Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP Việt Nam ở top cao, dư địa tiền tệ ngày càng hẹp

Theo Lê Mỹ/enternews.vn

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là một trong những nội dung mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng báo cáo lên Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc của Chính phủ với cơ quan này.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô. Đây là một trong những khó khăn đối với hoạt động cấp tín dụng.

Nhận xét về quy mô dư nợ tín dụng/GDP, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cũng khẳng định là ngày càng lớn và đang ở mức khoảng 140%, do đó dẫn đến việc lựa chọn kiểm soát tín dụng thận trọng.

Năm 2020, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 12,13%. Trong năm nay, các nhà hoạch định chính sách dự báo trước nhu cầu vốn của nền kinh tế có thể phục hồi mạnh mẽ hơn khi Việt Nam đã thành công kiểm soát Covid-19 và cùng với đó, vaccine đã bắt được sản xuất, dần phân phối trên toàn cầu. Theo đó, kịch bản tăng trưởng tín dụng đầu tiên được đặt ra ở 12-14%.

Tuy nhiên, căn cứ trên room tín dụng mà NHNN giao cho các Ngân hàng ở cuối quý I/2021, sau gần trọn một quý xem xét bối cảnh và chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo quý đầu năm, có thể thấy ở mức 10-12% mục tiêu toàn ngành đặt ra, NHNN đang thể hiện sự thận trọng cao. Mục tiêu này như một lãnh đạo NHNN thông tin, chia theo 3 kịch bản bắt đầu từ mức tăng trưởng tín dụng 8%. Và điều đó dường như cũng phản ánh đúng những khó khăn mà Thống đốc NHNN đã báo cáo lên Thủ tướng khi ngành – giữa động cơ mong muốn đạt được tăng trưởng tín dụng cao, tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng cao mà Quốc hội đã giao trong năm nay (6%) – với lo ngại trước nguy cơ suy giảm chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng. 

Với tình cảnh này, một chuyên gia trong ngành ngân hàng nhận xét, mặc dù ngày càng có nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II và thậm chí công bố đạt đủ 3 trụ cột Basel II, đang chuẩn bị tiến Basel III; song cần lưu ý rằng trên thế giới người ta đã áp dụng chuẩn Basel III từ lâu. Hơn nữa, sự bất ổn của Covid-19 vẫn còn tiếp diễn và có thể để lại những kệ lụy kéo dài bao gồm cả nợ xấu và yếu tố kỳ vọng lạm phát gia tăng.

Thông tư số 03/2021/TT-NHNN mà NHNN ban hành với lộ trình giãn nợ 3 năm đã cho cơ quan quản lý đón lường điều này và thận trọng để các ngân hàng có điều kiện xử lý nợ, giúp các thành phần vay nợ trong nền kinh tế cũng “dễ thở”.

Do đó, NHNN khó có thể phá vỡ thế thận trọng để thúc đẩy tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP lên một quy mô cao hơn nữa. Nói cách khác, dư địa tín dụng của ngành ngân hàng đang khá hẹp và cần những cú “đột kích” để phá vỡ những nút thắt này, giúp điều kiện rộng rãi  hơn thúc đẩy tăng dư nợ mạnh mẽ hơn.

Theo đó, vị này cho rằng trong báo cáo của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, có 2 điểm đáng lưu ý là “yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

Bên cạnh đó, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước, khó hiện thực hoá chỉ tiêu có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực Châu Á theo Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là điều đã gợi rõ hướng “đột kích” để tăng trưởng tín dụng nới rộng thêm dư địa. Có thể thấy rõ NHNN đang điều hành theo đúng hướng này khi giao room tăng trưởng tín dụng năm nay cao nhất cho Vietcombank với mức 10,5%. Nên nhớ dù có xu hướng suy giảm thị phần tín dụng, song 3 ngân hàng thuộc top Big Four là Vietcombank, BIDV và VietinBank vẫn đang nắm giữ khoảng 34% thị phần tín dụng và riêng Agribank thì cung ứng tới 50% thị phần tín dụng nông nghiệp. Nếu như các ngân hàng đều được tăng vốn thì không chỉ đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực Basel II mà còn thể lập tức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Hiện, Vietcombank và BIDV như được biết đã đạt chuẩn Basel II. VietinBank từ đầu năm đã khẳng đáp ứng đầy đủ chuẩn mực song chưa vẫn được NHNN công nhận. VietinBank mới ĐHĐCĐ thường niên 2021 hôm 16/4, cũng đã trình 2 phương án chia cổ tức tăng vốn và để ngỏ phương án chia cổ tức 2021. Dù vậy, thì mọi phương án vẫn phải chờ báo cáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trong khi đó ngay cả với Agribank, đầu năm 2020, ông Tiết Văn Thành - Tổng giám đốc Ngân hàng này kiến nghị: "Trường hợp không được tăng vốn điều lệ hoặc áp dụng cơ chế đặc thù, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế”. Đến nay, ngân hàng đã được đồng ý tăng vốn bằng ngân sách 3.500 tỷ đồng; trong khi đó, phương án trình của NH lên tới 19.800 tỷ đồng. Agribank thậm chí còn đề xuất phương án cho phép bán cổ phần thí điểm cho cán bộ nhân viên trong khi chờ được hoàn tất cổ phần hóa và IPO như quy trình.

Có thể nói với tỷ lệ dư nợ tín dụng/ GDP hiện nay, các nhà điều hành vẫn đang sử dụng “cây gậy và củ cà rốt”, linh hoạt theo chuyển biến chung và thận trọng để không “vỡ trận”. Trông đợi lớn nhất vẫn là dồn vào đề xuất tăng vốn cho các Ngân hàng có vốn Nhà nước nhằm góp phần tăng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu, tăng sức chịu đựng của ngân hàng, cũng như giúp ngân hàng gia tăng huy động vốn, mở rộng tín dụng.

Về lâu dài, việc dựa tín dụng trung dài hạn vào ngân hàng, được giới chuyên môn và các nhà hoạch định chính sách ý thức rõ, sẽ càng gia tăng áp lực cân đối vốn ngân hàng với cân đối vĩ mô. Phát triển thị trường vốn với các kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế như thị trường trái phiếu, "chia lửa" và giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng, mới được xem là giải pháp bền vững.