Ứng phó với xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục những khó khăn mới do tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các hoạt động về phòng vệ thương mại (PVTM) trong năm 2022 sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu và người tiêu dùng.
Tăng cường thực thi PVTM
Ghi nhận của Cục PVTM, Bộ Công Thương, năm 2021, diễn biến phức tạp của Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành sản xuất, xuất khẩu; việc thực hiện cắt giảm thuế quan theo cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đưa mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt xuống rất thấp, phần lớn ở mức 0%; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của ta tiếp tục tăng cao, ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; tình hình thương mại khu vực và toàn cầu diễn biến phức tạp, xu thế sử dụng các biện pháp PVTM trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp.
Với diễn biến của kinh tế toàn cầu, theo Cục PVTM là đã tác động trực tiếp tới các hoạt động về PVTM, như: Nhiều nước tiếp tục sử dụng các biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; nhiều ngành sản xuất bị thiệt hại bởi hàng hóa nhập khẩu đã có hồ sơ đề nghị khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM; xu thế theo dõi, điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp PVTM, gian lận xuất xứ gia tăng.
Đặc biệt, cùng với sự tăng trưởng thời gian qua, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp PVTM của nước ngoài. Số liệu Cục PVTM cung cấp cho thấy, tính đến hết tháng 12/2021, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 209 vụ việc điều tra. Riêng trong năm 2021 có 8 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng, bên cạnh nhiều vụ việc cũ đang tiếp tục điều tra và các vụ việc rà soát hàng năm, rà soát cuối kỳ.
Trước các vụ việc về PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, để bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, thời gian qua, Cục PVTM đã tăng cường, triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Như, Cục đã tham mưu Bộ Công Thương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg; tiếp tục triển khai 3 thủ tục hành chính cấp độ 4, bao gồm: Thủ tục khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp PVTM để phục vụ công tác điều tra; thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM; thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM.
Bên cạnh đó, năm qua, Cục PVTM cũng đã tiếp tục chủ động theo dõi, nghiên cứu, báo cáo lãnh đạo Bộ những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về PVTM của các nước và tình hình cải cách cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Đồng thời, phối hợp cùng với các bộ, ngành liên quan triển khai cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản ứng phó; trực tiếp cung cấp thông tin để cơ quan điều tra nước ngoài hiểu rõ về các chính sách, quy định của Việt Nam, tránh đưa ra những kết luận bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam dựa trên những cáo buộc thiếu khách quan và không chính xác. Đồng thời, can thiệp, trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài khi phát hiện hoạt động điều tra không phù hợp với các quy định của WTO...
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài theo đánh giá của Cục PVTM là đã đem lại những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021 nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu sang các thị trường quan trọng của ta như: Hoa Kỳ, Canada, Úc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia...
Đại diện Cục PVTM cho biết thêm, Cục đã và đang thực hiện Quyết định số 1347/QĐ-BCT của Bộ Công Thương triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới. Trong đó, đã đề ra các hoạt động rất toàn diện nhằm tăng cường hiệu quả, năng lực của công tác PVTM trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA.
Với các hoạt động này, theo Cục PVTM, công tác PVTM tiếp tục được hoàn thiện hơn, cụ thể: Đào tạo về kiến thức từ tổng quát đến chuyên sâu về PVTM cho ngành sản xuất trong nước, đặc biệt là các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp; Cung cấp thông tin PVTM cho các Hiệp hội, ngành sản xuất trong nước; hoàn thiện thể chế về PVTM theo hướng hiệu quả, tinh giản và phù hợp với các diễn biến mới và tăng cường công tác thực thi PVTM.
Ứng phó với tình hình mới
Năm 2022, kinh tế toàn cầu tiếp tục những khó khăn mới do tình hình Covid-19 kéo dài, thế giới phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh. Bối cảnh khu vực và quốc tế cũng đang diễn biến phức tạp, đi liền với xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực. Đối với kinh tế Việt Nam, năm 2022, cùng với việc thực hiện các Hiệp định FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu-nhập khẩu của ta đã và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội và thách thức.
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ đã đã đề ra nhiệm vụ “Tăng cường đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Nâng cao năng lực và thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với cam kết quốc tế. Xây dựng, vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm đối với những mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại…”.
Trước những vấn đề đặt ra, trong năm 2022, Cục PVTM nhấn mạnh, hoạt động về PVTM cần tiếp tục được thúc đẩy nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nền kinh tế, các ngành sản xuất, xuất khẩu và người tiêu dùng.
Theo đó, các định hướng lớn về công tác này đã được đề ra như: Thực hiện đúng thời hạn công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PVTM; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về PVTM, Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ, Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025; Đề án Nâng cao năng lực về PVTM trong bối cảnh tham gia các Hiệp định FTA thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Cục PVTM sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật PVTM của Việt Nam cũng như của WTO và một số nước trên thế giới để nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng công cụ PVTM và ứng phó với các vụ kiện PVTM của nước ngoài, qua đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam. Hoàn thiện nền tảng cho việc thực hiện hiệu quả công việc của Cục như cơ sở dữ liệu, quy trình xử lý vụ việc, trang thông tin điện tử, quy chế đào tạo, luân chuyển cán bộ...
Cùng với đó, Cục PVTM sẽ tăng cường theo dõi, nghiên cứu và phân tích thay đổi chính sách, pháp luật PVTM và thông lệ điều tra của các đối tác, thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU…; theo dõi chặt chẽ các diễn biến, tác động của căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc để có biện pháp kịp thời nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới nền kinh tế; nâng cao hiệu quả áp dụng các biện pháp PVTM, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng lẩn tránh các biện pháp này. Đồng thời, theo dõi giá cả, thị trường các mặt hàng đang áp dụng biện pháp PVTM để có kiến nghị kịp thời.