Tỉnh Đắk Lắk:

Từng bước hướng tới phát triển đô thị bền vững

Theo Khả Lê/Báo Đắk Lắk

Với bất cứ địa phương nào, đô thị hóa đúng hướng luôn là quá trình tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Ở thời điểm gia tăng toàn cầu hóa và cạnh tranh kinh tế quốc tế, việc tìm kiếm mô hình quản lý và chính sách phát triển đô thị phù hợp đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều tỉnh thành.

 Phối cảnh Dự án Khu đô thị Ecocity Premia tại Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Khả Lê
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Ecocity Premia tại Km7, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Khả Lê

Chiến lược trong quy hoạch

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Lập, năm 2021 là năm mà phần lớn các quy hoạch xây dựng đến kỳ phải rà soát. Có đến 80% quy hoạch chung nông thôn và khoảng 40 - 50% quy hoạch chung đô thị đến kỳ rà soát, điều chỉnh theo định hướng phát triển quy hoạch vùng tỉnh cho giai đoạn 2021 - 2030. Quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước phục vụ cho công tác đầu tư phát triển đô thị - nông thôn.

Vì vậy, công tác quy hoạch xây dựng đặt ra trong năm 2021 được xem là nhiệm vụ cấp thiết của ngành xây dựng. Hơn nữa, Luật Xây dựng cũng quy định: “Quy hoạch xây dựng được duyệt là cơ sở pháp lý để quản lý đô thị, tiến hành công tác đầu tư xây dựng, hằng năm, ngắn hạn và dài hạn”.

Vì vậy, Sở Xây dựng Đắk Lắk đã đề xuất tỉnh rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch xây dựng đô thị làm công cụ quan trọng để cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai cụ thể hóa Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 19/4/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột theo tinh thần Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đồng thời cần có giải pháp để nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch xây dựng bằng cách cụ thể hóa mục tiêu, tính chất, định hướng quy hoạch xây dựng trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh và xây dựng quy trình tăng cường sự phối hợp từ quá trình lập nhiệm vụ - thiết kế quy hoạch – thu thập ý kiến cộng đồng nhằm rút ngắn thời gian lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

Ông Đinh Xuân Trường - Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar cho biết, để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời phù hợp với chủ trương đưa đô thị Ea Kar được công nhận là thị xã, đơn vị đã lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ea Kar đến năm 2035 trình các cấp phê duyệt.

Sở Xây dựng cũng đã đưa nội dung kế hoạch phát triển huyện Ea Kar lên thị xã vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Hiện nay, huyện Ea Kar đang tập trung củng cố các số liệu, tiêu chí của đô thị loại IV và quy hoạch mở rộng khu hành chính của huyện từ 630 ha lên 2.100 ha.

Hướng phát triển cho đô thị

Để đô thị phát triển bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, Bộ Xây dựng đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó có việc thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Chiến lược phát triển đô thị quốc gia tích hợp các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững nhằm giải quyết các bất cập của thực trạng và ứng phó có hiệu quả với các thách thức trong tương lai.

Ngành xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất chính sách phát triển đô thị nhằm phát huy lợi thế của những khu vực đô thị có mật độ kinh tế cao. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng…

Theo các chuyên gia về đô thị, trong tương lai, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình đô thị hóa và bắt tay thực hiện một lộ trình hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu hơn. Do vậy, đòi hỏi phải chuyển đổi chính sách để tập trung vào “nền kinh tế tích tụ” và “liên kết vùng”, qua đó giải quyết ba nhân tố thể chế quan trọng cho chuyển đổi gồm: phân bổ tài khóa và nguồn lực, đất đai và quy hoạch, dịch chuyển lao động.

Trong quá trình thực hiện thúc đẩy đô thị hóa, phát triển kinh tế và đô thị phải luôn song hành với nhau. Phải định dạng vấn đề này trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và có giải pháp để giảm bớt chênh lệch giữa các vùng trong phát triển kinh tế. Đồng thời phải làm rõ mối quan hệ phát triển công nghiệp giữa các vùng khác nhau.

Các vấn đề hiện tại của quá trình đô thị hóa cũng như các thách thức tương lai ở Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp với đặc thù của đất nước. Giai đoạn từ nay đến khi nước ta có tỷ lệ đô thị hóa 50% là giai đoạn hết sức quan trọng. Khi đã có tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 50% trở lên, đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vượt ngưỡng thu nhập trung bình và có điều kiện bứt phá trong phát triển nền kinh tế và chuyển sang giai đoạn mới, có thu nhập cao tương đồng với khu vực. Đây là giai đoạn đòi hỏi cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, đặc biệt là chính quyền các đô thị, sự tham gia của các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà nghiên cứu và nỗ lực của cộng đồng.

Vì vậy, để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa đồng bộ với chất lượng đô thị, tạo động lực phát triển và phát huy các thế mạnh của tỉnh trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Lắk Phạm Văn Lập cho rằng, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk cần tập trung bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư mang tính trọng điểm, có ý nghĩa phát triển đô thị.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực ngoài ngân sách để tập trung hoàn thiện và phát triển đô thị, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đô thị phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt là cần cụ thể hóa các ưu đãi, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật, nhà ở xã hội, xây dựng công trình phúc lợi xã hội…

Hiện nay, Sở Xây dựng Đắk Lắk đã lập Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2030 và tham mưu dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển đô thị tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Đây sẽ là cơ sở để lập đề án phân cấp, phân loại đô thị trong tỉnh và xác định lộ trình đầu tư phát triển đô thị, các khu vực ưu tiên đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm đến năm 2025 và 2030.