Ứng dụng chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử: Lợi ích kép
(Tài chính) Từ ngày 1/11/2013, doanh nghiệp (DN) hoạt động xuất nhập khẩu khi tham gia thủ tục hải quan điện tử (TTHQĐT) phải sử dụng chữ ký số (CKS) theo quy định của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng
Phóng viên: Ngày 15/11, ngành HQ sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống VNACCS/VCIS. Cộng đồng DN được hưởng lợi ích gì thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Tùng: Với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, việc xây dựng hệ thống VNACCS/VCIS đã gần hoàn thiện. Ngày 15/11 sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống, tiến tới thực hiện chính thức từ 1/4/2014. Khi triển khai VNACCS/VCIS, các giao dịch bên ngoài với cơ quan HQ phải thông qua CKS. Vì vậy, việc áp dụng CKS trong thực hiện TTHQĐT từ ngày 1/11/2013 là bước chuẩn bị quan trọng và cần thiết để tiến tới vận hành hệ thống VNACCS/VCIS.
Khi tham gia TTHQĐT, mỗi DN được cấp một tài khoản khai HQ điện tử. Tuy nhiên, do nhận thức về bảo mật tài khoản hạn chế nên khiến thông tin của DN có nguy cơ bị tiết lộ, chiếm đoạt hoặc thay đổi mà không biết, hoặc không thể kiểm soát. Khi sử dụng CKS trong thực hiện TTHQĐT thay cho việc sử dụng tài khoản, cơ quan HQ sẽ dễ dàng xác thực đối tượng khai báo trực tuyến. Dữ liệu khai HQ lúc đó mang tính xác thực và bảo mật cao do CKS của DN đã được chứng thực bởi các nhà cung cấp dịch vụ CKS. Việc sử dụng CKS không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn mang lại nhiều thuận lợi cho DN trong hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp đến ngày 1/4/2014 DN vẫn chưa ứng dụng CKS thì họ có thể thực hiện TTHQĐT không thưa ông?
Cả nước hiện có trên 40.000 DN thực hiện TTHQĐT và đằng sau nó là hoạt động bình thường của DN. Thời điểm ngày 1/11 là quy định pháp quy và ngành HQ đang tuyên truyền phổ biến với mong muốn cộng đồng DN sẽ hưởng ứng và chấp hành nghiêm. Chế tài xử lý đang trình Bộ Tài chính xem xét thông qua. Ngành sẽ tạo thuận lợi cho DN hoạt động xuất nhập khẩu nên nếu chưa ứng dụng CKS, chúng tôi vẫn cho thực hiện TTHQĐT. Cùng với đó sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để DN thực hiện. Việc đăng ký sử dụng CKS qua mạng internet tại cơ quan HQ rất thuận lợi, chỉ mất khoảng 2 phút.
Vậy Tổng cục Hải quan có thể định lượng được những lợi ích khi DN tham gia TTHQĐT hay VNACCS/VCIS?
Việc định lượng tiết kiệm chi phí chưa thể tính chính xác dù đã có nhiều con số ước tính được các tổ chức đưa ra. Về phía ngành, chúng tôi đã thực hiện đo thời gian giải phóng hàng theo thông lệ HQ thế giới và sử dụng phương pháp đáng tin cậy nhất để tính toán. Thời gian thông quan thường gồm có hai loại: thời gian do cơ quan HQ thực hiện và thời gian do cơ quan cảng biển, hàng không, đường bộ thực hiện.
Thông qua kết quả đó mới có thể biết TTHQĐT đem lại những lợi ích gì, thời gian giảm bao nhiêu, thậm chí có thể so sánh với thời điểm sau khi hệ thống VNACCS/VCIS chính thức vận hành. Ngành cũng đang điều tra sự hài lòng của khách hàng. Năm 2012, TCHQ đã tổ chức đánh giá lần đầu nhưng chưa công bố rộng rãi số liệu. Năm nay sẽ công bố công khai để từ đó quy ra những lợi ích cụ thể cho DN khi tham gia ứng dụng CKS, TTHQĐT.
Bảo mật thông tin khi thực hiện giao dịch điện tử luôn là vấn đề "nóng" với DN. Ông đánh giá thế nào về tính bảo mật của CKS trong thực hiện TTHQĐT?
Khi sử dụng CKS, người có trách nhiệm mới có quyền sử dụng CKS thông qua mã khóa. Khi thông tin được chuyển đi và ký, người không có trách nhiệm sẽ không thể mở. Khi tài liệu khai báo HQ của DN được chuyển đến cơ quan HQ kèm theo CKS, thông tin này sẽ được chuyển đến tổ chức xác thực và lúc đó mới có thể mở được hồ sơ. Như vậy, tính bảo mật hồ sơ sẽ được bảo đảm ở mức cao.
Ngoài ra, CKS cũng có chức năng chống chối bỏ, bởi khi DN đã khai rồi lại chối bỏ tờ khai đó thì CKS sẽ giúp xác thực điều này. Khi sử dụng CKS, người khai và người nhận CKS đều có mã khóa. Nếu CKS chuyển nhầm địa chỉ, không có khóa thì người nhận cũng không mở được nên tính bảo mật khá bảo đảm. Ngoài ra các hãng công nghệ cũng có nhiều giải pháp để bảo mật khá hiệu quả cho CKS. Hiện có 8 nhà cung cấp giải pháp CKS được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, cơ bản đáp ứng các yêu cầu bảo mật của DN.
Ông có thể cho biết về mức phí để được cung cấp dịch vụ CKS?
Phí sử dụng dịch vụ CKS do các nhà cung cấp dịch vụ CKS quy định. Cơ quan HQ không liên quan gì đến việc tính phí sử dụng. Nhà cung cấp CKS sẽ thỏa thuận với DN, hiện mức phí này khoảng 1,5 triệu đồng bao gồm cả thiết bị token (khóa bảo mật). Tuy nhiên tùy theo chính sách của nhà cung cấp dịch vụ, mức phí có thể khác nhau. Nếu DN cung cấp dịch vụ có chính sách miễn phí cho DN thì bản thân họ sẽ truyền tải tới DN. Quan điểm của chúng tôi là trung lập đối với các nhà cung cấp dịch vụ.
Xin cảm ơn ông!
Hệ thống thông tin ngành HQ chấp nhận CKS cung cấp bởi 8 DN gồm: FPT, Bkav, VNPT-CA, Nacencom, CK-CA, Safe-CA, Viettel-CA và SmartSign. Khi có CKS, DN không phải đến trụ sở cơ quan hải quan mà chỉ cần thông qua mạng internet để đăng ký sử dụng CKS tại wesite: www.customs.gov.vn. DN có thể sử dụng CKS này để thực hiện TTHQĐT trên toàn quốc.