Từ ngày 15/9: Áp dụng quy định mới về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc


Ngày 28/7/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, trong đó quy định hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo Nghị định, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí để khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động khi người lao động có đủ các điều kiện: có thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) đủ từ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí khám bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh nghề nghiệp sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.

Về thời gian, tiền lương tháng làm căn cứ tính hưởng chế độ TNLĐ-BNN, Nghị định quy định như sau:

Thứ nhất, thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ TNLĐ-BNN là tổng thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN của NLĐ, không kể thời gian đóng trùng của các HĐLĐ; thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN nếu không liên tục thì được cộng dồn; thời gian NLĐ giữ các chức danh theo quy định tại Nghị định số 09/1998/NĐ-CP trước ngày 01/01/1998 mà được tính hưởng bảo hiểm xã hội thì thời gian đó được tính hưởng chế độ TNLĐ-BNN

Thứ hai, thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian không làm việc hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì tháng đó người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm TNLĐ-BNN và tháng đó không được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này.

Thứ ba, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng người sử dụng lao động không phải đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN nhưng được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.

Riêng đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, Nghị định quy định rõ:

Trường hợp HĐLĐ hết thời hạn trong thời gian NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi HĐLĐ hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi HĐLĐ hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN;

Thời gian hưởng chế độ thai sản của NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi quy định tại khoản 4 Điều 31 của Luật Bảo hiểm xã hội không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN;

Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật Bảo hiểm xã hội nhưng người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN;

Trường hợp người cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng, người mẹ nhờ mang thai hộ, người cha nhờ mang thai hộ hưởng chế độ thai sản mà không nghỉ việc thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN.