Tuyên bố chung G20 "né" thương chiến Mỹ - Trung

Theo Cẩm Anh/enternews.vn

Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã cam kết hành động chống lại căng thẳng thương mại và địa chính trị toàn cầu.

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nền kinh tế nhóm G20 nhóm họp tại Fukuoka, Nhật Bản.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nền kinh tế nhóm G20 nhóm họp tại Fukuoka, Nhật Bản.

Có thể thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là yếu tố chủ chốt đang thách thức tinh thần đoàn kết của các nền kinh tế thuộc nhóm G20 trong nỗ lực đưa ra một quan điểm thống nhất đối với vấn đề mang tính toàn cầu này.

Tuyên bố chung đã loại bỏ việc công nhận cần phải giải quyết tranh chấp thương mại cũng như thừa nhận tranh chấp thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu; đồng thời nêu rõ thương mại quốc tế và đầu tư cần tiếp tục là những động lực quan trọng của tăng tăng trưởng, sản xuất, cải cách, tạo việc làm và phát triển.

Bộ trưởng tài chính Nhật bản Taro Aso cho biết, các Bộ trưởng đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về những căng thẳng hiện nay xung quanh thương mại. Đồng thời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro và sự cần thiết phải cải thiện môi trường thương mại và đầu tư.

Các ý kiến bên lề cuộc họp cũng nhất trí về việc cần giảm bớt các rào cản thương mại và thuế quan thương mại không công bằng trong khuôn khổ đa phương của chúng tôi, và đẩy mạnh nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thương mại đa phương và thúc đẩy những nỗ lực cải tổ tổ chức thương mại thế giới WTO.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, do yêu cầu của Mỹ, tuyên bố chung không đề cập tới vấn đề chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, cũng như không nhắc đến cụm từ "cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại" như trong bản dự thảo.

Tuyên bố này chỉ dừng lại ở việc thừa nhận sự gia tăng các căng thẳng thương mại và địa chính trị là những thách thức đối với kinh tế toàn cầu. Đồng thời cũng không có cam kết nào của G20 liên quan tới chống chủ nghĩa bảo hộ. 

Có nhiều ý kiến cho rằng, điều này phản ánh một thực tế rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã vượt xa tầm kiểm soát của nhóm các Bộ trưởng G20. Về cơ bản, tại cuộc họp ở Buenos Aires vừa qua, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chỉ được đình chỉ khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở cuộc họp thượng đỉnh cấp cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó để các Bộ trưởng cùng đưa ra một biện pháp chung để giải quyết những thách thức cũng như hạn chế từ cuộc chiến thương mại toàn cầu này. Sự hiện diện của Mỹ tại diễn đàn cũng là một phần tác động khi những căng thẳng gần đây tiếp tục leo thang

Một lần nữa, cuộc họp ở Fukuoka đã phơi bày một sự khác biệt về quan điểm đối với hình thức cải cách này nên diễn ra. Và khi các nền kinh tế chủ chốt chưa thể thống nhất được quan điểm hành động, mối đe dọa chính đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vẫn tiếp tục tồn tại.

Do đó, cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc vào ngày 28-29/6 tới đây lại càng được trông đợi hơn bao giờ hết. Không ai khác, người khởi xướng chiến tranh cũng chính là người chấm dứt điều đó.