Mềm mại hơn trong điều hành tỷ giá
(Tài chính) Tuyên bố điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm 2015 cho thấy quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc duy trì sự ổn định của thị trường. Tuy nhiên, tại Hội thảo Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN nên điều hành tỷ giá mềm mại hơn để tránh những bất lợi khi tỷ giá trên thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh.
Theo Ts Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương, việc tuyên bố mức điều chỉnh tối đa cứng của tỷ giá trong năm thể hiện quyết tâm và ý chí của NHNN muốn duy trì ổn định thị trường, sẵn sàng can thiệp khi cần để bảo đảm sự ổn định đó. Tuyên bố này cũng là định hướng để doanh nghiệp yên tâm lên kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm mà không phải lo ngại sự biến động lớn của tỷ giá.
Tuy nhiên, chính Ts Lê Quốc Phương cũng chỉ ra những bất lợi của việc đưa ra tuyên bố về một mức điều chỉnh cứng của tỷ giá, nhất là khi thị trường ngoại hối quốc tế biến động mạnh. Như hiện tại, NHNN đang rơi vào thế khó bởi USD đã lên giá 15 - 18%, trong khi NHNN tuyên bố tỷ giá sẽ được điều chỉnh không quá 2% trong năm nay. Nếu thực hiện đúng tuyên bố để giữ chữ tín với thị trường thì VNĐ được định giá quá cao, không có lợi cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhưng, nếu NHNN điều chỉnh tỷ giá vượt 2% để bảo đảm phù hợp với diễn biến thực tế thì NHNN lại mang tiếng không giữ đúng cam kết.
Tại Hội thảo Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức giữa tuần này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ chế điều hành tỷ giá neo cố định theo USD như hiện nay sẽ có khả năng bao hàm rất nhiều rủi ro từ bất ổn tỷ giá trong bối cảnh đồng USD lên mạnh. Trong khi, việc giữ tỷ giá cố định trong thời gian quá dài sẽ không tạo động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng như không khuyến khích được việc gia tăng hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng của các ngành hàng xuất khẩu.
Thị trường không nghi ngờ về sức mạnh của NHNN trong việc kiểm soát tỷ giá - các chuyên gia kinh tế khẳng định, nhưng những bất lợi của tuyên bố cứng về mức điều chỉnh tỷ giá nêu trên đòi hỏi việc điều hành tỷ giá cần mềm mại, linh hoạt hơn. Ts Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, một chính sách tỷ giá kiểu bò trườn 1 - 2 VNĐ/ngày có thể hữu ích cho nền kinh tế nước ta khi đồng thời bảo đảm sự ổn định trong ngắn hạn với sự linh hoạt trong dài hạn. Chính sách này cũng giúp các doanh nghiệp nhìn được hướng đi của tỷ giá để xây dựng các kế hoạch kinh doanh phù hợp. Còn việc xác định giới hạn tỷ giá tối đa cho mỗi năm cần dựa trên tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nếu trong các năm 2015 - 2016, NHNN dự đoán nền kinh tế có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 6,5% trở lên, mức điều chỉnh tỷ giá của cả năm có thể giới hạn trong khoảng 1 - 2%, thậm chí khi kinh tế tăng trưởng mạnh có thể không cần điều chỉnh tỷ giá. Nhưng nếu tăng trưởng của nền kinh tế thấp hơn và có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát thì việc nới rộng biên độ điều chỉnh tỷ giá lên mức 3%/năm cần được cân nhắc, nhất là khi nhiệm vụ hạ mặt bằng lãi suất 1-1,5% đang rất khó thực hiện trong bối cảnh nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao như hiện nay.
Theo quan điểm của Ts Lê Quốc Phương, nên tránh đưa ra tuyên bố về mức điều chỉnh cứng của tỷ giá trong năm và tránh để quá lâu không điều chỉnh tỷ giá. Việc USD liên tục tăng giá trong khi NHNN vẫn duy trì tỷ giá ổn định trong một thời gian dài có thể dẫn tới tình huống: khi buộc phải điều chỉnh tỷ giá cho sát với thị trường sẽ phải điều chỉnh với biên độ lớn, gây ra cú sốc bất ổn lớn. Vì vậy, nên điều chỉnh tỷ giá thường xuyên hơn song mỗi lần với biên độ nhỏ để tránh gây sốc với thị trường.
Ý kiến này nhận được sự tán thành của một số chuyên gia của Học viện Tài chính. Bên cạnh đó, để tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá trong giới hạn ổn định cho phép, các chuyên gia của Học viện Tài chính cho rằng, cần tăng biên độ dao động của tỷ giá ngân hàng thương mại xung quanh tỷ giá chính thức thay vì vẫn giữ ở mức 1% như hiện nay. Đồng thời, tránh xu hướng điều chỉnh tăng đột ngột một chiều tỷ giá sau đó giữ nguyên tỷ giá chính thức trong thời gian dài mà cần thay đổi tỷ giá chính thức có lên có xuống với mức điều chỉnh nhẹ với tần suất nhiều hơn.