Ukraine, con tin của các cường quốc
(Tài chính) Một năm sau những chấn động chính trị kéo theo cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất giữa lòng châu Âu trong hơn hai thập kỷ qua, Ukraine vẫn đang đứng ở ngã ba đường và trở thành chiến trường của các cường quốc.
Sau khi Tổng thống hợp hiến Viktor Yanukovych bị phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn lật đổ với làn sóng biểu tình Maidan, Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea, Ukraine bị chia rẽ sâu sắc giữa chính quyền trung ương với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Xung đột vũ trang tại Donbass đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.300 người và khiến hơn 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Cho tới nay, cùng với các nỗ lực ngoại giao dồn dập, một loạt thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, song hòa bình ở miền Đông Ukraine vẫn hết sức mong manh.
Mối bang giao với nước Nga đổ vỡ, không xuất được nông sản sang Nga, bị cắt nguồn cung khí đốt giá rẻ, hiện các doanh nghiệp lớn của Ukraine buộc phải thu hẹp hoạt động do khan hiếm năng lượng, kéo nền kinh tế càng chìm sâu vào suy thoái.
Trước thềm năm mới 2015, đồng grivna mất giá thảm hại, 80% sốë doanh nghiệp mỏ phục vụ xuất khẩu ở miền Đông ngừng hoạt động, Ngân hàng Thế giới (WB) hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của nước này xuống âm 8% trong năm 2014, hãng xếp hạng S&P cảnh báo nền kinh tế Ukraine chỉ còn khả năng cầm cự vài tháng nữa trước khi phải tuyên bố vỡ nợ. Một lần nữa, đường lối “mua anh em xa, bán láng giềng gần” của chính quyền Kiev đã đẩy đời sống nhân dân vào tình thế vô cùng khó khăn.
Đổi chiều bằng mọi giá, song mong muốn của Kiev gia nhập NATO như một đòn đối trọng với Nga không dễ trở thành hiện thực khi vấp phải sự hoài nghi của nhiều nước thành viên liên minh quân sự này, trong đó phải kể tới Đức. Tương tự, việc gia nhập EU và hưởng những lợi ích từ Khu vực thương mại tự do với EU cũng rất xa vời khi nhìn vào quá trình đáp ứng các tiêu chuẩn cao, minh bạch hóa, tái thiết hạ tầng... theo yêu cầu của EU.
Ukraine đang trở thành con tin của phương Tây trong cuộc đối đầu Đông - Tây, cụ thể là với Nga. Thế “đá chọi đá” giữa Nga, Mỹ và châu Âu hiện nay là bất phân thắng bại. Mỹ đã thuyết phục được các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương siết chặt các đòn trừng phạt kinh tế và tài chính nhằm vào Nga với cáo buộc Moscow đã vượt “giới hạn đỏ”. Còn với Nga, theo nhà bình luận chính trị kỳ cựu Nikolai Svanidze, với một nhà lãnh đạo có tính cách mạnh mẽ như Tổng thống Vladimir Putin, việc lùi bước là không thể. Thêm vào đó, là thái độ của nhân dân Nga. Các cuộc thăm dò mới nhất đều cho thấy đa phần người Nga ủng hộ lập trường của Điện Kremlin, khẳng định Tổng thống Putin không hề bị dồn vào góc trên võ đài (ám chỉ bị cộng đồng quốc tế cô lập) và muốn nhà lãnh đạo của mình tiếp tục là một võ sĩ đai đen thượng thặng.
Tuy nhiên, khi tình hình tại Ukraine leo thang căng thẳng và có nguy cơ trở thành một cuộc nội chiến vượt tầm kiểm soát, trong nhiều tháng qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã ráo riết loại bỏ giải pháp quân sự và kêu gọi tất cả các bên tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Với cam kết về một giải pháp ngoại giao, Thủ tướng Đức Angela Merkel - nhân vật chính trị quyền lực nhất châu lục - và Tổng thống Pháp Francois Hollande, nhà lãnh đạo của quốc gia lớn nhất Tây Âu, đã tới Minsk trong một nỗ lực cuối cùng nhằm làm hồi sinh tiến trình hòa bình đang “hấp hối” sau khi được bắt đầu từ tháng 9/2014 với thỏa thuận ngừng bắn cũng đạt được tại đây. Phương Tây cũng chia rẽ trước khả năng Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tại đây với quyết định vũ trang cho quân chính phủ Ukraine. Đức, Pháp cương quyết không dấn thân về quân sự vì muốn tránh cho châu Âu một cuộc chiến toàn diện.
Nhà chính trị học Sergei Karaganov, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Trường Cao học Kinh tế (Nga), cho rằng các sự kiện ở Ukraine đơn thuần là cái cớ để Mỹ và các quốc gia khác công kích Nga, còn nguyên nhân thực sự nằm trong cuộc khủng hoảng quan hệ sâu sắc giữa Nga và phương Tây. Ông Karaganov lưu ý rằng, 25 năm sau Chiến tranh Lạnh, thế giới lại đứng trước một mối nguy hiểm: châu Âu đối mặt với nguy cơ chia rẽ và suy yếu, thậm chí là một cuộc chiến lớn.
Về khả năng hóa giải những bất đồng giữa phương Tây và Nga và giảm bớt nguy cơ lâm vào một cuộc “chiến tranh lạnh” hay thậm chí là “chiến tranh nóng”, ông Karaganov cho rằng, cần bắt đầu tháo gỡ vấn đề bằng việc khởi động một cuộc thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn và vô tư.
Không thể chờ đợi, nhưng khó có thể xử lý triệt để tình hình ở Ukraine mà không giải quyết tận gốc vấn đề: Nga cho rằng phương Tây đang áp đặt một hệ thống an ninh phi lý với lập trường họ là những người chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh. Ông Karaganov khẳng định nước Nga không thể nhượng bộ trong vấn đề Ukraine. Việc Nga chùn bước sẽ bị coi là biểu hiện của sự yếu đuối và là tín hiệu để họ (phương Tây) tiếp tục lấn ép Nga. Trong khi đó, phương Tây nếu thiếu tỉnh táo sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến này. Giằng co giữa các cường quốc, Ukraine trở thành con tin bất đắc dĩ.