Ứng dụng công nghệ thông tin đem lại năng suất cho các nhà bán lẻ

Theo thuongtruong.vn

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã lan tỏa vào lĩnh vực thương mại bán lẻ và tiêu dùng xã hội các nước. Ở Việt Nam, giai đoạn 2018-2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây cũng là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam và DN nước ngoài, giữa kênh bán hàng hiện đại và truyền thống.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2015 - 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tăng so với năm trước từ 10,5 - 10,9%. Năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4,4 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017 - mức tăng đột phá và cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, thị trường bán lẻ Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Hiện, thị phần bán lẻ hiện đại chỉ mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Philippines (33%), Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%). Các siêu thị, trung tâm thương mại hầu hết tập trung tại các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ rất nhiều.

Theo ông Vũ Vinh Phú - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, sự phát triển của công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi sẽ đem lại năng suất lao động cao cho các nhà bán lẻ; đồng thời, thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Các nhà bán lẻ cần sớm nhận biết vấn đề này để sử dụng những công nghệ tiên tiến vào quản lý kinh doanh.

"Thời gian tới là giai đoạn của bán hàng đa kênh, cả trực tiếp và online. Mô hình bán lẻ kiểu liên doanh và bách hóa tổng hợp đã không còn phù hợp, thay vào đó là mô hình shopping mail, vừa bán hàng vừa có các dịch vụ tổng hợp như vui chơi, ăn uống, làm đẹp…" - ông Phú cho hay.

Đồng ý kiến, bà Đặng Thúy Hà - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam - cho biết, nhà đầu tư bán lẻ hiểu mình phải thay đổi, linh hoạt trong việc đáp ứng nguyện vọng của người tiêu dùng, có những hướng đi riêng và cách tiếp cận năng động để làm mới cơ cấu hoạt động và chăm sóc khách hàng.

Việc khai thác các dữ liệu lớn (Big Data) hay thông tin từ trí tuệ nhân tạo (AI)… nếu được ứng dụng và khai thác đúng cách, sẽ không những giúp nhà bán lẻ cập nhật "hơi thở" thị trường, mà còn tối ưu hóa đầu tư dựa vào các quyết định đúng đắn từ cơ sở số.