Blockchain cần hành lang pháp lý rõ ràng

Theo Tuyết Ân/doanhnhansaigon.vn

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy công nghệ Blockchain phát triển, làm tiền đề thuận lợi cho các ứng dụng trên nền công nghệ mới đi vào đời sống kinh tế.

Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy công nghệ Blockchain. Nguồn: internet
Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ và thúc đẩy công nghệ Blockchain. Nguồn: internet

Các nhà quản lý, các chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp (DN) tại Diễn đàn Blockchain 2018 cho rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nhân sự và nhân lực kỹ thuật cao đáp ứng được xu thế phát triển Blockchain (công nghệ chuỗi khối), tuy nhiên, những vướng mắc về khung pháp lý đã cản trở công nghệ này nhanh chóng được áp dụng vào thực tế, thậm chí làm mất nguồn nhân lực sang các thị trường cạnh tranh khác.

Các chính sách trước tiên cần định hướng về đào tạo nhân lực, chứng chỉ Blockchain để tạo ra hệ sinh thái cho công nghệ này, song song với cơ chế cởi mở để thu hút vốn đầu tư.

Tiềm năng Blockchain

Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc vùng Infinity Blockchain Labs cho rằng công nghệ mới này vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho tất cả các quốc gia và từng tổ chức, DN. Việt Nam hiện đã bắt đầu có cái nhìn cởi mở hơn về Blockchain, khoảng 2 năm trước, việc truyền thông về công nghệ này còn rất hạn chế bởi cộng đồng chưa hiểu đúng, luôn nhầm tưởng các loại tiền mã hóa như Bitcoin chính là Blockchain.

"Cần nhìn nhận Blockchain là sự tổng hợp những phát kiến trong lĩnh vực công nghệ dựa trên sự chia sẻ của cộng đồng, đóng vai trò như một hạ tầng hỗ trợ, giúp minh bạch hóa thông tin và trở thành xu thế ứng dụng trong nhiều lĩnh vực", ông Long nói.

Ông Manfred Otto - Luật sư từ Duane Morris Việt Nam cho biết hiện nay, 65% giao dịch được thực hiện qua Bitcoin. Các chính phủ đang phải thống nhất khái niệm tiền mã hóa để có thể kiểm soát được, vì phải đối mặt với nạn rửa tiền. Tại Việt Nam, hầu như chưa có quy định liên quan tới vấn đề này, sự điều tiết chủ yếu được thực hiện cho những thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng các lĩnh vực khác còn khá hạn chế.

"Nếu không cho phép giao dịch thử nghiệm, sẽ không thể biết được các giao dịch lớn sẽ diễn ra như thế nào, trong khi dù không được phép vẫn có một nhóm người thực hiện mà không thể quản lý được. Nếu để các giao dịch diễn ra công khai, chính phủ mới có thể kiểm soát thuận lợi".

Còn ông Đặng Minh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Blockchain QNET nhận định việc nắm bắt được công nghệ mới này là cơ hội để Việt Nam xây dựng trung tâm tài chính lớn của thế giới.

Tính rõ ràng, minh bạch của công nghệ mới này dễ dàng tạo niềm tin cho người dân, có thể ứng dụng ở bất cứ đâu, trong lĩnh vực nào để giải quyết những hạn chế của giao dịch truyền thống. "Việt Nam cần mạnh dạn xây dựng đồng tiền kỹ thuật số để ứng dụng cho thị trường tài chính", ông Tuấn kiến nghị.

Ông Dane Elliott - Giám đốc Kinh doanh Achain cho rằng Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để thu hút vốn đầu tư, vì vậy cần cơ chế pháp lý tạo sự thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp tiềm năng này. Hiện nay Ấn Độ, Trung Quốc hay Việt Nam được xem là các thị trường phát triển về ứng dụng Blockchain nhưng khuôn khổ pháp lý lại chưa hoàn thiện.

"Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đều cần các quy định cụ thể để điều phối phát triển ứng dụng Blockchain, thực tế đang đòi hỏi khuôn khổ pháp lý cho tiền mã hóa mà vai trò của Chính phủ là vô cùng quan trọng", ông Dane Elliott nhấn mạnh.

Ưu việt đi liền rủi ro

Khó khăn lớn nhất, theo các chuyên gia quản lý, là ở quy trình nghiệp vụ và mô hình tổ chức, nhân sự ở các đơn vị, nếu chỉ tập trung vào công nghệ sẽ rất khó triển khai. Vì vậy, sẽ là thách thức rất lớn để đưa ra những phương án thúc đẩy công nghệ này đóng góp tốt hơn trong các lĩnh vực, đòi hỏi nghiên cứu thấu đáo về tính ưu việt của công nghệ này đi liền với năng lực đo lường và giải quyết các rủi ro xảy ra trong thực tế.

Các chuyên gia nhận định các quốc gia đều có những quan ngại nhất định trước xu thế Blockchain nhưng đều nỗ lực từng bước ứng dụng công nghệ mới này. Nhà nước cần cho phép đầu tư nghiên cứu những ứng dụng làm thí điểm cải tiến các quy trình công nghệ, quan sát tính hiệu quả để từ đó đưa ra các quy định cụ thể điều phối phát triển ứng dụng cho Blockchain.

Theo ông Đào Đình Khả - Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cần có cách tiếp cận mới phù hợp hơn với các bước đi cẩn trọng. "Thế giới vẫn còn nhiều quan ngại về Blockchain, vì vậy cần những đánh giá thực tế rõ ràng, hạn chế những tác động tiêu cực tới xã hội", ông Khả khuyến cáo.

Chia sẻ kinh nghiệm tại Trung Quốc, ông Dane Elliot cho biết ở thị trường này tiền thuật toán còn bị cấm nhưng chính phủ dành các khoản hỗ trợ không hoàn lại để đầu tư cho các công ty phát triển Blockchain. Đại diện đến từ Malaysia, bà Mastura Ishak cho biết từ năm 2016, Chính phủ Malaysia đã khởi động chương trình về Blockchain với mục tiêu thúc đẩy các sáng kiến để trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Trong khi đại diện đến từ Singapore cho biết quốc gia này đang thử nghiệm huy động vốn qua các loại tiền thuật toán (ICO) để tìm ra các chính sách phù hợp cho ICO, nhằm đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng với lộ trình cho 10 - 15 năm tới.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự và kinh tế của Bộ Tư pháp, Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý để khuyến khích và ủng hộ DN phát triển Blockchain. Bốn điểm quan trọng là: khuyến khích sử dụng, giao dịch, trao đổi tài sản dựa trên Blockchain và khuyến khích ứng dụng Blockchain. Song song đó là tạo ra khung pháp lý an toàn, minh bạch để bảo vệ được cả ba bên tham gia. Các bộ, ngành cũng rà soát các quy định nào hạn chế sự phát triển Blockchain cần loại bỏ để hỗ trợ phát triển.

"Nghị quyết 23 về chiến lược phát triển công nghệ Việt Nam đến năm 2030 đã vạch ra định hướng đi tắt đón đầu công nghiệp 4.0, công nghệ Blockchain được xác định là một trọng tâm. Tuy nhiên, cần những nghiên cứu kỹ lưỡng trong sử dụng Blockchain để xây dựng các giải pháp phù hợp, khuyến khích DN phát triển", ông Tú nói.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh khẳng định bộ này sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ Blockchain tại Việt Nam. "Việc phát triển các ứng dụng công nghệ này sẽ được hỗ trợ thông qua các chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, ưu tiên hỗ trợ DN khởi nghiệp trong các dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain", ông Chu Ngọc Anh cho biết.