Tuyên ngôn Độc lập - Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại
Những ngày đầu tháng 8/1945, trong lúc tình thế cách mạng vô cùng gấp rút, Hồ Chí Minh lại đang bệnh nặng. Do đã được chuẩn bị từ trước, khi thời cơ đến, cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền của nhân dân cả nước lan nhanh và đã thành công. Ngày 25/8/1945, dù chưa khỏi bệnh, Người vẫn khẩn trương trở về Hà Nội bằng cáng. Vô số công việc trọng đại đang chờ đợi Người ở thời điểm đặc biệt này. Một trong những công việc đó là khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Thời hạn dành cho Người rất gấp, chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 ngày, từ 28 đến 30/8. Bản Tuyên ngôn do Người chuẩn bị không dài, chỉ khoảng trên 1.100 từ, nhưng ý nghĩa hết sức to lớn và mang giá trị thời đại.
Có thể nói, vào thời điểm xuất hiện của bản Tuyên ngôn, xứ Đông Dương nói chung và nước Việt Nam ta nói riêng, gần như chưa có tên trên bản đồ chính trị thế giới. Thậm chí, tại Hội nghị giữa các nước thắng trận sau Chiến tranh thế giới thứ II, Đờgôn - Tổng thống Pháp lúc bấy giờ còn yêu cầu các nước coi vấn đề Việt Nam là vấn đề nội bộ của nước Pháp! Hơn nữa, lúc này, trên đất nước ta có rất nhiều lực lượng can thiệp. Phát xít Nhật dù đã thua trận, nhưng vẫn chưa bị giải giáp. Trong khi đó, dưới danh nghĩa Đồng minh, ở phía Bắc, 20 vạn quân Lư Hán đang rục rịch kéo vào, còn ở phía Nam, các hạm tầu của Anh, Mỹ cũng sẵn sàng cập bến. Do được các lực lượng can thiệp khác bật đèn xanh, thực dân Pháp ngày càng công khai dã tâm quay trở lại áp bức dân tộc ta một lần nữa. Vận mệnh Tổ quốc như nghìn cân treo trên sợi tóc. Những thành quả cách mạng mà nhân dân ta phải đổ bao nhiêu máu xương mới giành được, có nguy cơ bị cướp mất bất cứ lúc nào. Bản Tuyên ngônra đời trong bối cảnh ấy.
Đối với Đảng ta và Hồ Chí Minh, trước hết, Tuyên ngôn phải trực tiếp bảo vệ thành quả đầu tiên nhưng quan trọng bậc nhất của một cuộc cách mạng xã hội - vấn đề chính quyền. Theo đó, nó phải đảm trách “tuyên bố” một cách công khai và rộng rãi về sự ra đời của một chính quyền hoàn toàn mới, độc lập và đối lập với chế độ cũ. Bản Tuyên ngônnày phải được công bố vào một thời điểm sớm nhất có thể và ở một địa điểm tốt nhất cho phép. Thời điểm ấy được lựa chọn vào ngày 2/9/1945, và địa điểm ấy được xác định là Quảng trường Ba Đình (chứ không phải là Nhà hát lớn như dự kiến ban đầu). Trên thực tế, việc lựa chọn một cách chính xác và tài tình về thời gian và địa điểm công bố bản Tuyên ngônđã đem đến một hiệu ứng lịch sử hết sức tích cực. Nó không những tạo ra cho Chính phủ Lâm thời vị thế chủ nhà trước khi quân Đồng minh kéo vào, mà còn góp phần cảnh báo, ngăn ngừa từ xa mọi mưu đồ định lợi dụng chiêu bài giải giáp quân Nhật để thủ tiêu các thành quả cách mạng.
Một trong những nội dung quan trọng của Tuyên ngôn Độc lập là vạch rõ tính chất tàn độc nhưng vô cùng hèn nhát của chính quyền thực dân Pháp đối với Việt Nam, qua đó, chỉ rõ tính chất lỗi thời, phi lý, phi pháp của mọi “biến thể” của chế độ bảo hộ ở Việt Nam.
Điều này lý giải tại sao, có đến 4/5 dung lượng của bản Tuyên ngônđược dành cho việc tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta. Ở đó, trên tất cả các địa hạt quan trọng nhất có liên quan đến sự tồn vong của một dân tộc - từ chính trị đến kinh tế; từ văn hóa, xã hội đến các quyền cơ bản của con người, thực dân Pháp đều phạm phải những tội ác trời không dung, đất không tha. Ngay cả đến lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc ta, nơi mà thực dân Pháp đã 80 năm chà đạp, chúng vẫn hèn nhát bán cho phát xít Nhật đến cả hai lần.
Xét về mặt nội dung, không khó để nhận thấy rằng, bản luận tội hết sức đanh thép trên đây của Hồ Chí Minh chính là sự tiếp tục hoàn thiện bản luận tội mà Người đã dày công trình bày để chống lại thực dân Pháp, như Bản yêu sách 8 điểm gửi Hội nghị các nước thắng trận trong Thế chiến thứ nhất ở Vécxây (năm 1919) hay Bản án chế độ thực dân Pháp (năm 1925). Điều khác biệt ở đây chỉ là ở chỗ, lần này nó được cô đúc hết sức ngắn gọn, súc tích và đặc biệt là được phát ngôn bởi vị Chủ tịch của một quốc gia hoàn toàn mới, do đó, tiếng vang của nó cũng nhanh chóng lan rộng ra khắp năm châu bốn biển.
Ý nghĩa lịch sử to lớn của Tuyên ngôn còn thể hiện ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử, khát vọng và ý chí về độc lập, tự do được luận chứng về mặt khoa học để trở thành một giá trị đặc trưng, cốt lõi và bất khả khuất phục của dân tộc Việt Nam.
Từ trong chiều sâu lịch sử đấu tranh oai hùng để dựng nước và giữ nước của mình, khát vọng tự do, độc lập đã nhiều lần được tuyên ngôn như là một ý chí bất khuất của dân tộc ta. Ý chí ấy được thể hiện ngày một kiên quyết và rõ ràng, từ Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà...”, Nguyễn Trãi bằng “Bình Ngô đại cáo”, đến Trần Quốc Tuấn bởi “Hịch tướng sĩ”... và ở nhiều tuyên ngôn khác nữa của các anh hùng, hào kiệt mà dân tộc ta thời nào cũng có. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự tiếp tục và nâng tầm khát vọng và ý chí thiêng liêng ấy bằng việc cung cấp cho nó những luận chứng và luận cứ khoa học xác đáng.
Song, tự do, độc lập cũng là khát vọng chung của mọi quốc gia dân tộc và nạn nô dịch dân tộc chưa bao giờ chấm dứt kể từ khi lịch sử thành văn. Đó là hai mặt của một vấn đề mà bất cứ dân tộc nào, nhất là các dân tộc nhỏ, phải tính đến trên con đường đi tới độc lập, tự do thực sự. Tuyên ngôn Độc lập, vì thế, cũng là lời tuyên chiến với những thế lực đã, đang và sẽ cản trở dân tộc ta hiện thực hóa cái khát vọng thiêng liêng từ nghìn đời của mình. Vì mang tính tuyên chiến nên lời lẽ trong Tuyên ngôn hết sức đanh thép, nhưng sự đanh thép trongTuyên ngônlại được Hồ Chí Minh trình bày hết sức thấu lý, đạt tình.
Theo đó, khát vọng tự do, độc lập của dân tộc ta, dù có chạm đến cái điều mà lâu nay bọn đế quốc, thực dân coi là “húy kỵ” nhưng lại là những đòi hỏi hết sức tự nhiên, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Rằng, các thế lực đế quốc, phong kiến chẳng có bất cứ một căn cứ pháp lý và thực tiễn nào để một lần nữa chà đạp lên khát vọng thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam. Bởi vì, “Sự thật là dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”. Nhật thì đã đầu hàng Đồng minh, vua Bảo Đại cũng đã thoái vị, còn về phần mình, dân tộc ta cũng “đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay”. Vì lẽ đó, dân tộc ta phải được tự do, dân tộc ta phải được độc lập. Không công nhận điều đó và làm trái đi chỉ là hành động bỉ ổi của những kẻ bất chấp luân thường đạo lý và tất nhiên, sẽ vấp phải sự phản kháng đến cùng của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong 9 bản tuyên ngôn nổi tiếng nhất thế giới. Theo chúng tôi, nếu xét dưới góc độ là sản phẩm trực tiếp của một cuộc cách mạng xã hội, thì Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh còn vượt qua những hạn chế mang tính bản chất của một nhà nước bóc lột trong các tuyên ngôn cách mạng của nước Mỹ (năm 1776) và nước Pháp (năm 1789) để trở thành bản tuyên ngôn mang giá trị thời đại lớn lao và sâu sắc nhất.
Không thể phủ nhận những thay đổi mang tính bước ngoặt cách mạng trong đời sống nhân loại do hai bản tuyên ngôn vừa kể đến trên đây mang lại, đặc biệt là trong việc khẳng định trên thực tế nguyên tắc nhân quyền, tức là khẳng định các quyền tự do cá nhân trong một quốc gia dân tộc độc lập. Nhưng với Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên lịch sử nhân loại ghi nhận sự xuất hiện tuyên ngôn của một nhà nước kiểu mới, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Từ trong bản chất của nó, bản Tuyên ngônnày không những khác mà còn đối lập về nguyên tắc với các bản tuyên ngôn nhân quyền của nhà nước tư sản trong tiến trình lịch sử.
Có một thực tế là, mặc dù đánh giá ý tưởng trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa nước Mỹ là “bất hủ” và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền của công dâncủa nước Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, nhưng Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó. Người đã đi xa hơn với luận điểm nổi tiếng “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Và, chính cái phương cách “suy rộng ra” ấy đã đem đến sự khác biệt. Bởi theo đó, vấn đề tự do, độc lập không còn dừng lại ở các quyền tự do cá nhân mà phát triển thành các quyền dân tộc cơ bản; vấn đề độc lập dân tộc lúc này, cũng không còn là vấn đề của riêng Việt Nam mà trở thành vấn đề chung của cả nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra một thời đại mới - Thời đại giải phóng các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn cầu.
Cũng cần lưu ý một điều, lời lẽ trong các bản tuyên ngôn có thể giống nhau, nhưng khả năng hiện thực hóa chúng lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Cả lý luận và thực tiễn lịch sử đều cho thấy rằng, việc hiện thực hóa các ý tưởng của một tuyên ngôn, phụ thuộc vào bản chất giai cấp của chính quyền mà theo đó nó ra đời và bắt đầu sứ mệnh. Theo lôgic ấy thì, trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa mình, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần tội ác và âm mưu thâm độc của các thế lực đến từ quê hương của các bản tuyên ngôn tư sản nổi tiếng kể trên đối với dân tộc ta, chính là để khẳng định một vấn đề có tính quy luật, một phát hiện mang tầm thời đại của những người cộng sản. Phát hiện ấy chính là, trong tất cả các giai cấp hiện đang đối lập và chống lại ách áp bức dân tộc, thì chỉ có giai cấp vô sản và nhà nước do nó lãnh đạo mới có khả năng giải quyết tận gốc và triệt để vấn đề. Như vậy cũng có nghĩa, trong thời đại mới, để hiện thực hóa khát vọng tự do, độc lập thật sự của mình, các giai cấp nhân danh dân tộc có thể và cần phải gắn chặt vấn đề độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, với việc lựa chọn con đường phát triển của dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguyên lý này đã đúng, đang đúng và chắc chắn sẽ còn có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn sâu sắc.
Vì những lý do trên mà Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt qua khuôn khổ chật hẹp của một định hướng chính trị đơn thuần, để trở thành một văn kiện pháp lý có tầm quốc tế. Từ khi Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời, tinh thần của nó và thực tiễn đấu tranh của dân tộc Việt Nam luôn chiếm một vị trí và vai trò đặc biệt trong cuộc đấu tranh của các dân tộc cho sự hình thành một trật tự pháp lý quốc tế mới, nhất là xung quanh các vấn đề về quyền hợp pháp của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Không phải ngẫu nhiên mà nhân loại tiến bộ thường coi Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên Hợp quốc ngày 14-2-1960 về trao trả độc lập cho các dân tộc thuộc địa và Tuyên bố của tổ chức này vào ngày 12-12-1970 về việc “khẩn thiết chấm dứt mau chóng và vô điều kiện chế độ thực dân dưới mọi hình thức” như là chiến thắng của ngọn cờ Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc xâm lược và mọi hình thức nô dịch dân tộc trên toàn thế giới(2).
Với những cống hiến vô cùng to lớn và không biết mệt mỏi của mình cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới” do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp quốc tôn vinh (năm 1990) mà còn hơn thế nữa.
Bảy mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lậptại Quảng trường Ba Đình lịch sử, dân tộc ta, cách mạng nước ta đã trải qua một chặng đường dài với nhiều sự kiện trọng đại. Nhưng đối với chúng ta, bản Tuyên ngônlịch sử ấy vẫn còn nguyên giá trị bởi những bài học mang tính thời sự sâu sắc.
Trước hết là bài học về chủ động dự báo chiến lượctrong các quyết sách chính trị trọng đại có liên quan đến vận mệnh của toàn dân tộc.
Như đã nói đến ở trên, vào thời điểm cuối tháng 8/1945, yêu cầu phải có một bản tuyên ngôn độc lập đã trở nên cực kỳ khẩn thiết. Nhưng tình hình thế giới lúc này cũng đang có những diễn biến phức tạp, khó lường với những tính toán chiến lược của các nước lớn trong khối Đồng minh. Diện mạo của thời cuộc đang hàng ngày, hàng giờ thay đổi. Để Tuyên ngônhoàn thành sứ mệnh của một văn kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trước mắt của tiến trình cách mạng, nó còn phải có tác dụng chỉ đạo toàn cục, lâu dài. Những dự báo có tầm chiến lược, lúc này trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Khi bàn đến nội dung trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Chẳng hạn, vì sao trong Tuyên ngôn Độc lậpcủa mình, Hồ Chí Minh lại chọn trích hai tuyên ngôn của Mỹ và Pháp? Hay, tại sao lúc bấy giờ chúng ta đã có chính quyền cách mạng trong tay mà Người còn kêu gọi các nước Đồng minh công nhận Việt Nam đã thực sựcó nền tự do, độc lập? Và, tại sao trong khi khí thế cách mạng đang dâng cao như nước vỡ bờ mà Người còn tính đến khả năng chúng ta phải “đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” vừa giành được? v.v..
Có thể nói, tất cả các câu hỏi như trên đều được đưa ra một cách nghiêm túc và với tinh thần trách nhiệm thực sự. Và cũng có thể khẳng định, tất cả những câu hỏi ấy đều có chung một câu trả lời - Những nội dung, ý tưởng trong Tuyên ngônđã được Hồ Chí Minh xác định một cách cẩn trọng trên nền tảng những dự báo chiến lược hết sức chính xác và khoa học.
Với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ thiên tài, Người cho rằng, lúc này bàn cờ thế cuộc đã bắt đầu thay đổi. Dã tâm quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp đã quá rõ ràng. Nhưng sau Chiến tranh thế giới thứ II, cả Anh và Pháp đều đã bắt đầu già cỗi, kẻ thay thế hai đế quốc này để “cầm trịch” bàn cờ thế cuộc rất có thể là Mỹ - một thế lực mới nổi nhưng đã bộc lộ rất nhiều tham vọng. Mặc dù vậy, vô luận thế nào thì tất cả các thế lực kể trên đều đang khoác áo Đồng minh, việc phân hóa và tranh thủ sự giúp đỡ của họ là việc nên làm và có thể. Sự ra đời của nhà nước công nông, rõ ràng là một thành quả lịch sử, nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu. Việc vạch mặt kẻ thù, ngăn ngừa từ xa những âm mưu thâm độc của chúng là một tất yếu, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta “tuyệt giao” với tất cả, cũng như chúng ta không thể cùng một lúc chống lại tất cả các lực lượng can thiệp với cùng một thái độ như nhau. Lúc này, mọi tính toán chiến lược sai lầm, chủ quan, ảo tưởng đều sẽ phải trả giá, có khi rất đắt.
Nhũng dự báo ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tự nó đã được lịch sử làm cho sáng tỏ. Bài học ấy đối với chúng ta hôm nay, từ thực tế những thành công và chưa thành công của các quyết sách lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa qua cho thấy, rõ ràng là còn nguyên tính thời sự.
Một bài học khác là về tính kiên định sáng tạotrong việc đấu tranh bảo vệ các lợi ích của quốc gia dân tộc trong bối cảnh quan hệ quốc tế ở tình huống có vấn đề.
Luật sư Ngô Bá Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, trong bài tham luận tại một cuộc hội thảo về Tuyên ngôn Độc lậpđã nhận định rằng: trong văn kiện lịch sử này và suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo kết hợp các quyền cơ bản của con người với quyền dân tộc thiêng liêng thành các quyền dân tộc cơ bản với nội dung thực chất, bao gồm các quyền về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia dân tộc(3). Đó là một phạm trù cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại mà chúng ta phải dựa vào để bảo vệ một cách kiên địnhbởi những phương cách sáng tạonhững quyền cơ bản của dân tộc cho phù hợp với những điều kiện lịch sử khác nhau. Ở đây,Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra một mẫu mực về việc giải quyết vấn đề này trong bối cảnh lịch sử đặc biệt.
Không ai có quyền nghi ngờ rằng, ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân tộc ta được độc lập, tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Cũng không khó để nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua hành trình khảo nghiệm khắp năm châu bốn biển, đã nhận ra và ghét cay ghét đắng cả hai cái vòi hút máu của “Con đỉa chủ nghĩa thực dân”. Với Người, những khẩu hiệu về tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, nhân quyền... mà các nhà nước thực dân đưa ra, chẳng qua chỉ là “một trò bịp lớn”(4).
Thế mà trong Tuyên ngôn Độc lập, một trong số rất ít tác phẩm mà Người tâm đắc nhất(5), Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành ở vị trí trang trọng nhất để viện dẫn tuyên ngôn của cả nước Mỹ và nước Pháp như là khởi nguồn cho ý tưởng, và do đó, cho cả tác phẩm bất hủ của mình. Đây thực sự là “một nước cờ cao tay”, một nghệ thuật trong việc giải quyết các quan hệ quốc tế. Để kiên định các mục tiêu chiến lược của mình, không nhất thiết phải dùng biện pháp cứng rắn và nhất là, chỉ bám lấy mỗi một cách tiếp cận vấn đề. Ngay cả những kẻ xâm lược tàn bạo và thâm độc nhất, nhiều khi cũng phải điều chỉnh lại mình, khi những giá trị cốt lõi của dân tộc họ được chính đối phương tôn trọng. Chính Đại tá Paty - đại diện của Mỹ tham gia phái đoàn giải giáp quân phát xít Nhật tại Việt Nam, khi nghe dịch bản thảo Tuyên ngôn Độc lậpmà Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến “đã không còn tin vào tai mình nữa” khi biết văn kiện quan trọng này lại bắt đầu bằng việc trích dẫn một câu trong Tuyên ngôn của nước Mỹ(6). Còn lịch sử cũng ghi nhận rằng, gần như ngay sau khi Tuyên ngôn Độc lậpcủa Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát đi, chính giới Pháp cũng bắt đầu phân hóa thành hai phe đối lập trong quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Bài học này chưa bao giờ cũ trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại song phương và đa phương nhằm gìn giữ môi trường hòa bình cho công cuộc đổi mới hiện nay.
Cuối cùng và vượt lên tất cả, có lẽ là bài học về lòng tự tôn dân tộc và phẩm giá hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn Độc lập trong khi chưa hoàn toàn khỏi bệnh. Thời gian dành cho Người cũng chỉ có mấy ngày. Để Tuyên ngôn ra đời đúng lúc, được phát đi xứng tầm khánh tiết quốc gia, nội dung phản ánh đúng bàn cờ thế cuộc, hình thức thu hút được sự quan tâm của quảng đại quần chúng nhân dân là cả một nỗ lực vô cùng to lớn.
Cội nguồn của những cố gắng phi thường ấy chính là lòng tự tôn dân tộc, là ở sự quý trọng vô bờ bến của Chủ tịch Hồ Chí Minh với những thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã đổ biết bao máu xương mới giành được.
Xét trên nhiều phương diện, có thể nói, Tuyên ngôn Độc lậpđã được cả dân tộc ta, qua Người, viết ra bằng máu. Ở đó thể hiện rõ nét trí tuệ, bản lĩnh và khí phách của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ những quyền cơ bản của mình suốt tiến trình lịch sử. Tuyên ngôn Độc lập,do đó, cô đúc trong đó phẩm giá cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh - phẩm giá suốt đời thực sự hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.