Tỷ giá VND/USD vẫn trong tầm kiểm soát
(Taichinh) - Trước áp lực tỷ giá VND/USD tăng nóng trên thị trường, ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nâng tỷ giá VND lên 1%. Như vậy, trong vòng 5 tháng, Việt Nam đã hai lần nâng tỷ giá VND tổng cộng ở mức 2%.
Xung quanh việc nâng tỷ giá VND lần này, đã xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau. Theo đó, Ngân hàng HSBC cho rằng, động thái phá giá tiền VND lần này đã diễn ra sớm hơn dự báo, nhận định này tạo ra sự băn khoăn liên quan đến lòng tin và kỳ vọng. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý, vào lần điều chính trước (tháng 1/2015) đã diễn ra khá muộn theo sự kỳ vọng của thị trường, làm cho khoảng cách điều chỉnh lần này chỉ có 5 tháng; đợt điều chỉnh tỷ giá lần này là sự chủ động của NHNN, một động thái “vượt trước để ngăn chặn”.
Về liều lượng, cũng cho thấy hai vấn đề quan trọng về điều hành tỷ giá. Với thông điệp của NHNN là cả năm chỉ tăng 2%, thì lần này chỉ nên điều chỉnh tăng 0,25% hay 0,5% phù hợp hơn; Nhiều chuyên gia dự báo cả năm có thể phải điều chỉnh lớn hơn mức mà thông điệp đưa ra (có thể 3,0- 4%).
Về các yếu tố, cũng như mục tiêu điều chỉnh tỷ giá VND/USD hiện có nhiều khuyến nghị cần phải điều chỉnh để khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập khẩu, giảm nhập siêu; trên cơ sở cải thiện cán cân thương mại để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các DN nhập khẩu cho rằng, lạm phát ở trong nước sau 4 tháng thấp nhất so với cùng kỳ từ 2002 đến nay; quan hệ cung- cầu ngoại tệ chưa đến mức căng thẳng, sự nóng lên của thị trường, chủ yếu do yếu tố tâm lý, nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng lên, gây áp lực lạm phát.
Nhìn lại diễn biến tỷ giá 4 tháng đầu năm cho thấy, giá USD tháng 4 tăng khá cao so với các tháng trước và tính chung 4 tháng đã tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của giá tiêu dùng và tốc độ tăng của giá vàng trong cùng thời gian (tương ứng tăng 0,93% so với tăng 0,04% và tăng 0,63%). Mặc dù vậy, giá USD về cơ bản vẫn ổn định vì nhiều yếu tố, trước hết là lạm phát ở mức thấp, dự báo cả năm sẽ thấp xa so với mục tiêu 5% đã đề ra. Khi lạm phát thấp thì sức ép tâm lý tìm đến nơi trú ẩn là vàng và USD sẽ không còn lớn. Một yếu tố khác rất quan trọng là, quan hệ cung- cầu ngoại tệ tuy không được như năm trước (do cán cân thương mại bị mất cân đối và lượng ngoại tệ vào Việt Nam ít hơn), nhưng không đến nỗi căng thẳng. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài sau 4 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; lượng kiều hối chuyển về nước tiếp tục tăng; chưa kể khi Luật Nhà ở đã cho phép Việt kiều và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ tháng 6/2015 được mua nhà, thì Việt Nam cũng sẽ có thêm một nguồn ngoại tệ không nhỏ.
Tựu chung lại, thông điệp của Thống đốc NHNN về việc điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong cả năm 2015 cho đến nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Với kinh nghiệm của những năm trước và khả năng trong cả năm nay, thì từ nay đến cuối năm sẽ không có sự điều chỉnh nữa. Tuy nhiên, thực tế có thể có một vài đợt sóng về giá USD phát sinh, nhưng đó chỉ là động thái của các nhà đầu tư vào ngoại tệ trên thị trường, chứ không có nền tảng và yếu tố cơ bản từ quan hệ cung cầu. Do đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ không nên chạy theo phong trào để tránh rủi ro.