Tỷ giá hạ nhiệt kích hoạt dòng tiền quay lại thị trường


Tỷ giá ngoại tệ trong nước liên tục hạ nhiệt những ngày gần đây tác động tâm lý tích cực, giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Tỷ giá ngoại tệ trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư.
Tỷ giá ngoại tệ trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc tuần giao dịch vừa qua bằng một phiên chốt lời diện rộng và chỉ số VN-Index giảm hơn 12 điểm, tương đương mức giảm 1,10% so với phiên thứ 5 sau chuỗi tăng điểm mạnh gần 100 điểm từ đáy.

Ở những phiên đầu tuần, VN-Index vận động tích cực nối tiếp đà tăng cuối tuần trước do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm giảm về mức 4,6% giúp áp lực giúp tỷ giá trong nước hạ nhiệt. Điều này giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước vốn chịu nhiều áp lực suốt những tháng gần đây liên quan tới câu chuyện tỷ giá.

Tỷ giá hạ nhiệt kích hoạt dòng tiền quay lại thị trường - Ảnh 1

Tuy vậy, áp lực chốt lời dần gia tăng trong 2 phiên cuối tuần, đặc biệt trong phiên ngày thứ 6 sau phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell rằng, “Fed không đủ tự tin đã thắt chặt chính sách đủ mạnh đề ghìm cương lạm phát về mức mục tiêu 2%” và lưu ý “Fed sẽ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình và tăng lãi suất hơn nữa nếu lạm phát tăng tốc trở lại”.

Phát biểu trên đã khiến nhiều thị trường chứng khoán quốc tế giảm điểm mạnh, kéo theo phiên điều chỉnh của thị trường trong nước trong phiên cuối tuần.

Tổng kết tuần, nhờ mức tăng mạnh đầu tuần, chỉ số VN- Index vẫn ghi nhận mức tăng 25 điểm lên 1.101,7 điểm, tương đương mức tăng 2,3% so với cuối tuần trước; chỉ số HNX-Index ghi nhận mức tăng 4,08% lên 226,65 điểm và UPCoM-Index hồi phục 2,2% để đóng cửa tại 86,03 điểm.

Tuần qua, VCB (-3,3%), MSN (-3,4%), SAB (-2,4%) là các cổ phiếu vốn hóa lớn kéo giảm thị trường. Ngược lại, đà hồi phục của chỉ số được dẫn dắt bởi VIC (+8,1%), HPG (+5,6%), VHM (+4,4%) và CTG (+5,0%) đã kìm lại đà bán tháo của thị trường.

Tỷ giá hạ nhiệt kích hoạt dòng tiền quay lại thị trường - Ảnh 2

Đà hồi phục tuần của thị trường được ủng hộ bởi thanh khoản khi giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh 27,5% so với tuần trước, đạt 20.306 tỷ đồng. Khối ngoại quay trở lại bán ròng trên cả 3 sàn, tập trung trên HOSE với giá trị 1.217 tỷ đồng (tuần trước mua ròng 300 tỷ đồng).

Mặt khác, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng trên HNX và UPCOM với giá trị lần lượt 240 tỷ đồng (-20% so với tuần trước) và 47 tỷ đồng (+40% so với tuần trước). Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 930 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới.

Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý FOMO mua đuổi khi cổ phiếu được “kéo xanh mạnh” trong phiên. Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu.

“Về xu hướng thị trường xa hơn từ nay tới cuối tháng 11, tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện”, ông Đinh Quang Hinh cho biết.

Cụ thể, tỷ giá ngoại tệ trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.

Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp Bất động sản.

“Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể được duy trì”, chuyên gia VNDIRECT nhận định.

Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý khoảng 50-60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.

MBS Reseach có quan điểm tích cực khi cho biết một số lo ngại gần đây của nhà đầu tư đang dần được cởi bỏ, trong đó có tín hiệu từ tỷ giá.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu, bơm trả hệ thống ngân hàng lượng lớn thanh khoản, ở 2 phiên gần nhất có khoảng 40.000 tỷ đồng được bơm trả lại hệ thống.

“Tuần này, thị trường có thể vẫn ngóng chờ các quyết sách quan trọng về các dự luật quan trọng mà Quốc hội đang xem xét thông qua.

Về mặt vĩ mô, kinh tế trong nước về cuối năm dự báo sẽ có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Trong kịch bản lạc quan, thị trường có thể điều chỉnh ở những phiên đầu tuần nhưng sẽ tích cực dần ở cuối tuần, thị trường cần dứt điểm ngưỡng cản kỹ thuật MA200 để tiếp tục lôi kéo dòng tiền trở lại thị trường mạnh hơn nữa”, MBS Research lưu ý.

Có quan điểm thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán Maybank Việt Nam (MSVN) nhấn mạnh, nhà đầu tư nên giữ thái độ thận trọng nhất định trong tuần lễ này khi đây là giai đoạn đáo hạn phái sinh và áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn đang cho thấy sự quyết liệt ở hai phiên cuối tuần rồi.

Dù vậy nhìn dài hạn hơn, chúng tôi cho rằng trạng thái thị trường đang dần cải thiện, nhà đầu tư vì vậy có thể tận dụng các nhịp rung lắc để gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu trong bối cảnh hiện nay.

Tỷ giá hạ nhiệt kích hoạt dòng tiền quay lại thị trường - Ảnh 3

Thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục hồi phục sang tuần thứ hai liên tiếp dù Chủ tịch Fed phát tín hiệu cứng rắn về chính sách tiền tệ. Hầu hết các nhà giao dịch đều đang đặt cược Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong năm nay nhưng cho rằng việc bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm 2024 sẽ diễn ra muộn hơn, theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của CME Group.

Tại châu Á, các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh sang tuần thứ 2 liên tiếp. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc đại lục cho thấy mức hồi phục chậm và thị trường Hồng Kông giảm mạnh nhất trong khu vực ở tuần vừa qua.

Trung Quốc trở lại trạng thái giảm phát trong tháng 10/2023, qua đó cho thấy đất nước tỷ dân đang chật vật thúc đẩy tăng trưởng thông qua nhu cầu nội địa.

Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với quy mô rộng hơn, bao gồm việc phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ (137,43 tỷ USD) trái phiếu chính phủ và động thái cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ.

Theo Uyên Tô/thitruongtaichinhtiente.vn