Tự “lập rào” ngăn sở hữu chéo
(Tài chính) Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó TGĐ HNX, bản chất sở hữu chéo không xấu, nhưng sự phức tạp và hệ lụy của nó khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Do đó, các cổ đông nên tự quyết định tỷ lệ sở hữu của cổ đông để kiểm soát tình trạng sở hữu chéo…
Tại cuộc họp báo ngày 16/4, lãnh đạo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chia sẻ về tình trạng sở hữu chéo tồn lại lâu nay tại các công ty cổ phần. Thực tế, nhiều cổ đông của các công ty niêm yết đã mua cổ phần lẫn nhau, công ty “con” mua cổ phần công ty mẹ, công ty “cháu”… khiến cho vốn điều lệ ghi sổ tăng nhanh “thần tốc”. Trong khi đó, Luật doanh nghiệp năm 2014 đã siết chặt và cấm sở hữu chéo ở một số trường hợp.
Vì sao khó phát hiện?
Thừa nhận sự tồn tại của sở hữu chéo, ông Trung cho rằng bản chất sở hữu chéo không xấu, là bình thường và không bị cấm ở nước ngoài. Miễn là thực hiện công khai minh bạch. Tuy nhiên, ở lĩnh vực ngân hàng, có trường hợp đặc biệt sở hữu chéo để thực hiện các quy định có tính hình thức.
Dẫn chứng là ngân hàng A cần tăng vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng ngay trong năm nhưng không huy động được ở đâu. Do đó, ngân hàng A phải “nhờ” ngân hàng B mua cổ phần của mình. Đổi lại, ngân hàng A mua cổ phần ngân hàng B với quy mô vốn tương ứng để cả hai cùng “hoàn thành nhiệm vụ”. Nhưng sau đó, ngân hàng có sở hữu chéo phải chịu gánh nặng tài chính lớn và trả giá đắt…
Thực tế là vậy và Luật doanh nghiệp đã siết chặt vấn đề sở hữu chéo trong công ty cổ phần. Song, việc phát hiện và xử lý sở hữu chéo vượt quy định dường như lại chưa có kết quả?
“Việc cổ đông sở hữu chéo là quan hệ cá nhân giao dịch trên thị trường nên các Sở giao dịch rất khó phát hiện. Nếu trường hợp HNX phát hiện sở hữu chéo vượt quy định ở ngân hàng, sở sẽ báo cáo cơ quan Thanh tra giám sát NHNN. Nhưng, đến thời điểm này, quy định sở hữu chéo bao nhiêu và thế nào vượt trần thì các bộ ngành tự quy định”- Ông Trung giải thích.
Sở hữu chéo hiện là vấn đề nan giải, đã tồn tại trong nhiều công ty cổ phần
Riêng với lĩnh vực ngân hàng, Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư 36 đã khống chế tỷ lệ sở hữu của cổ đông tối đa là 5% (một cá nhân) và 15% (một tổ chức). Cổ đông và bên có liên quan không được sở hữu vượt 20% vốn điều lệ ngân hàng. Hơn thế, Thông tư 36 đã quy định rõ, một ngân hàng chỉ được sở hữu tối đa 2 ngân hàng và tỷ lệ không vượt 5% vốn điều lệ.
Còn ở doanh nghiệp, để kiểm soát sở hữu chéo, ông Trung cho rằng các cổ đông nên tự quyết định tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông và cổ đông nước ngoài như việc “lập rào” ngăn chặn thâu tóm doanh nghiệp. Còn tỷ lệ sở hữu cụ thể là bao nhiêu và tỷ lệ nào phải trình Đại hội cổ đông quyết định sẽ phụ thuộc vào tính đại chúng của từng công ty.
Mới siết phần “ngọn”
Sở hữu chéo hiện là vấn đề nan giải, đã tồn tại trong nhiều công ty cổ phần, nhất là có nhóm cổ đông lớn chi phối quyền lực. Khi sở hữu cổ phần chéo lẫn nhau, xét về quy mô vốn và tổng tài sản tăng rất lớn, nhưng thực chất là số “ảo”, và có thể “bốc hơi” nếu các bên rút vốn.
Hệ quả sở hữu chéo cũng đã thấy rõ, được ghi nhận tại nhiều công ty ở lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… Nhất là trong một số ngân hàng, ảnh hưởng của sở hữu chéo được ví như “vòi bạch tuộc” đã lũng đoạn, chi phối và gây bất ổn hệ thống tài chính.
Bà Vũ Thị Thúy Ngà, Giám đốc phòng quản lý niêm yết (HNX), lưu ý Luật doanh nghiệp năm 2014 là đã quy định cụ thể 3 trường hợp cấm sở hữu chéo. Đó là, cấm công ty con không được góp vốn, mua cổ phần công ty mẹ; các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau; các công ty con của cùng một công ty mẹ mà trong đó, Nhà nước sở hữu trên 65% vốn điều lệ không được cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp.
Thế nhưng, quy định này mới chỉ siết được các cổ đông là công ty, còn thực tế, chưa có biện pháp nào để kiểm soát sở hữu chéo của những cổ đông cá nhân – chủ của các nhóm công ty liên quan!
Để tăng cường quản trị công ty và minh bạch thông tin ở công ty cổ phần, sắp tới, hai sở giao dịch HNX và HOSE sẽ tổ chức đồng thời Tuần lễ quản trị công ty lần thứ 2 để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm. Qua đó, khuyến khích doanh nghiệp tự nâng cao chất lượng quản trị công ty, để nâng hiệu quả hoạt động và đảm bảo quyền lợi của cổ đông…
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi tư duy và chú trọng đến vấn đề quản trị công ty hơn. Nhất là thực hiện theo các nguyên tắc quản trị công ty của OECD.
Dù vậy, hiện vẫn còn không ít tồn tại, yếu kém trong quản trị công ty của nhiều doanh nghiệp. Đơn cử, HNX đã từ chối hồ sơ của doanh nghiệp khi phát hiện một Chủ tịch HĐQT công ty đã vay 5-10 tỷ đồng của công ty. Việc vay tiền cá nhân này là không đúng, hưởng lợi từ tiền của doanh nghiệp… và HNX đã yêu cầu phải thu hồi ngay.
“Ở nước ngoài, họ làm kỹ vấn đề giao dịch của những người có liên quan trong Báo cáo thường niên và minh bạch thông tin. Nhưng, điều này cũng khó đảm bảo trong thực tế ở Việt Nam, vì khi Đại hội cổ đông đã biểu quyết chọn các cổ đông đó giữ vị trí lãnh đạo, chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính… thì khó cự cãi được. Nhưng, rõ ràng, giao dịch của các bên có liên quan là vấn đề lớn”- Ông Trung nhấn mạnh.