đã giảm gần một nửa từ 10,03% (năm 1996) xuống 5,16% (năm 2011). Trong cùng thời kỳ này, thành phần kinh tế tư nhân và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển rất nhanh với tỷ trọng đóng góp GDP tăng gấp 2 - 3 lần. Số liệu thống kê không cho biết tỷ trọng đóng góp của các thành phần kinh tế tiểu chủ, tư bản tư nhân, tư bản nhà nước, nên khó có thể phân tích một cách có bằng chứng khoa học về vị trí, vai trò và xu hướng biến đổi của các thành phần này trong cấu trúc nhiều thành phần kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua.

Trước tình hình này, tư duy quản lý kinh tế đã chuyển trọng tâm đánh giá vị trí, vai trò của từng thành phần kinh tế sang ý nghĩa, tầm quan trọng của từng thành phần chứ không phải dựa vào quy mô, số lượng, tỷ trọng trong GDP. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là xem nhẹ việc điều chỉnh cấu trúc của các thành phần kinh tế, trong đó có lẽ cần chú ý đến thành phần kinh tế cá thể. Vì không có số liệu thống kê về thành phần kinh tế tiểu chủ nên chỉ có thể thấy ngay là tỷ trọng GDP của kinh tế cá thể còn rất lớn (trên 33%) và giảm rất chậm trong suốt thời kỳ quá độ vừa qua. Điều này đặt ra vấn đề phải có chiến lược và biện pháp điều chỉnh phù hợp cấu trúc kinh tế - xã hội nói chung và thành phần kinh tế cá thể nói riêng theo hướng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước.

Biến đổi cấu trúc lao động - xã hội

GDP là kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn bộ lực lượng lao động xã hội. Do vậy, để hiểu rõ hơn về sự biến đổi cấu trúc kinh tế - xã hội thời gian vừa qua có thể cần phải xem xét cấu trúc lao động - xã hội. Niên giám thống kê cho biết năm 1991 trong tổng số gần 31 triệu lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế, thành phần quốc doanh thu hút được 10,48% lao động, thành phần tập thể: 58,34%, thành phần kinh tế cá thể: hơn 31%. Cuốn “Niên giám thống kê năm 1999” không cung cấp số liệu về lao động đang làm việc theo các thành phần kinh tế. Điều này thể hiện sự thiếu nhất quán trong việc cung cấp thông tin về thị trường lao động trong thời kỳ đổi mới vừa qua. Cuốn “Niên giám thống kê năm 2012” cung cấp số liệu về lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc tại thời điểm ngày 01-7 hằng năm phân theo thành phần kinh tế như sau: năm 2005, trong tổng số gần 43 triệu lao động, thành phần kinh tế nhà nước thu hút 11,6% lao động, kinh tế ngoài nhà nước là 85,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài: 2,6%. Năm 2012, tổng số lao động ước tính khoảng 51,7 triệu người được phân bổ lần lượt theo thành phần kinh tế nói trên là 10,4%, 86,3% và 3,3%. Vì các niên giám thống kê không cung cấp số liệu chi tiết về các thành phần kinh tế như đã xác định nên có thể cần phải tra cứu số liệu “Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009”(4). Trong tổng số trên 47,7 triệu lao động có việc làm năm 2009, thành phần kinh tế hộ gia đình, cá thể, cá nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất là 80,1%, kinh tế nhà nước: 9,6%, kinh tế tư nhân: 6,5%, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: 3,4%, kinh tế tập thể: 0,3% và kinh tế khác: 0,1%.

Tuy niên giám thống kê không cung cấp số liệu chi tiết về các thành phần kinh tế nhưng số liệu tổng điều tra dân số vừa nêu cho thấy: thành phần kinh tế nhà nước không đóng vai trò chủ đạo trong tạo ra việc làm, khi thành phần này chỉ thu hút được khoảng 10% tổng số lao động. Thành phần kinh tế tập thể mặc dù được xác định là một bộ phận nền tảng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng chỉ tạo ra được một tỷ trọng việc làm rất nhỏ bé. Thành phần kinh tế tư nhân và thành phần có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển và tăng dần tỷ trọng việc làm cho xã hội. Tỷ trọng lao động trong thành phần kinh tế hộ gia đình, cá thể, tiểu chủ vẫn còn rất lớn, trên 80% vào năm 2009. Do vậy, về mặt lý luận nhận thức cần phải làm rõ tỷ trọng đóng góp của từng thành phần kinh tế như đã được xác định và về thực tiễn cần xây dựng chính sách để điều chỉnh trên cơ sở các bằng chứng khoa học đối với cấu trúc kinh tế - xã hội của các thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, trong thời gian qua, tư duy lãnh đạo quản lý kinh tế - xã hội ở nước ta đã được đổi mới một cách cơ bản bắt đầu bằng sự vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I. Lê-nin về nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đặc trưng cho bước quá độ sang chủ nghĩa xã hội vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Thành công nổi bật nhất của quá trình đổi mới nhận thức này thể hiện rõ ở quan điểm của Đảng năm 1996 về cấu trúc gồm bảy thành phần kinh tế. Nhưng sau đó, việc xác định các thành phần kinh tế trở phức tạp và khó khăn theo hướng phân biệt hình thức sở hữu với cơ chế quản lý và hình thức doanh nghiệp nhưng lại gộp các thành phần khác nhau, như tiểu chủ, cá thể, hộ gia đình vào thành phần kinh tư nhân. Trong khi đó, thành phần kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã mặc dù đóng góp rất nhỏ bé trong cấu trúc GDP và cấu trúc lao động - xã hội nhưng vẫn luôn được được đánh giá là một bộ phận nền tảng và được khuyến khích phát triển mạnh. Thành phần kinh tế tư bản nhà nước vốn được V.I. Lê-nin đánh giá rất cao trong bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội và do vậy cũng đã được nêu tên trong các thành phần kinh tế ở nước ta ngay từ năm 1986 đến nay, nhưng trên thực tế chưa thấy có số liệu thống kê chính thức nào về tỷ trọng đóng góp của thành phần này trong GDP và lao động xã hội. Thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa từng được coi là bao gồm thành phần kinh tế quốc doanh, tập thể và bộ phận kinh tế gia đình vào đầu thời kỳ đổi mới năm 1986 - 1991, nhưng sau đó không còn được định danh trong nền kinh tế nhiều thành phần nữa. Rõ ràng đây là những vấn đề cần được tiếp tục nhìn nhận đúng đắn để tiếp tục đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Có thể cần phải làm rõ những vấn đề này và những vấn đề khác về cấu trúc kinh tế - xã hội, nhất là các thành phần như kinh tế xã hội chủ nghĩa, tư bản nhà nước, tiểu chủ, cá thể, kinh tế hộ gia đình, thành phần kinh tế tự nhiên và các thành phần khác cũng như toàn bộ mô hình kinh tế - xã hội để có chính sách khuyến khích phát triển và chuyển đổi cho phù hợp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khoa học lãnh đạo, quản lý hiện đại chỉ ra rằng, chỉ có thể quản lý những gì được đo lường, được đánh giá một cách khoa học. Do vậy, một mặt, cần cung cấp số liệu thống kê, khảo sát đầy đủ, chính xác về từng thành phần kinh tế như đã được xác định rõ trong các văn kiện của Đảng. Ví dụ cần có thông tin khoa học về kinh tế - lao động - xã hội của từng thành phần kinh tế, kể cả những thành phần đã được nêu tên nhưng còn thiếu số liệu thống kê, như thành phần kinh tế tư bản nhà nước, thành phần kinh tế tiểu chủ, kinh tế gia đình, kinh tế cá thể, thành phần kinh tế hỗn hợp. Mặt khác, từ góc độ đổi mới tư duy lý luận và trên cơ sở các số liệu thống kê, khảo sát cần phân tích một cách khoa học những biến đổi trong cấu trúc kinh tế - xã hội của các thành phần kinh tế quốc dân. Ví dụ cần phải đánh giá đúng sự thật về vị trí, vai trò của từng thành phần như thành phần kinh tế tập thể, thành phần kinh tế tư bản nhà nước, thành phần kinh tế tư nhân và nhất là thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa trong mối tương tác, đấu tranh, hợp tác và biến đổi của các thành phần, các bộ phận và cả nền kinh tế quốc dân trong điều kiện đổi mới hiện nay./.

--------------------------------------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ - Mát-xcơ-va, 1978, t 36, tr. 371

(2) Trong bài viết 53 trang của mình vào tháng 5-1921 về thuế lương thực: ý nghĩa của chính sách mới và điều kiện của chính sách ấy, Lê-nin đã đưa vào phần đầu nguyên văn 17 trang về thời kỳ quá độ từ tác phẩm “Về bệnh ấu trĩ tả khuynh...” do ông viết năm 1918. Xem: V.I. Lê-nin (năm 1921). “Bàn về thuế lương thực (Ý nghĩa của chính sách mới và những điều kiện của chính sách ấy)”, Toàn tập, Nxb Tiến bộ - Mát-xcơ-va, 1978, t 43, tr. 244 - 296

(3) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ - Mát-xcơ-va, 1978, t 43, tr. 99 - 101, 103

(4) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương: Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương năm 2009: Các kết quả chủ yếu, Nxb Thống kê, Hà Nội, 2010, tr. 112