Ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại
Tài trợ thương mại nói chung và tín dụng chứng từ nói riêng đã có một lịch sử phát triển lâu dài nhưng lĩnh vực này có những lực cản nhất định.
Vấn đề chính hiện nay là sự phức tạp của quy trình nghiệp vụ, sự chậm trễ, trì hoãn thanh toán do các trường hợp bất hợp lệ của bộ chứng từ, sự phản ứng khá mất thời gian của các bên trong giao dịch tài trợ thương mại (chưa kể các trường hợp gian lận). Các lực cản nói trên có thể được giải quyết với sự xuất hiện của công nghệ blockchain – công nghệ với đặc điểm chính là sổ cái phi tập trung và hợp đồng thông minh.
Khái quát về tài trợ thương mại
Tài trợ thương mại được cung cấp bởi các ngân hàng và các định chế tài chính và là một phần quan trọng trong thương mại quốc tế với chức năng đảm bảo giao hàng – thanh toán cho người mua – người bán và thúc đẩy nhanh hơn chu kỳ thương mại giữa các bên. Tăng trưởng và động lực của thị trường thương mại quốc tế tùy thuộc vào khả năng dễ tiếp cận và sức mạnh của hệ thống tài trợ thương mại. Ở góc nhìn này, tài trợ thương mại được xem như là nhiên liệu cho cỗ máy thương mại toàn cầu.
Trong giao dịch thương mại quốc tế, các chủ thể tham gia có thể bị ảnh hưởng trước các rủi ro kinh doanh và bất ổn định do nhiều nguyên nhân như quy trình kém hiệu quả, sự khác biệt của hệ thống luật thương mại và hàng rào thủ tục ở các nước, sự phức tạp của các nghiệp vụ khi giao dịch có khá nhiều bên tham gia. Ngoài ra, lừa đảo chứng từ và tranh chấp cũng là vấn đề đáng lưu ý trong tài trợ thương mại toàn cầu.
Blockchain và dịch vụ tài chính
Blockchain - công nghệ được gọi là sổ cái phân tán cho phép các giao dịch được hợp thức hóa mà không cần cơ sở dữ liệu tập trung. Blockchain thu hút sự quan tâm khi nó đóng vai trò nền tảng cho các loại tiền điện tử. Kể từ khi xuất hiện vào năm 2008, blockchain đã khai sinh ra hơn 800 loại tiền điện tử, trong đó có bitcoin. Tuy nhiên, tác động sâu sắc của blockchain đối với thương mại toàn cầu chỉ xuất hiện khi nó được sử dụng bởi các công ty và các thể chế tài chính.
Blockchain là một cơ chế phần mềm phi tập trung cho phép triển khai hệ thống sổ cái phân tán. Với công nghệ này, việc theo dõi, ghi chép tài sản và giao dịch được thực hiện mà không cần vai trò của một định chế tín thác trung tâm (như là ngân hàng chẳng hạn).
Nhìn chung, nhiều nghiệp vụ trong dịch vụ tài chính hiện nay dựa trên một sổ cái tập trung, trong đó các bên tín thác thứ ba xử lý giao dịch cho hai hay nhiều bên. Trách nhiệm chính của các bên tín thác thứ ba này là tiếp nhận, kiểm tra, chuyển giao chứng từ sở hữu và tiến hành thanh toán cho các giao dịch.
Khi một hệ thống máy tính phân tán thực hiện các nghiệp vụ trung gian trên internet, phương thức sổ cái phân tán làm cho vai trò của bên tín thác thứ ba không còn cần thiết. Tất cả các giao dịch được ghi vào sổ cái kỹ thuật số, các giao dịch này công khai và được chia sẻ đầy đủ cho các thành viên trong mạng lưới.
Mỗi thành viên trong mạng lưới giữ một bản của sổ cái, mạng lưới tự xác nhận quyền sở hữu tài sản và tiến hành thanh toán các giao dịch. Mô thức này tạo ra cơ chế hoạt động an toàn cao hơn hẳn mô thức giao dịch qua một sổ cái trung tâm. Các giao dịch đều sẵn có cho tất cả các bên trong mạng lưới tiếp cận và không thể thay đổi được khi được ghi chép vào sổ cái.
Blockchain và tài trợ thương mại
Blockchain có thể ứng dụng cho các nghiệp vụ khác nhau trong tài trợ thương mại. Đặc biệt, blockchain có thể làm thay đổi phương thức thanh toán tín dụng chứng từ truyền thống.
Các phương thức thanh toán như tín dụng chứng từ có hiệu quả trong việc hạn chế các rủi ro trong thương mại quốc tế thông qua vai trò kiểm soát trung gian của ngân hàng đối với hàng hóa và thanh toán. Tuy nhiên, giá trị dịch vụ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề như: chi phí cao, mất thời gian và các phức tạp của quy trình nghiệp vụ. Sự không rõ ràng về nội dung trong các điều khoản tín dụng thư (Letter of Credit – L/C) có thể gây ra các lỗi bộ chứng từ không phù hợp, trong khi đó hàng hóa có thể đã được giao cho người mua. Điều này gây trở ngại cho giao dịch giữa người bán và người mua, các ngân hàng cũng mất nhiều thời gian trong tác nghiệp nghiệp vụ tín dụng chứng từ, kèm theo đó là các tranh chấp có thể phát sinh giữa các bên tham gia.
Ngoài ra, người mua còn có thể bị chậm thanh toán trong trường hợp sai lệch thông tin, dữ liệu giữa bộ chứng từ thanh toán và các điều khoản thư tín dụng. Một số trường hợp khác thì xảy ra chậm thanh toán do chỉnh sửa bộ chứng từ cho phù hợp hoặc phải tu chỉnh thư tín dụng trước ngày hết hạn.
Để hạn chế các rủi ro chậm thanh toán hay bị từ chối thanh toán, thư tín dụng có thể được mô hình hóa như các hợp đồng thông minh có khả năng tự xử lý trên blockchain. Loại hợp đồng này tự động kiểm tra, xác định tính phù hợp của các thông tin giao hàng với các điều khoản hợp đồng. Cách làm này làm tăng khả năng thanh toán nhanh cho người bán nhờ ngăn chặn các tranh chấp phát sinh do sự không rõ ràng trong các hợp đồng thanh toán. Tự động hóa phương thức thanh toán này trên blockchain cũng xúc tiến thanh toán thông qua việc sớm phát hiện các bất hợp lệ của bộ chứng từ thanh toán cũng như tăng hiệu quả quá trình tu chỉnh. Hợp đồng thông minh có đặc điểm dễ xúc tiến, tiến hành thủ tục, thực hiện đàm phán hay thực hiện các thỏa thuận, hợp đồng bằng công nghệ blockchain. Việc sử dụng các hợp đồng thông minh sẽ giảm tình trạng bất cân xứng về thông tin, cho phép tạo ra sự đồng thuận, chấp nhận giữa các bên và tiến hành thanh toán tự động cũng như các nghiệp vụ kiểm soát tuân thủ. Thông tin, hàng hóa, thanh toán được trao đổi nhanh và an toàn hơn.
Các lợi ích từ ứng dụng blockchain vào tài trợ thương mại quốc tế
Theo Hogan and Harrison (2018), blockchain có thể được ứng dụng trong việc kiểm soát chuyển giao hàng hóa – quyền sở hữu, ngăn ngừa gian lận, cũng như thực thi các chương trình chống rửa tiền. Đưa blockchain vào hệ sinh thái tài trợ thương mại có thể mang đến các lợi ích như:
Một là, chỉ có một nguồn duy nhất xác định tính xác thực dựa trên một sổ cái phi tập trung.
Hai là, hiệu quả hoạt động được cải thiện hơn đối với các công ty, ngân hàng và tất cả các bên trong hệ sinh thái.
Ba là, tạo thuận lợi cho các nhà cung cấp thanh khoản (thường đây là các ngân hàng quốc tế lớn như HSBC, Deutsche Bank...) trong các giao dịch tài chính.
Tuy nhiên, cũng có một số lưu ý khi ứng dụng blockchain trong tài trợ thương mại hiện nay gồm:
Một là, cần phải có tiêu chuẩn chung cho các chứng từ trong bộ chứng từ trong tài trợ thương mại (hiện nay, có rất nhiều biểu mẫu khác nhau, cũng như tồn tại các nền tảng khác nhau với các tiêu chuẩn khác nhau).
Hai là, cho dù các hệ thống dùng công nghệ blockchain có thể cải tiến đáng kể hiệu quả hoạt động thì các công ty thương mại, công ty logistics và các ngân hàng cũng phải thay đổi hệ thống, quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với công nghệ mới này.
Ba là, cần phải có sự hợp tác. Trong 40 tổ hợp toàn cầu (ứng dụng blockchain) hiện nay, có 26 tổ hợp trong ngành dịch vụ tài chính. Mỗi tổ hợp đó tập trung vào các cách sử dụng và chương trình độc quyền riêng của mình hoặc làm việc với các blockchain công cộng hiện có hoặc sổ cái được phép với các nhà cung cấp.
Mặc dù, blockchain có thể cung cấp các giải pháp để giảm hoặc loại bỏ nhu cầu giám sát pháp lý và quy định nhưng các giao dịch tài chính thương mại liên quan đến các bên vẫn sẽ cần sự rõ ràng liên quan tới các quyền và nghĩa vụ của họ. Điều này chắc chắn sẽ liên quan đến các ngân hàng trung ương để đảm bảo rằng hệ sinh thái thương mại có thể hoạt động mà không gây các e ngại pháp lý nào. Tóm lại, các tiêu chuẩn, quy định pháp lý và tất cả mạng lưới kỹ thuật liên quan đến các giao dịch tài chính thương mại cần được chuẩn bị đầy đủ trước khi công nghệ blockchain áp dụng rộng rãi.