Ứng dụng di động: Chiến lược mới cho các nhà đầu tư Việt Nam
(Tài chính) Ở Việt Nam hiện nay, trong khi những kênh đầu tư truyền thống như bất động sản, chứng khoán, vàng đã không còn “nóng” và thu hút được nhiều nhà đầu tư như trước bởi ẩn chứa nhiều rủi ro, thì xu hướng đầu tư vào công nghệ đang dần phát triển. Trong đó đầu tư vào phát triển ứng dụng cho smartphone và tablet đang là một kênh đầu tư đầy tiềm năng.
Theo số liệu thống kê của ABI Research, giá trị của thị trường ứng dụng thế giới năm 2013 đạt khoảng 27 tỷ USD, trong đó tại Việt Nam đạt khoảng 15.000 tỷ VNĐ (tương đương khoảng 750 triệu USD). Đồng thời với khoảng 7 triệu smartphone mới được bán ra tính đến cuối năm 2013, Việt Nam trở thành thị trường smartphone có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á, đạt mức 156% so với năm 2012. Dự kiến đến năm 2016, Việt Nam có khoảng 12,3 triệu smartphone được bán ra.
Đồng thời, phân khúc smartphone giá rẻ đang dần phát triển khiến việc sở hữu smartphone không còn quá khó đối với người Việt Nam. Cùng với đó, theo báo cáo mới đây của VMWare Meconomy 2014 nghiên cứu về thái độ nhân viên hiện đại trong xã hội di động cho thấy, 80% người được khảo sát cho rằng hoàn toàn có thể duy trì hiệu quả công việc khi làm việc di động.
Một báo cáo của công ty được công ty Juniper Research công bố dự báo lượt tải ứng dụng di động cho cả smartphone và tablet trên toàn cầu sẽ vượt qua con số 160 tỷ lượt vào năm 2017. Điều này cho thấy người dùng ngày càng có xu hướng làm việc và giải trí thông qua các ứng dụng trên thiết bị di động của mình.
Tiềm năng của thị trường ứng dụng di động còn được khẳng định thông qua một dự báo của Canalys, theo đó doanh thu trực tiếp từ việc bán ứng dụng cho smartphone và tablet toàn cầu sẽ tăng lên 36,7 tỷ USD vào năm 2015.
Mặc dù phát triển ứng dụng di động là một thị trường đầy hứa hẹn đối với các nhà đầu tư, tuy nhiên dường như các nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn đang khá e dè và chưa thực sự nắm bắt thời cơ. Hiện nay đang có hàng chục quỹ đầu tư lớn nhỏ tham gia thị trường startup Việt Nam nói chung, tuy nhiên, xét về tương quan cả về số lượng và số vốn thì các quỹ đầu tư nước ngoài đang chiếm phần lớn, trong đó có thể tới các quỹ như IDG Venture, Mekong Capital, Cyber Agent Venture… với số vốn lên đến hàng chục triệu USD.
Có lẽ đã đến lúc các nhà đầu tư Việt Nam cần có chiến lược mới, mở rộng kênh đầu tư vào thị trường phát triển ứng dụng di động đầy tiềm năng và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ này.