Tỷ giá: Không coi “sóng” là xu thế

Theo chinhphu.vn

Trước sự biến động của tỷ giá, một số ý kiến đề xuất cần có sự điều chỉnh. Tuy nhiên, sự biến động lần này chỉ là “sóng” chứ không phải là xu thế.

 Tỷ giá: Không coi “sóng” là xu thế
Đợt tăng tỷ giá lần này về thực chất cũng chỉ là "sóng". Nguồn: Internet
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã qua 3 lần biến động. Hai lần trước, tỷ giá VND/USD cũng đã tăng lên và cũng đã có những đề xuất điều chỉnh tỷ giá, thậm chí còn có đề xuất phá giá một lần từ 2-3%. Tuy nhiên, tỷ giá cũng đã giảm nhanh ngay sau khi có thông tin phản biện của các chuyên gia khác và thông điệp của Ngân hàng Nhà nước. Điều đó chứng tỏ có sự tác động do tính nhất thời của tín hiệu thị trường và tác động của những yếu tố tâm lý cũng như yếu tố muốn tạo sóng để đầu cơ. Nói cách khác, hai lần tăng trước chỉ là “sóng” chứ không phải là xu thế.

Từ vài tuần gần đây, tỷ giá đã có sự biến động (lần thứ 3). Sự biến động lần này được nhận diện trên một số điểm. Tỷ giá trên thị trường tự do thường xuyên ở mức trên 21.200 đồng/1 USD. Tỷ giá ở các ngân hàng thương mại bán ra phổ biến đều kịch trần 21.036 đồng (so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố là 20.828 đồng và cộng biên độ 1%). Tại Sở giao dịch của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 16/6, đã niêm yết tăng giá mua là 20.850 đồng và tăng giá bán lên kịch trần 21.036 đồng. Chênh lệch giữa giá bán và giá mua chỉ còn rất hẹp (từ 6-10 đồng/USD).

Sự biến động lần này có khác với hai lần trước và có chuyên gia đã coi là xu thế, do tác động của một số yếu tố, thứ nhất là Việt Nam đã chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu. Mức tỷ giá giao dịch bình quân cùng với biên độ giao dịch 1% trên thị trường ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố đã ổn định trong thời gian khá dài (tính đến nay là 18 tháng), gấp nhiều lần khoảng cách trong các lần điều chỉnh trước.

Để giảm bớt tình trạng “đô la hoá” nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã chuyển dần việc vay và cho vay bằng ngoại tệ sang mua đứt bán đoạn. Do vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ trong 5 tháng qua đã mang dấu âm khá sâu (8,41%). Tình hình đó làm cho quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường bị tác động làm cho giá USD tăng lên.

Chênh lệch giữa lãi suất tiết kiệm bằng VND với ngoại tệ không còn lớn như trước, nên có thể có sự chuyển dịch từ tiền đồng sang USD. Có chuyên gia còn cho rằng thời hạn tất toán trạng thái vàng đang đến gần (ngày 30/6), làm cho nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập lậu vàng do chênh lệch giá ở trong nước và nước ngoài, đầu cơ có thể gây áp lực lên tỷ giá. Khi tỷ giá tăng và thanh khoản không thuận như trước, sẽ xuất hiện tâm lý: tổ chức, cá nhân có lượng ngoại tệ có tâm lý găm giữ hoặc tổ chức, cá nhân có nhu cầu chưa đến thời điểm nhưng đã tranh thủ mua ngay, rồi yếu tố đầu cơ mỗi khi có sóng xuất hiện,...

Tuy nhiên, không nên điều chỉnh tỷ giá. Khuyến cáo này xuất phát từ một số lý do chủ yếu.

Thứ nhất, xét về sự cần thiết, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ lợi bất cập hại. Xuất khẩu tuy có lợi, nhưng Việt Nam ở vị thế nhập siêu (tức là nhập nhiều hơn xuất), nên tuy được lợi về xuất khẩu, nhưng lại bất cập về nhập khẩu. Tăng tỷ giá sẽ làm cho giá nhập khẩu tính bằng USD sẽ đắt lên; làm cho chi phí đẩy tăng lên, gây sức ép đối với lạm phát ở trong nước, trong khi từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô,...

Tăng tỷ giá sẽ làm tăng nợ và trả nợ nước ngoài tính bằng VND, tuy nợ của Việt Nam chủ yếu là nợ dài hạn, mức nợ/GDP vẫn trong giới hạn an toàn,... nhưng vẫn là mức cao so với hiệu quả sử dụng, tỷ trọng trả nợ/thu ngân sách lớn, chênh lệch giữa vay mới – trả nợ cũ để còn được sử dụng không nhiều.

Điều quan trọng là tăng tỷ giá sẽ làm cho việc khôi phục, củng cố lòng tin vào đồng nội tệ phải mất nhiều thời gian, nhiều biện pháp không dễ đạt được có thể sẽ bị giảm sút.

Thứ hai, xét về khả năng, cũng không nên điều chỉnh tăng tỷ giá. Nguồn ngoại tệ còn đọng trong dân và lượng ngoại tệ nước ngoài vào Việt Nam từ các nguồn vẫn khả quan. Lượng vàng và lượng ngoại tệ ở trong dân còn khá lớn, cần biến lượng vốn nằm im này thành tiền đồng để trực tiếp đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Vốn FDI giải ngân sau 5 tháng đã đạt gần 4,6 tỷ USD, bình quân 1 tháng đã đạt trên 0,9 tỷ USD, khả năng cả năm nay sẽ cao hơn năm trước (trên 10 tỷ USD). Lượng vốn ODA giải ngân nếu đạt được kế hoạch sẽ cao hơn nhiều so với năm trước.

Nhập siêu, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, mức nhập siêu của tháng 5 là 548 triệu USD (chứ không phải tới 1,2 tỷ USD như ước tính trước) và tính chung 5 tháng là 1,2 tỷ USD (chứ không phải là 1,923 tỷ USD như ước tính trước đó). Lượng ngoại tệ mà khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu ước đạt 3 tỷ USD và khả năng cả năm nay cũng không kém năm trước (6,83 tỷ USD). Lượng kiều hối chưa có số liệu và thường tăng vào cuối năm, nhưng với khả năng như năm trước cũng không thua kém FDI giải ngân. Dự trữ ngoại hối đã đạt trên 12 tuần nhập khẩu, đạt được ranh giới an toàn và đang phấn đấu hết năm đưa lên khoảng 14 tuần nhập khẩu.

Thứ ba, các yếu tố quan trọng khác cũng tác động tích cực. Lạm phát được kiềm chế có tác động đến động thái phải trú ẩn vào ngoại tệ và tác động đến tâm lý. Lãi suất tiết kiệm bằng VND vẫn cao gấp nhiều lần lãi suất bằng USD, cánh kéo giữa tỷ giá theo tỷ giá hối đoái với tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam vẫn còn lớn và còn cao hơn các nước trong khu vực,...

Cũng cần lưu ý rằng, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về điều hành tỷ giá được thể hiện trong Nghị quyết 01/NQ-CP là “Điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam,... cải thiện cán cân thanh toán và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước”.

Do vậy, có thể cho rằng đợt tăng tỷ giá lần này về thực chất cũng chỉ là "sóng", chứ không là xu hướng và sẽ kết thúc gần như hai đợt tăng trước đây.