Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc Trần Quang Phương, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai (THTK, CLP) đoạn 2016-2021.
Cơ cấu chi NSNN chuyển biến tích cực
Trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Đoàn giám sát đã làm việc, giám sát trực tiếp với Chính phủ, 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương, 15 địa phương và khối cơ quan Tư pháp. Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng, nên đã huy động một lực lượng lớn tham gia. Qua triển khai việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP giai đoạn 2016-2021 đã mang lại kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường dẫn chứng, qua giám sát, công tác quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn Nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Tổng thu và quy mô thu NSNN 5 năm giai đoạn 2016-2020 tương ứng đạt 6,918 triệu tỷ đồng và bình quân đạt 25,3% GDP, vượt mục tiêu đề ra và gấp 1,66 lần giai đoạn 2011-2015.
Cơ cấu chi NSNN chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi NSNN năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020; giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên từ 64,9% tổng chi NSNN năm 2017 xuống dưới 64% năm 2020 theo đúng mục tiêu đề ra, nhưng vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng.
Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường. Quy hoạch, kế hoạch phân bổ quỹ đất bảo đảm cho thực hiện Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Công tác giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã đề ra. Nguồn thu từ đất góp phần tăng thu đáng kể cho NSNN.
Một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ như: Ninh Bình với 725 dự án treo, diện tích 1.795 ha; Đồng Nai với 376 dự án, diện tích 3.875 ha; Bình Dương với 289 dự án, diện tích 2.283 ha; Kiên Giang với 206 dự án, diện tích 2.075 ha; Hậu Giang huỷ bỏ 141 dự án...
Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể như, việc chấp hành pháp luật còn chưa nghiêm. Trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng; việc lập, thẩm định dự toán NSNN chưa sát thực tế, kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm; việc giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm...
Ngoài ra, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí; tỷ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.
Tình hình quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin, y tế chưa triệt để tiết kiệm, chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí. Số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán và chuyển nguồn hằng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng. Quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương chưa chặt chẽ, hiệu quả, trong khi số chuyển nguồn cải cách tiền lương tiếp tục xu hướng tăng cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để THTK, CLP thực sự làm một quốc sách hàng đầu; tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK, CLP; Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác THTK, CLP; đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình THTK, CLP 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.
Trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến THTK, CLP bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về THTK, CLP trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản…