Tư tưởng yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Yêu nước, thương dân là những nội dung cơ bản trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa lịch sử và giá trị nhân văn sâu sắc. Tư tưởng thi đua ái quốc của Người dựa chắc trên nền tảng truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Yêu nước, thương yêu đồng bào, chiến sĩ, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng đất nước. Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống yêu nước, thương dân được quy tụ, tập hợp, khơi dậy, tôi luyện và phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta lập nên những kỳ tích lịch sử, tô thắm thêm trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Tư tưởng yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần kêu gọi, cổ vũ toàn dân, toàn quân thực hiện mục tiêu cao cả, thiêng liêng: Vì nước, vì dân, động viên cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ra sức thi đua yêu nước, coi thi đua yêu nước là động lực nội sinh, quyết giành độc lập, tự do cho đất nước, mang lại đời sống hòa bình, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Người chỉ rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, làm cho nước ta mạnh lên, dân ta được sống hạnh phúc.
Một trong những bài học quý giá của Lời kêu gọi thi đua ái quốc là Bác đã chỉ ra động lực tinh thần yêu nước, thương dân của đồng bào, chiến sĩ, từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân; giúp họ có được khả năng mới, ý chí chiến đấu mới, ham mê sáng tạo trong chiến đấu, lao động và sản xuất.
Động lực ấy dựa chắc trên cơ sở niềm tin vào sức mạnh, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc của nhân dân và chính điều đó giúp nhân dân, cán bộ và chiến sĩ vượt qua mọi gian khổ, khó khăn, thử thách trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân” và “… Ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi”.
Chính niềm tin yêu lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào, chiến sĩ là động lực to lớn để quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy và nhân lên sức mạnh của nhân dân, của bộ đội, để muôn người cùng một lòng một dạ vì nước, vì dân; có tinh thần, ý chí và nghị lực phi thường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; phát huy tiềm lực chính trị-tinh thần trong thực tiễn bằng việc làm cụ thể, thiết thực.
Yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ ở quan điểm việc gì có lợi cho nước, cho dân thì làm, làm cho tốt. Theo Người, thi đua yêu nước không phải là sự áp đặt chủ quan, duy ý chí mà bắt nguồn từ yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; xây dựng và củng cố chế độ mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trong chế độ cũ, dưới ách cai trị hà khắc và bóc lột dã man, tàn bạo của thực dân Pháp, người dân phải nai lưng ra làm việc cho chủ, bán sức lao động, làm thuê để kiếm sống nhưng họ vẫn bị chết đói, chết rét. Từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chế độ xã hội mới ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta phát huy vai trò quyền làm chủ nước nhà, hăng hái lao động, sản xuất, xây dựng cuộc sống mới. Đó là cách tốt nhất để đem lại cuộc sống hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho chính mình.
Tư tưởng yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người thể hiện rõ lòng yêu nước, yêu chế độ mới của mỗi người dân Việt Nam trên cương vị làm chủ của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc”. Thi đua yêu nước trở thành một phẩm chất nhân cách tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ và người dân lao động trong chế độ xã hội mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở việc chống lãng phí sức người, sức của, gây thiệt hại cho chế độ và nhân dân.
Người nhiều lần căn dặn, muốn thi đua đạt thành tích cao, chống hình thức, lãng phí sức người, sức của, không "đầu voi đuôi chuột", thì mọi người đều phải thông suốt tư tưởng và hăng hái thi đua; đồng thời, trong thi đua phải có sự lãnh đạo chặt chẽ, lấy chất lượng, hiệu quả làm chính, phải bảo đảm tính thiết thực và toàn diện, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và bộ đội. Trong thi đua, phải nêu cao khí phách, phải kịp thời biểu dương cái hay, cái tốt mà chiến sĩ và người dân đạt được.
Yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở đạo lý sống có tình có nghĩa, luôn tận tâm, tận lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, chăm lo, bảo vệ nhân dân. Theo Người, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng nhân dân.
Sứ mệnh lịch sử vẻ vang của sự nghiệp ấy là lo làm sao cho: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân biết đọc, biết viết. Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới để diệt ngoại xâm…”. Vậy nên, mọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải gắn bó chặt chẽ với nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, thực sự là công bộc của dân. Bộ đội phải là bộ đội của nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng ta gặp muôn vàn khó khăn, nhất là thiếu lương thực, thực phẩm và thuốc men, vũ khí, đạn dược... Để vượt khó khăn đó, trước hết là phải cứu đói và có đủ lương thực, thực phẩm để bộ đội được ăn no đánh thắng giặc.
Người đã phát động phong trào “hũ gạo kháng chiến” và chính Người đã tự bớt khẩu phần ăn của mình hằng ngày để làm gương cho cán bộ, đảng viên noi theo. Người cũng luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải kiểm tra chặt chẽ tài sản công và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm đạo đức người cách mạng như tham ô, hối lộ, lãng phí, hủ hóa… để làm gương.
Yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những nội dung cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh; đã và đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quán triệt, thực hiện nghiêm túc trong sự nghiệp cách mạng, đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tri thức và tác động, ảnh hưởng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cùng với đó là tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường...
Tình hình, bối cảnh đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa tư tưởng yêu nước, thương dân trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước, thương dân của cán bộ, chiến sĩ và mỗi người dân Việt Nam, đưa phong trào thi đua yêu nước lên tầm cao mới, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra, sớm đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.