Từ tái cấu trúc kinh tế đến đầu tư công

TS. Phạm Đỗ Chí (Theo TBKTSG)

Sau khi việc tái cấu trúc Vinashin được công bố, những vấn đề dài hạn như tái cấu trúc nền kinh tế và tài chính công, đặc biệt là quản trị các doanh nghiệp nhà nước, lại xuất hiện nổi cộm như những ưu tiên chính sách mới, nhất là khi Chính phủ đang chuẩn bị các chương trình kinh tế - xã hội cho 5 và 10 năm tới.

Vấn đề dài hạn trong việc tái cấu trúc nền kinh tế

Chuyện nợ lớn và khủng hoảng tài chính của Vinashin vừa mới đây đã đặt lại những vấn đề dài hạn về chi tiêu và nợ công của Chính phủ cũng như hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Ngày 16-7-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có bài viết về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 10 năm tới, đặc biệt nhấn mạnh ba điểm:

- Mục tiêu cấp bách tái cấu trúc nền kinh tế;

- Cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các tổng công ty nhà nước vốn nhận nhiều ưu đãi;

- Vai trò tác động của các doanh nghiệp tư nhân trong tương lai.

Đây là vấn đề cần thời gian suy nghĩ và chắc chắn sẽ được Chính phủ thảo luận nhiều hơn trong thời gian tới cho các lộ trình chính sách năm năm (2011-2015) và 10 năm (2011-2020). Nhưng tựu trung, chúng tôi thấy có hai khía cạnh chính:

- Thay đổi căn bản trong kế hoạch đầu tư quốc gia nhằm: (i) làm giảm các thất thoát lãng phí khổng lồ trong các công trình đầu tư, nhất là các dự án với nguồn vốn quốc gia hay vốn ODA và các nguồn vốn tư nhân nước ngoài; (ii) tăng hiệu quả đầu tư bằng cách thật sự nâng cao vai trò của khu vực tư nhân và áp dụng kế hoạch đầu tư mới bớt dùng vốn công hơn; và (iii) góp phần làm giảm hệ số ICOR giữa nhu cầu đầu tư và độ tăng trưởng đang quá cao của Việt Nam, phản ánh cùng lúc nạn thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư công.

- Đặt ra vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn nhằm chặn đứng tâm lý lạm phát phải đối phó từng năm như trong thời gian gần đây.

Từ tái cấu trúc kinh tế và guồng máy sản xuất...

Kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng GDP hàng năm cao trong thập niên qua, nhưng vẫn chưa “phát triển” được theo đúng nghĩa toàn bộ của nó, do thiếu tính bền vững, thiếu chất lượng cao về các vấn đề xã hội như môi trường. Hạ tầng cơ sở cũng như nền giáo dục mỗi ngày một xuống dốc cần thay đổi để tạo sức cạnh tranh cần thiết cho nền kinh tế trong thập niên tới.

Nếu muốn tăng cường vai trò của khu vực tư nhân - một bước đi mới, quyết đoán trong tương lai - những chính sách thích hợp gồm cả tiền tệ lẫn tài khóa cần được nghiên cứu để đẩy mạnh đầu tư và sản xuất tư nhân qua việc thay đổi động cơ kinh doanh, cân bằng rủi ro và lợi nhuận cho hoạt động đầu tư.

Với cơ chế và động cơ khuyến khích hiện nay, dường như đối với khu vực tư nhân những hoạt động đầu tư dài hạn có rủi ro cao lại có khả năng thu lợi thấp hơn những hoạt động đầu cơ ngắn hạn vào thị trường bất động sản. Việc này tạo những cơn “sốt”, “bong bóng” trên thị trường trong nước - nhất là trong khu vực bất động sản - và tiềm ẩn rủi ro cho khu vực tài chính ngân hàng nếu không được giám sát.

Yếu tố cốt lõi là mô hình tăng trưởng từ 20 năm qua, dựa trên khuyến khích xuất khẩu và đầu tư cao với FDI và đầu tư của khu vực công, cần được tái cấu trúc.

Cần một chiến lược mới phát huy tốt hơn lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu và gia tăng các ngành công nghiệp phụ trợ, đồng thời với việc phát triển thị trường trong nước bằng những mặt hàng có chất lượng cao hơn. “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” có thể là chính sách khả thi với nhiều tiềm năng.

Để dựa vào phát triển nội lực, cơ bản là phải cải thiện chất lượng hoạt động điều hành và nguồn nhân lực trong khu vực công bằng cách kiên quyết thực hiện cải cách hành chính, chế độ tiền lương hợp lý hơn nhằm tăng năng suất (thí dụ: một người làm việc thay cho hai người có thể được hưởng lương gấp đôi), và tăng cường giám sát, minh bạch trong hệ thống.

Kinh tế đất nước hiện chủ yếu “phát triển theo chiều rộng” dựa vào các ngành khai thác tài nguyên và lao động chi phí thấp. Giải pháp là cần một quá trình thay đổi trung và dài hạn theo chiều sâu với một cơ cấu mới về phân bố và sử dụng nguồn lực của nền kinh tế một cách hợp lý và hiệu quả hơn. Để làm được việc này, Việt Nam cần có chính sách phù hợp để phát triển khu vực doanh nghiệp qua việc thay đổi động cơ và khuyến khích hoạt động đầu tư như đã nói ở trên.

Cơ cấu sản xuất hiện tại luôn đưa đến nhập siêu cao và gây áp lực thường trực trên cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá. Do đó một trong những nhiệm vụ cấp thiết khác là giải quyết vấn đề nhập siêu khi có tốc độ tăng trưởng bền vững hơn.

Các nền kinh tế khác ở Đông Á, sau khi có cùng vấn đề nhập siêu và mất cân bằng cán cân vãng lai cao ở 1-2 thập niên đầu của chu kỳ tăng trưởng nhanh, thường đạt được mức xuất siêu đáng kể sau đó để có tăng trưởng bền vững do không bị áp lực của cán cân thanh toán, và sau đó còn có thể tăng nhanh quỹ dự trữ ngoại hối như một gối dựa (cushion) tài chính vững chắc. Chúng ta sẽ cần một dự án tái cấu trúc toàn diện guồng máy sản xuất để giải quyết lâu dài vấn đề nhập siêu.

Chúng ta cũng sẽ cần một dự án cải cách toàn diện nền giáo dục - nhất là giáo dục đại học - để chuyển dịch nhanh hơn nền kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ với nhiều chú trọng hơn về công nghệ thông tin chẳng hạn.

Sau hết là một dự án nhằm vào việc công nghiệp hóa nông thôn nhanh hơn với các công nghệ nhằm tăng năng suất nông nghiệp và cải thiện mãi lực của khu vực nông thôn. Cần kêu gọi khẩn trương tăng tốc phát triển khu vực nông thôn và cải thiện đời sống nông dân, nhất là phát triển một nền nông nghiệp sạch để giải quyết đồng thời vấn đề môi trường và hướng vào xuất khẩu các nông sản sạch đang có nhu cầu tăng cao trên thị trường khu vực (như từ Nhật và Hàn Quốc) và quốc tế.

...Tới vấn đề đầu tư công

Vấn đề nan giải nhất là tỷ lệ đầu tư/GDP hiện tại của Việt Nam ở mức quá cao, 42%, do chiến lược dùng đầu tư cao của khu vực nhà nước để đạt mức tăng trưởng cao hàng năm. Đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hiệu quả trong đầu tư và tỷ lệ thất thoát cao. Do đó, ưu tiên quan trọng là phải giảm tỷ lệ đầu tư này bằng nhiều biện pháp quyết liệt gồm thay đổi guồng máy đầu tư nhà nước và giảm ngân sách đầu tư công hàng năm trong năm năm tới.

Bước đột phá đề nghị là cải cách hành chính trong hoạt động đầu tư công:

- Tách cơ quan quản lý khỏi kinh doanh.

- Ban hành một “Luật Đầu tư công” tập trung vào việc tăng minh bạch công khai trong mua sắm và cơ chế giám sát, kiểm toán hiệu quả hơn với các dự án sử dụng vốn nhà nước.

- Tăng cường năng lực cho các tổ chức thanh tra giám sát các hoạt động đầu tư công như kiểm toán nhà nước, thanh tra chính phủ cũng như vai trò giám sát và phản biện của Quốc hội với những dự án lớn và quan trọng.

Bước cụ thể là tăng hiệu quả đầu tư, cần giảm tỷ lệ đầu tư/GDP từ mức 42% hiện tại xuống còn 30% vào năm 2015 bằng cách gia tăng đầu tư tư nhân, giới hạn mức đầu tư công xuống tối đa là 20% của GDP vào năm 2015, nhằm giảm chỉ số ICOR mà không làm phương hại đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-7% trong 5-10 năm tới.Riêng đầu tư nhà nước sẽ chú trọng hơn vào phát triển hạ tầng, với việc tăng tốc chương trình hợp tác công tư (Public-Private Partnership Program - PPP) để tăng cường vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực trọng yếu này.

Nhiều nước tận dụng mô hình truyền thống như công ty cổ phần hay quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng tư nhân để xã hội hóa hoạt động đầu tư và Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ kinh nghiệm của nước ngoài trong lĩnh vực này. Một trong các điểm mấu chốt cho thành công của mô hình này là quản trị doanh nghiệp minh bạch hơn và có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các nhà đầu tư.